Sau một năm, GoViet làm được gì tại thị trường Việt Nam?
Trong khi còn thua kém trong dịch vụ gọi xe và chưa cung cấp dịch vụ di chuyển bằng ô tô thì GoViet đã tuyên bố đứng đầu trong mảng giao đồ ăn.
- 20-07-2019Hàng trăm tài xế đình công phản đối chính sách của Go-Việt: “Chúng tôi làm 17-18h/ngày cũng không đủ điểm để đạt mức thưởng đưa ra”
- 16-10-2018Bài học cho doanh nghiệp Việt qua cuộc đại chiến với Grab và Go-Việt
- 13-09-2018Chân ướt chân ráo tới Hà Nội, Go-Việt thể hiện tham vọng vượt mặt Grab ngay từ quán trà đá
Hôm qua (18/8) GoViet đã tổ chức sự kiện 1 năm hoạt động tại Việt Nam và cán mốc 100 triệu chuyến xe. Số lượng lái xe của dịch vụ này đã đạt đến con số 125.000.
Hiện nay, GoViet đang triển khai dịch vụ di chuyển bằng xe máy, giao hàng và giao đồ ăn tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Cũng theo công bố của dịch vụ này, tốc độ tăng trưởng của GoViet đang đạt mức 400% số đơn đặt.
Tuy nhiên, đây cũng là dịch vụ duy nhất trên thị trường không phục vụ ô tô. Tất cả đối thủ khác trên thị trường kể cả từ nước ngoài như Grab hay trong nước như Be, FastGo đều khởi đầu từ dịch vụ vận chuyển hành khách bằng ô tô với nhiều mức tùy chọn khác nhau từ xe cao cấp đến xe bình dân hay taxi.
Trong sự kiện này, GoViet đã tuyên bố họ đang dẫn đầu thị trường Việt Nam trong lĩnh vực giao nhận đồ ăn.
Được triển khai ở thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 11/2018 và Hà Nội từ tháng 3/2019, đến nay họ đã tiếp cận 70.000 nhà hàng, hơn 1 triệu món ăn, phụ vụ hàng trăm nghìn đơn hàng và tăng trưởng từ 25 đến 35% mỗi tháng.
Theo GoViet, họ đã đóng vai trò quan trọng trọng việc tạo điều kiện cho hàng chục nghìn đối tác nhà hàng rất nhỏ, nhỏ và vừa tiếp cận với nhiều khách hàng hơn, mở rộng mô hình kinh doanh, cải thiện doanh thu.
Trước đó vào tháng 5/2019, Grab cũng phát đi thông tin về việc kỷ niệm 1 năm hoạt động dịch vụ giao đồ ăn Grab Food tại Việt Nam. Khi đó dịch vụ của Singapore công bố mảng giao đồ ăn đã tăng trưởng 250 lần trong 1 năm.
Sau 7 tháng vận hành họ đã mở rộng hoạt động ra 15 tỉnh, thành, thời gian giao trung bình chỉ 20 phút và tuyên bố là dịch vụ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam.
Có thể thấy cả 2 dịch vụ nước ngoài đều đang tận dụng khá tốt thế mạnh từ đội ngũ đối tác lái xe máy của mình, đồng thời cũng tận dụng được thói quen sử dụng dịch vụ di chuyển của người dùng khi chỉ cần một ứng dụng nhưng được đáp ứng cả nhu cầu vận chuyển và nhu cầu giao đồ ăn.
Trong khi đó đối thủ nội trên thị trường hiện nay là Now lại đang sử dụng lợi thế khác là cơ sở dữ liệu về các nhà hàng trên mạng xã hội đồ ăn Foody.
GoViet đang đặt mục tiêu trở thành siêu ứng dụng, giống với GoJek đang triển khai tại Indonesia. So với Grab, ứng dụng này vẫn còn thua kém khá xa vì đối thủ đã có cả ví điện tử, dịch vụ thanh toán hóa đơn, đặt phòng khách sạn. Do vậy vẫn còn rất nhiều việc mà GoViet cần làm để đạt được mục tiêu trên.
BizLIVE