MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau nhiều sóng gió, “lễ trao giải Oscar” cho quy định pháp luật Việt Nam được tổ chức nhưng chỉ đề cử mà không có bình chọn

Sau hơn 1 năm triển khai, sáng nay 28/2, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố báo cáo cuộc bình chọn quy định pháp luật năm 2016. Tuy nhiên, VCCI chỉ nêu danh sách đề cử chứ không có kết quả bình chọn tốt nhất hoặc kém nhất.

Giải Oscar” cho quy định pháp luật Việt Nam

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã ví von đây được xem như lễ trao “giải Oscar” cho các quy định pháp luật của Việt Nam trong năm vừa qua. Báo cáo nhằm cổ vũ, tôn vinh những quy định tốt nhất, đồng thời, phản hồi những cái chưa tốt, chưa phù hợp, nhằm đánh động cho các Bộ, ban ngành để có đường hướng sửa đổi.

“Xây dựng pháp luật đã có nhiều tiến bộ nhưng quá trình thực hiện không phải lúc nào cũng được đảm bảo”, ông Lộc nhấn mạnh.

Đồng thời, cuộc bình chọn được kỳ vọng sẽ có tác động lớn trong việc nâng cao vai trò và tiếng nói của hiệp hội doanh nghiệp, tạo cơ hội và thúc đẩy khối doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức nghề nghiệp tham gia một cách chủ động và tích cực hơn trong quá trình xây dựng và sửa đổi chính sách ở Việt Nam. Nghĩa là sẽ nâng cao hơn nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp trong việc đóng góp hoàn thiện hệ thống pháp luật, khuyến khích sự tham gia tích cực hơn của các doanh nghiệp.

Ông Lộc cũng cho biết Hội nghị sắp tới của Thủ tướng với doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải hiến kế, không phải chung chung mà đi sâu vào cái cụ thể, sửa đổi triệt để. “Việc tổ chức bình chọn này là để hướng đến điều này”, Chủ tịch của VCCI.

Trên thực tế, đây là một cuộc bình chọn gặp nhiều sóng gió khi triển khai. Cuộc bình chọn được khởi động từ 22/12/2015 và dự tính sẽ công bố vào tháng 4/2016. Tuy nhiên, nhiều Bộ, ngành cơ quan đã tỏ ý quan ngại về cuộc bình chọn này, dẫn đến kết hoạch tháng 4 năm ngoái không được thực hiện. Dù vậy, sau nhiều tranh luận cũng như bằng các hình thức khác, cuộc bình chọn vẫn được tiếp tục diễn ra.

5 Bộ, ngành không có phản hồi

Thực tế, sau giai đoạn đề cử, Ban Tổ chức đã nhận được 9.297 đề cử của các quy định từ 1.739 cá nhân và tổ chức, (trung bình mỗi phiếu đề cử 5,34 quy định). Sau khi sang lọc, kết quả có 114 quy định tốt và 123 quy định chưa tốt được đề cử.

Khác với 10 quy định tốt nhất và tồi nhất như dự định 1 năm trước đó, vì nhiều lý do khác nhau, Ban Tổ chức đã quyết định đề cử lên 30 quy định mỗi bên, và tính từ “chưa tốt” được thay thế bằng “kém”. Tuy nhiên, các đề cử này được đưa ra mà không có kết quả bình chọn là kém nhất hoặc tốt nhất.

Danh sách các quy định tốt và tồi này được gửi cho 17 cơ quan ban hành hoặc chịu trách nhiệm chủ trì soạn thảo để lấy ý kiến giải trình, gồm: Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

Ban Tổ chức đã nhận được 12 công văn phúc đáp của các Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

Như vậy, có 5 cơ quan không có công văn phúc đáp. Trong đó, có 3 cơ quan không có đề cử quy định tồi là Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Xây dựng và Bộ Y tế; hai cơ quan còn lại không có công văn phúc đáp là Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên