MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau Petrolimex, thị trường chứng khoán sẽ sớm có thêm 1 doanh nghiệp tỷ đô trong lĩnh vực ô tô

28-03-2017 - 17:02 PM | Doanh nghiệp

Trên thị trường OTC, cổ phiếu VEAM đang được giao dịch tại mức giá 24-25.000 đồng/cp, tăng 70% so với thời điểm IPO diễn ra vào tháng 8/2016.

Từ cuối năm 2016 đến nay, quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam đã và đang tăng lên đáng kể khi một loạt doanh nghiệp có vốn hóa lên tới cả tỷ USD đã tiến hành niêm yết hoặc giao dịch trên Upcom. Danh sách này gồm có Sabeco, Đường Quảng Ngãi, Vietnam Airlines, Masan Consumer, Vietjet, Novaland.

Trong thời gian sắp tới, dự kiến thị trường sẽ đón nhận thêm 2 doanh nghiệp lớn khác là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex (dự kiến niêm yết trên HoSE) trong tháng 4/2017 và Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).

“Hàng hiếm” của ngành ô tô

Cả 2 cổ phiếu này đang được khá nhiều nhà đầu tư quan tâm và giao dịch trên thị trường OTC. Petrolimex đang được giao dịch mức giá khoảng 49-50.000 đồng/cp.

Còn VEAM đang được giao dịch tại mức giá khoảng 24-25.000 đồng/cp, tương ứng vốn hóa đạt gần 32.000 tỷ đồng (1,4 tỷ USD) – lớn hơn đáng kể so với vốn hóa của những cổ phiếu ô tô đang niêm yết như TCH, HHS, SVC, HAX…

Tại mức giá trên, cổ phiếu VEAM đã tăng gần 70% so với giá trúng bình quân 14.291 đồng/cp trong đợt IPO diễn ra vào tháng 8/2016.

Trong đợt IPO, nhà đầu tư chỉ đặt mua 145 triệu cổ phần trên tổng số 167 triệu cổ phần đem đấu giá. Mặc dù không bán hết nhưng với một đợt IPO có quy mô chào bán tính theo giá khởi điểm lên đến 2.400 tỷ đồng thì việc bán được tới 90% đã là một thành công lớn.

Có một nhà đầu tư trong nước đã mua gần 80 triệu cổ phần và nhà đầu tư nước ngoài mua 30 triệu cổ phần. Một số tổ chức như Dragon Capital, Vietinbank Capital, Bảo hiểm Quân đội… đã đặt mua trên 1 triệu cổ phần.

Với quy mô vốn lên đến cả chục nghìn tỷ, VEAM là một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn nhất từng được cổ phần hóa cũng như là một trong những doanh nghiệp lớn nhất ngành ô tô.

VEAM sở hữu một nhà máy lắp ráp xe tải tại Thanh Hóa mang thương hiệu VEAM Motor. Doanh nghiệp này cũng sở hữu một số công ty con, công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cơ khí, máy động nghiệp, động cơ…

Tuy vậy, hoạt động kinh doanh chính của VEAM cũng như các công ty con không mấy hiệu quả. Nhưng VEAM vẫn trở thành một trong những doanh nghiệp nhà nước có quy mô vốn và lợi nhuận vào loại tốp đầu nhờ vào 3 khoản góp vốn liên doanh tại Honda Việt Nam (VEAM sở hữu 30%), Toyota Việt Nam (sở hữu 20%) và Ford Việt Nam (sở hữu 75%).

Các liên doanh này – đặc biệt là Honda với vị trí thống lĩnh ngành xe máy – mang về hàng nghìn tỷ lợi nhuận mỗi năm cho VEAM, đưa doanh nghiệp này trở thành một trong những tổng công ty nhà nước có lợi nhuận vào loại lớn nhất.

VEAM cùng với Tổng Công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam – Vinamotor và Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn – SAMCO là 3 doanh nghiệp nhà nước tham gia vào lĩnh vực sản xuất lắp ráp ô tô.

Hiện tại, nhà nước đã thoái hết 98% vốn tại Vinamotor cho Công ty Motor N.A Việt Nam (Vinamco) – một doanh nghiệp có liên quan đến Chủ tịch BRG Group Nguyễn Thị Nga.

Vinamco cũng là một trong những nhà đầu tư đã đăng ký làm cổ đông chiến lược mua 36% cổ phần của VEAM. Do chưa thống nhất được về giá nên đến nay VEAM vẫn chưa bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.

VEAM chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần với vốn điều lệ 13.288 tỷ đồng, trong đó Bộ Công thương đại diện vốn nhà nước vẫn nắm giữ 88,5% vốn thay vì 51% như phương án cổ phần hóa.

Dù vậy, trong Đại hội đồng lần đầu diễn ra vào ngày 18/1/2017, bà Nguyễn Thị Nga vẫn được bầu vào Hội đồng quản trị gồm 5 thành viên của VEAM.

Trường An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên