Sau quý 3 lỗ nặng, có nên tiếp tục đầu tư vào quặng sắt?
Giá quặng sắt kết thúc quý 3 ở mức cao nhất trong vòng 3 tuần. Tuy nhiên, tính chung trong tháng 9, giá khoáng sản này giảm tháng thứ 3 liên tiếp. Quý 3 đánh dấu mốc buồn khi giá giảm nhiều nhất kể từ năm 2008.
- 01-10-2021Thị trường ngày 1/10: Giá dầu ngừng tăng, vàng và quặng sắt tăng mạnh, đồng giảm
- 25-09-2021Sản lượng thép thế giới quay đầu giảm lần đầu tiên trong hơn một năm qua
- 25-09-2021Thị trường ngày 25/9: Giá dầu gần chạm mức cao nhất trong 3 năm, thiếc cao nhất lịch sử, quặng sắt, lúa mì, cà phê đều tăng giá
Phiên 30/9, giá quặng sắt kỳ hạn tương lai tại Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong ba tuần. Phiên này, quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc có lúc đạt 758 CNY, cao nhất kể từ ngày 8 tháng 9, kết thúc phiên vẫn tăng 5,4% so với phiên liền trước, lên 721,50 CNY (111,58 USD)/tấn. Cùng thời điểm, quặng sắt kỳ hạn tháng 11 trên Sàn giao dịch Singapore tăng 3,4% lên 118,45 USD/tấn, sau khi có lúc cũng lên mức cao nhất trong hai tuần là 127,80 USD; quặng sắt hàm lượng 62% nhập khẩu vào miền Bắc Trung Quốc (giá giao ngay tại cảng) cũng tăng 4,3% lên 119,23 USD/tấn, bật xa khỏi ngưỡng tâm lý 100 USD. Giá các loại thép tại Trung Quốc kết thúc quý 3 cũng khả quan khi đồng loạt tăng.
Tuy nhiên, giá quặng sắt tại Trung Quốc - nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới - tăng vào những phiên cuối quý 3 phần lớn chỉ phản ánh việc nhu cầu mua tích trữ trước kỳ nghỉ Tuần lễ vàng quốc gia, từ ngày 1 tháng 10.
Tính chung trong tháng 9, giá quặng sắt giao dịch trên sàn Đại Liên giảm khoảng 31%, so với mức cao kỷ lục hồi tháng 5 thì giá đã giảm 42%. Trong quý 3/2021, giá khoáng sản này giảm quý đầu tiên trong vòng 2 năm, với mức giảm nhiều nhất kể từ 2008.
Hiệu suất do quặng sắt mang lại từ đầu năm đến nay
Những lý do đẩy giá quặng sắt gần đây cho thấy thấy xu hướng tăng khó bền vững. Trên thực tế, tâm lý thận trọng đang bao trùm thị trường kim loại Trung Quốc do tình trạng thiếu điện dẫn tới nhiều nhà máy phải cắt giảm sản lượng và lo ngại về sự vỡ nợ của China Evergrande.
Chiến lược gia hàng hóa cao cấp của ANZ, Daniel Hynes, cho biết: "Cuộc khủng hoảng năng lượng đang dẫn đến việc nhiều nhà máy thép phải cắt giảm sản lượng", và trích dẫn dữ liệu ngành cho thấy sản lượng thép Trung Quốc sụt giảm 7,2% so trong hai tuần đầu tháng 9 so với cùng kỳ tháng trước.
Hôm 20/9/2021, giá quặng sắt hàm lượng 62% - tham chiếu cho thị trường quặng sắt Châu Á - đã giảm xuống chỉ còn 92,98 USD/tấn, mức thấp nhất trong vòng 16 tháng, thấp hơn 61% so với mức cao kỷ lục hôm 12/5/2021 (237,57 USD/tấn) và giảm 58% so với mức 222,09 USD của ngày 15/7/2021.
Trong lịch sử, lần gần đây nhất giá quặng sắt giảm mạnh trong một thời gian ngắn như vậy là trong cuộc cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khi mất 68% trong vòng ba tháng.
Quặng sắt lao dốc vì đâu?
Áp lực chính khiến giá quặng sắt giảm nhanh là bởi Chính phủ Trung Quốc áp đặt các biện pháp hạn chế sản xuất thép nhằm giới hạn sản lượng thép thô năm 2021 không vượt quá mức kỷ lục 1,053 tỷ tấn của năm 2020. Xét đến việc quốc gia này trong 6 tháng đầu năm 2021 đã có sản lượng thép cao hơn khoảng 12% so với cùng kỳ năm 2020 thì việc cắt giảm trong nửa cuối năm sẽ rất nghiêm trọng. Đối với nhiều người, điều đó nghiêm trọng đến mức không thể tưởng tượng được.
Cho dù mục tiêu đó (giới hạn sản lượng thép thô năm 2021 không vượt quá mức kỷ lục 1,053 tỷ tấn của năm 2020) có đạt được hay không, rõ ràng là hầu hết những người tham gia thị trường đã đánh giá thấp quyết tâm của chính phủ Trung Quốc trong việc ưu tiên các mục tiêu môi trường, kể cả khi phải trả giá bằng tăng trưởng kinh tế.
Chỉ số giá quặng sắt (quặng hàm lượng 62%), cfr Tần Hoàng Đảo (ĐVT: USDtấn).
Trong bối cảnh đó, những khó khăn tài chính của hãng bất động sản khổng lồ của Trung Quốc, Evergrande, càng góp phần tạo thêm tâm lý giảm giá đối với các nguyên liệu công nghiệp cung cấp cho lĩnh vực bất động sản của nước này. Lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 30 – 35% tiêu thụ thép của Trung Quốc.
Trong khi đó, sản lượng quặng sắt toàn cầu tiếp tục hồi phục trở lại sau giai đoạn giảm nhiều năm vì hết lý do này đến lý do khác, và có vẻ như một số nhà máy thép sẽ bán lại lượng nguyên liệu (quặng sắt) không cần thiết theo hợp đồng trên thị trường giao ngay trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, về lý do này, cuối tháng 9 hãng Vale đã thông báo rằng các vấn đề về giấy phép sẽ cản trở mục tiêu tăng trưởng công suất của hãng trong năm tới, nhắc nhở chúng ta rằng mọi việc có thể không suôn sẻ khi nhìn từ góc độ nguồn cung.
Giá các loại quặng sắt cao cấp vẫn có khả năng phục hồi để tăng hơn nữa sau đợt bán tháo.
Triển vọng sẽ ra sao?
Ngay từ đầu năm, các nhà phân tích của Fastmarkets đã dự đoán giá quặng sắt sẽ giảm đáng kể trong năm nay. Trên thực tế, giá giảm nhanh hơn và nhiều hơn mức mà các nhà phân tích này đưa ra.
Cuối tháng 9/2021, Fastmarkets cho rằng mức giá quặng sắt tầm 92 USD/tấn như gần đây gần đây có thể là một sự điều chỉnh quá mức, do đó khả năng giá hồi phục trong những tuần tới là rất cao.
Đến thời điểm hiện tại, các nhà phân tích của Fastmarkets cho rằng mức giá 100 USD/tấn là hợp lý, bởi giá này cao hơn đáng kể so với mức trung bình của thập kỷ trước.
Tuy nhiên, mức độ biến động giá các loại quặng sẽ không giống nhau, bởi thế giới giờ đây đã thay đổi nhiều hơn so với thời gian trước, với những quy định nghiêm ngặt hơn về môi trường, và giá hàng tiêu dùng nhìn chung đều đang tăng, thậm chí lạm phát cao kỷ lục ở nhiều thị trường quan trọng. Do đó, đừng quá ngạc nhiên nếu áp lực đường cong chi phí bắt đầu thể hiện ở mức giá quặng sắt tăng trong tương lai.
Trong thời gian tới, một yếu tố bất ngờ có khả năng hỗ trợ giá quặng sắt, đó là tình trạng thiếu điện hiện tại của Trung Quốc, điều này đang ảnh hưởng đến sản lượng thép từ các lò điện hồ quang và máy cán bán nguyệt. Mặc dù sản lượng từ các phân khúc này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng ngành thép của Trung Quốc, tuy nhiên, bất kỳ sự cắt giảm nào thêm nữa cũng có thể khiến nước này phải yêu cầu các nhà máy nâng cao sản lượng một chút.
Tham khảo: Fastmarkets, Minging, Refinitiv