MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau thịt heo, giá gà tăng cao

30-11-2019 - 14:56 PM | Thị trường

Nếu người tiêu dùng từ bỏ thói quen sử dụng thịt nóng, chuyển sang dùng thịt đông lạnh và thịt mát, sẽ không còn tình trạng thiếu hụt nguồn cung, giá cả tăng cao.

Trên thị trường hiện đầy rẫy thực phẩm bẩn. Thịt cá, rau củ cho dù tươi sống nhưng lại chứa kháng sinh, thuốc trừ sâu. Ngay cả thực phẩm hữu cơ nhan nhản trên thị trường nhưng có được bao nhiêu phần trăm là thật. Ngoài ra, việc bảo quản thực phẩm không đúng cách cũng gây hại cho sức khỏe người dùng. Đó là nhận định được đưa ra tại hội thảo "Xu hướng tiêu dùng và nhận diện thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm an toàn" do Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT) tổ chức ở TP HCM ngày 29-11.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch AFT, nhận định dịch tả heo châu Phi đã ảnh hưởng đến nguồn cung thịt heo trong nước, kéo theo giá cả mặt hàng này tăng cao. Nếu người tiêu dùng từ bỏ thói quen sử dụng thịt nóng, thịt tươi sống mà chuyển sang sử dụng thịt đông lạnh, thịt mát sẽ an toàn hơn, giá cả cũng sẽ giảm đáng kể. Khi đó, doanh nghiệp sẽ đưa thịt heo vào trữ dưới dạng đông lạnh khi nguồn cung thừa, giá cả xuống thấp. Từ đó, có nguồn cung đáp ứng được nhu cầu thị trường khi có biến động. Thịt được cấp đông đúng kỹ thuật sẽ an toàn hơn so với thịt tươi, thịt nóng bày bán trên thị trường không được bảo quản đúng cách, dễ bị nhiễm khuẩn.

Sau thịt heo, giá gà tăng cao - Ảnh 1.

Giá gà tăng cao trong những ngày gần đây

TS Trần Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi công nghệ - Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP HCM), cho rằng thịt đông lạnh cần được bảo quản đúng nhiệt độ, mỗi loại thực phẩm có nhiệt độ bảo quản khác nhau. Nếu độ lạnh không bảo đảm sẽ làm cho vi sinh vật phát triển. Ngay cả thực phẩm chưa qua xử lý nếu trữ trong tủ lạnh cũng làm lây nhiễm vi sinh vật. Thịt đông lạnh nên sử dụng một lần sau khi rã đông, tránh rã đông nhiều lần. Để tránh trường hợp này nên chia thực phẩm đã đông lạnh thành nhiều phần nhỏ, dùng dần.

Giá cả tăng cao chủ yếu do nguồn cung thiếu hụt. Nhiều tháng qua, dịch tả heo châu Phi làm cho đàn heo cả nước giảm mạnh, sau đó giá heo hơi tăng lên hơn 70.000 đồng/kg. Nay đến lượt giá gà tăng nóng, lại rơi vào thời điểm cuối năm. Đây là 2 mặt hàng thực phẩm chủ yếu của người tiêu dùng.

Thông tin từ các trại chăn nuôi heo ở Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết giá heo xuất chuồng đã chựng lại đà tăng trong thời gian qua, hiện dao động 70.000-72.000 đồng/kg. Nhờ vậy, giá thịt heo ở các chợ đầu mối ở TP HCM ổn định trong 2 tuần qua. Tại chợ đầu mối Hóc Môn, giá heo mảnh từ 82.000-88.000 đồng/kg, thịt đùi 90.000 đồng/kg, sườn non 130.000 đồng/kg...

Giá heo thời gian qua tăng nhanh nên sức mua mặt hàng này trên thị trường cũng đã giảm đáng kể. Lượng heo về 2 chợ đầu mối ở TP HCM giảm hơn 2.000 con/ngày nhưng vẫn không tiêu thụ hết. Trong khi đó, giá gà công nghiệp trong 10 ngày qua đã tăng rất mạnh, từ 24.000 đồng/kg lên 40.000-45.000 đồng/kg. Gà lông màu tăng từ 36.000-38.000 đồng/kg lên 55.000-60.000 đồng/kg. Do giá xuất chuồng tăng cao nên giá thịt gà bán lẻ trên thị trường cũng tăng cao.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho rằng giá heo chựng lại là do thời gian qua mặt hàng này tăng quá nóng nên người tiêu dùng đã chuyển sang sử dụng các loại thịt khác. Giá gà tăng mạnh lần này, theo ông Đoán, một phần do nguồn cung không còn nhiều.

CPI tháng 11 tăng cao nhất trong 9 năm do giá thịt heo tăng

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29-11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11-2019 tăng 0,96% so với tháng trước. Đây là mức tăng cao nhất của CPI tháng 11 trong 9 năm gần đây. Chỉ số này cũng tăng 3,52% so với cùng kỳ năm trước. Về nguyên nhân CPI tăng cao, Tổng cục Thống kê lý giải do nguồn cung thịt heo giảm làm giá thịt heo và các thực phẩm chế biến từ thịt tăng cao.

Thịt heo trên thị trường tăng giá thời gian qua khiến người tiêu dùng chuyển sang tiêu dùng các mặt hàng thay thế như thịt bò, thịt gia cầm, thủy hải sản, làm cho giá các mặt hàng này tăng theo. Cụ thể, giá thịt bò tăng 1,29%, thịt gà tăng 1,57%, cá và tôm tươi ướp lạnh tăng 0,89%-1,36%, thủy sản chế biến tăng 0,49%. Cơ quan thống kê cho biết chăn nuôi heo trong tháng tiếp tục giảm mạnh 22% so với cùng thời điểm năm trước. Dù dịch tả heo châu Phi đã được kiểm soát nhưng việc tái đàn tại các địa phương vẫn diễn ra chậm do tâm lý e ngại của người chăn nuôi.

Tổng cục Thống kê đánh giá lạm phát cơ bản tháng 11-2019 tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 2,18% so với cùng kỳ năm trước, điều này đã đưa lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng năm 2019 tăng 1,94% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.

Theo M.Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên