Sau Trung Quốc, đến lượt Nga ngừng nhập hải sản Nhật Bản
Sau Trung Quốc, Nga áp đặt biện pháp hạn chế đối với sản phẩm hải sản nhập khẩu từ Nhật Bản khi Tokyo xả nước từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.
- 28-08-2023Xả thải hạt nhân Fukushima: Lệnh cấm hải sản Nhật Bản của Trung Quốc có thể gây tác dụng ngược
- 26-08-2023Nga muốn tăng xuất khẩu cá sang Trung Quốc sau lệnh cấm hải sản Nhật Bản
- 26-08-2023Hàn Quốc: Kinh doanh hải sản còn ảm đạm hơn thời Covid-19 vì Nhật Bản xả nước thải hạt nhân
Cơ quan Giám sát Nông nghiệp Nga (Rosselkhoznadzor) hôm 16/10 cho biết, những hạn chế được áp đặt như “biện pháp phòng ngừa” và sẽ được duy trì cho đến khi có thông tin toàn diện, cho thấy hải sản nhập khẩu từ Nhật Bản an toàn.
Theo Rosselkhoznadzor, từ tháng 1 - 9/2023, Nga nhập tổng cộng 118 tấn hải sản từ Nhật Bản.
Hôm 4/10, Moskva chỉ trích Nhật Bản không thực hiện yêu cầu từ Nga và Trung Quốc về việc cung cấp đầy đủ thông tin liên quan tới nước nhiễm phóng xạ ở Fukushima.
"Nga và Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu Nhật Bản có các hành động minh bạch và cung cấp cho các quốc gia khác thông tin đầy đủ về việc xả nước từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Tuy nhiên, đến nay Nhật Bản chưa làm điều này", bà Maria Zarakhova - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Trước đó, vào năm 2011, Nhật Bản hứng chịu thảm hoạ kép động đất và sóng thần gây ra vụ rò rỉ phóng xạ nghiêm trọng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Sau hơn 10 năm khử phóng xạ, từ tháng 8/2023, Nhật Bản đã bắt đầu kế hoạch xả nước thải đã qua xử lý từ khu vực nhiễm xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương.
Nhật Bản khẳng định vụ xả thải này đủ an toàn, đồng thời lưu ý rằng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã kết luận tác động của nước thải với con người và môi trường là "không đáng kể".
Trung Quốc lên án gay gắt động thái trên và ngay lập tức cấm nhập khẩu hải sản đánh bắt từ vùng biển Nhật Bản. Một cơ quan quản lý Nga hồi tháng 9 cho biết, Moskva cũng đang cân nhắc thực hiện hành động giống Trung Quốc, bao gồm cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản.
VTCnews