MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SCIC đã nhận 29.900 tỷ đồng tiền cổ tức trong 13 năm, kiến nghị cho phép bán vốn dưới mệnh giá

SCIC kiến nghị trong trường hợp đấu giá theo lô có nhiều nhà đầu tư trả giá cao nhất bằng nhau thì sẽ chào giá cạnh tranh giữa các nhà đầu tư, nếu vẫn tiếp tục trả giá cao nhất bằng nhau sẽ cho bốc thăm để lựa chọn nhà đầu tư thay vì chia đều số cổ phần như quy định hiện nay.

Tại diễn đàn Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước do Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp phối hợp với Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) và Ngân hàng BIDV tổ chức mới đây, số liệu của Bộ Tài chính cho thấy đến nay cả nước mới hoàn thành cổ phần hóa 35/127 DN, đạt 27,5% danh mục DN cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hoàn thành bán vốn nhà nước tại 88/403 DN, đạt 21,8% kế hoạch. Như vậy, công tác cổ phần hóa và bán vốn Nhà nước có thể sẽ không hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 nếu không có những thay đổi đáng kể từ việc sửa các văn bản pháp luật hiện hành.

SCIC đã nhận 29.900 tỷ đồng tiền cổ tức trong 13 năm, kiến nghị cho phép bán vốn dưới mệnh giá - Ảnh 1.

Theo ông Trần Nguyên Nam, Phó ban phụ trách Ban Kế hoạch tổng hợp Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), thông qua vai trò cổ đông SCIC đã chủ động xây dựng, thực hiện phương án tái cơ cấu doanh nghiệp, tạo giá trị gia tăng cho vốn Nhà nước và xử lý tồn tại của doanh nghiệp thuộc danh mục quản lý.

Lũy kế từ khi thành lập (năm 2006) đến nay, SCIC tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 1.059 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước gần 21.500 tỷ đồng (trong đó có 19 Tập đoàn, Tổng công ty đã cổ phần hóa). Cổ tức bằng tiền giai đoạn 2011-2019 của các doanh nghiệp trong danh mục quản lý của SCIC tại thời điểm 30/6/2019 lũy kế là 29.900 tỷ đồng.

Đến 30/6/2019, danh mục doanh nghiệp của SCIC gồm 145 doanh nghiệp với giá trị vốn nhà nước gần 28.950 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 99.500 tỷ đồng.

SCIC đã nhận 29.900 tỷ đồng tiền cổ tức trong 13 năm, kiến nghị cho phép bán vốn dưới mệnh giá - Ảnh 2.

Công tác bán vốn còn nhiều bất cập

Trong những năm qua, SCIC tập trung mạnh mẽ vào hoạt động bán vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ. SCIC đã thực hiện thoái vốn thành công tại gần 1.000 DN (trong đó thoái hết vốn tại 896 DN), thu được gần 47.200 tỷ đồng, gấp 4,2 lần so với giá vốn. Trong số đó, có một số doanh nghiệp lớn đã thoái như: CTCP Sữa Việt Nam (bán 5,4% năm 2016 và 3,3% năm 2017, thu về 20.276 tỷ đồng), CTCP Nhựa Bình Minh (bán năm 2018, thu về 2.330 tỷ đồng…), Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng - Vinaconex (bán năm 2018 thu về 7.366 tỷ đồng)…

Về số lượng DN bán vốn, SCIC đạt khoảng 38% so với danh mục bán vốn được giao tại Quyết định 1001 (47/138 DN), trong đó có một số DN quy mô lớn: Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Vinaconex,...

SCIC đã nhận 29.900 tỷ đồng tiền cổ tức trong 13 năm, kiến nghị cho phép bán vốn dưới mệnh giá - Ảnh 3.

Theo ông Trần Nguyên Nam, đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước không có nhiều quyền chủ động trong triển khai hoạt động kinh doanh tại các doanh nghiệp, việc thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước gặp nhiều khó khăn do đa số DN khi tiếp nhận còn tỷ lệ vốn nhà nước không đủ chi phối hay phủ quyết. DN có tỷ lệ vốn nhà nước cao (có trường hợp đến hơn 90%) thì hoạt động không hiệu quả, nhiều tồn tại về tài chính từ giai đoạn trước.

Quá trình triển khai các hoạt động đầu tư kinh doanh kéo dài do quy định về trình tự, thủ tục đầu tư phức tạp, có nhiều vướng mắc dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp, bỏ lỡ cơ hội khi thị trường có diễn biến thuận lợi.

SCIC đã nhận 29.900 tỷ đồng tiền cổ tức trong 13 năm, kiến nghị cho phép bán vốn dưới mệnh giá - Ảnh 4.

Về việc bán vốn, đại diện SCIC cho rằng các doanh nghiệp bán vốn không có nhiều lựa chọn với tư cách một nhà đầu tư khi không thể chủ động và độc lập quyết định về thời điểm và danh mục DN thoái vốn. Do đó, trong không ít trường hợp phải thoái vốn tại những DN có hiệu quả cao để sau đó sử dụng số tiền thu về để tìm kiếm cơ hội đầu tư tại những DN/dự án có hiệu quả thấp hơn chỉ với lý do DN đó không thuộc đối tượng nhà nước phải nắm giữ lâu dài.

Thứ hai, với cách thức tổ chức đấu giá cổ phần như hiện nay, đang tồn tại một khoảng cách khá xa giữa quy định về bán vốn tại Việt Nam và thông lệ quốc tế như nhà đầu tư nước ngoài không có đủ thời gian cần thiết để tiến hành thủ tục soát xét đặc biệt (due dilligence) trước khi ra quyết định đầu tư; chi phí bán vốn thấp nên khó có cơ hội để các tổ chức tư vấn đầu tư quốc tế có thể tham gia hỗ trợ; việc tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN theo Nghị định 32 để bán vốn dẫn đến nhiều bất cập..

Đề nghị được hạ giá khởi điểm thấp hơn mệnh giá

SCIC đưa ra các giải pháp quản lý vốn nhà nước và thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và bán vốn doanh nghiệp.

Một trong các điểm then chốt là cơ quan có thẩm quyền sớm phê duyệt phương án sắp xếp nhà đất và phương án sử dụng đất DN mà SCIC cổ phần hóa theo Quyết định số1001/QĐ-TTg ngày 10/7/2017; Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ LĐTBXH và các cơ quan chức năng có liên quan sớm ban hành các thông tư hướng dẫn Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về phê duyệt phương án sử dụng đất, xử lý về các vấn đề phát sinh liên quan đến việc xây dựng phương án cổ phần hóa, chính sách đối với người lao động dôi dư…

Thứ hai, kiến nghị cơ quan chức năng bổ sung, sửa đổi một số quy định tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP và Thông tư 59/2018/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 32 theo hướng như sau:

Giảm giá khởi điểm bán vốn: đề nghị cơ quan chức năng xem xét bổ sung quy định về cơ chế giảm giá khởi điểm trong trường hợp đã thực hiện các phương thức bán theo trình tự đấu giá/chào bán cạnh tranh/ thỏa thuận nhưng không thành công; bổ sung quy định về việc được hạ giá khởi điểm thấp hơn mệnh giá trong trường hợp DN sản xuất kinh doanh thua lỗ và đã thực hiện đấu giá công khai nhưng không có người mua cao hơn hoặc bằng mệnh giá.

Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điểm 2, Khoản 13, Điều 1 Nghị định 32: về trình tự bán vốn và thời gian công bố thông tin chào bán cạnh tranh, theo đó, đề nghị xem xét bỏ bước chào bán cạnh tranh trong quy trình bán cổ phần. Trong trường hợp vẫn giữ bước này, đề nghị rút ngắn thời gian công bố thông tin chào bán cạnh tranh từ 20 ngày xuống còn 7 ngày.

Bổ sung hướng dẫn cách xác định giá trị quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm đối với trường hợp đất không có giấy tờ, hoặc hợp đồng thuê đất của DN đã hết hạn nhưng chưa được ký lại hợp đồng/phụ lục hợp đồng về việc điều chỉnh thời hạn/gia hạn thời gian thuê đất, trong khi DN vẫn đang thực hiện nộp tiền thuê đất.

Bổ sung quy định cho phép công ty TNHH 100% vốn nhà nước được chuyển nhượng cổ phần cho công ty TNHH 100% vốn nhà nước khác theo đề án tái cơ cấu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Bổ sung hướng dẫn trong trường hợp đấu giá theo lô có nhiều nhà đầu tư trả giá cao nhất bằng nhau thì sẽ chào giá cạnh tranh giữa các nhà đầu tư, nếu vẫn tiếp tục trả giá cao nhất bằng nhau sẽ cho bốc thăm để lựa chọn nhà đầu tư nhằm đảm bảo quyền lợi mua trọn lô cổ phần của nhà đầu tư thay vì chia đều số cổ phần bán cho các nhà đầu tư như quy định hiện nay.

Bổ sung trường hợp được bán cả lô cổ phần nhằm bán hết cổ phần nhà nước tại DN, tránh tình trạng nhà đầu tư chỉ mua một phần dẫn đến số cổ phần còn lại khó bán hoặc không bán được ở giá hợp lý.

Tâm An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên