Sẽ có sổ tay đánh giá môi trường rủi ro cho người làm tín dụng
Nhằm từng bước đưa công tác quản lý rủi ro Môi trường và Xã hội (MT&XH) vào hoạt động xem xét, phê duyệt cấp tín dụng của các TCTD, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phối hợp với Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) xây dựng sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cho 10 ngành kinh tế trong hoạt động cấp tín dụng.
- 20-02-2017NHNN được quyết định áp dụng biện pháp xử lý đặc biệt với TCTD vi phạm nghiêm trọng
- 09-02-2017NHNN đang hoàn thiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020
Dự thảo cuốn sổ tay đánh giá môi trường và xã hội có thể được coi như Bộ công cụ đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong mười ngành cụ thể: Nông nghiệp, hóa chất, xây dựng và cơ sở hạ tầng, Năng lượng, Chế biến thực phẩm, Dệt may, Dầu khí, Xử lý chất thải, Khai thác Mỏ và các sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại. Cuốn hướng dẫn này nhằm phục vụ quá trình quản lý rủi ro MT&XH của các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam, giúp cán bộ tín dụng và cán bộ chuyên ngành thực hiện thẩm định dự án/phương án sản xuất kinh doanh liên quan một cách hiệu quả đảm bảo mục tiêu phát triển xanh và bền vững.
Tính đến hết Quý IV/2016, dư nợ tín dụng xanh đạt khoảng 84.781 tỷ đồng (tăng 19,7% so với thời điểm cuối năm 2015; tăng 4,4% so với 30/9/2016), chiếm 1,5% so với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, với khoảng 3,2 triệu hợp đồng tín dụng; dư nợ tín dụng đã đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt khoảng 187.953 tỷ đồng với 129.083 hợp đồng tín dụng đã được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội.
Sổ tay hướng dẫn này là tài liệu tham khảo, mang tính chất khuyến khích áp dụng, nội dung được chia làm 3 phần:
Phần A: Thông tin về Doanh nghiệp và Dự án đề nghị cấp tín dụng:
Các nội dung nêu tại phần này sẽ đưa ra các tiêu thức mà TCTD cần khách hàng cung cấp để xác định mức độ rủi ro và tác động đến MT&XH của dự án xin cấp tin dụng. Các thông tin chủ yếu gồm: Sự tuân thủ của doanh nghiệp xin cấp tín dụng đối với các quy định về môi trường, lao động và xã hội; Dự án xin cấp tín dụng đã được cấp các giấy phép cần thiết về môi trường, lao động và xã hội hay chưa; Năng lực của doanh nghiệp trong quản lý rủi ro MT&XH đối với dự án xin cấp tín dụng.
Phần B: Tác động MT&XH của Dự án đề nghị cấp tín dụng:
Phần này đưa ra các tiêu thức cụ thể mà TCTD cần yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin để xem xét các rủi ro và tác động tiềm ẩn và/hoặc hiện có của dự án đối với môi trường (không khí, nước, đất, chất thải nguy hại, tiêu thụ nguyên vật liệu, năng lượng và nước), đối với lực lượng lao động (chế độ và điều kiện lao động, sức khỏe và an toàn lao động), đối với sức khỏe và an toàn của người dân xung quanh khu vực dự án, đối với đời sống của người dân bản địa, các tác động lên khu vực đa dạng sinh học, di sản văn hóa …
Rà soát hồ sơ, trực tiếp thăm và quan sát tại khu vực đặt dự án, lấy ý kiến các chuyên gia và các đối tượng bị ảnh hưởng của dự án (như cộng đồng dân cư xung quanh khu vực dự án) là ba cách thức quan trọng nhất để các cán bộ tín dụng hoàn thành đánh giá tác động MT&XH của dự án.
Đối với các dự án mới chưa đi vào hoạt động, rà soát hồ sơ và các kế hoạch của doanh nghiệp, chủ dự án sẽ là cách thức chính để các cán bộ tín dụng hoàn thành phần B này.
Phần C: Đề xuất, đưa ra những khuyến nghị:
Mức độ rủi ro MT&XH của dự án xin cấp tín dụng và các biện pháp quản lý và giảm thiểu đã, đang và sẽ được doanh nghiệp xin cấp tín dụng áp dụng. Các biện pháp quản lý và giảm thiểu cần thiết chưa được doanh nghiệp xin cấp tín dụng áp dụng. Đây là những đề xuất làm cơ sở cho quyết định cấp tín dụng, mức giá và các điều kiện giải ngân trong hợp đồng tín dụng, cũng như mức độ quản lý và giám sát khoản tín dụng sau giải ngân của các tổ chức tín dụng.
Cuốn sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội dự kiến sẽ ban hành trong năm 2017.