MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ trình đề án lập quận Bình Chánh

27-03-2017 - 17:08 PM | Xã hội

Lãnh đạo huyện Bình Chánh cho biết quy trình thủ tục để chuyển đổi từ mô hình chính quyền nông thôn (huyện) sang chính quyền đô thị (quận) mất từ 5 – 6 năm.

Chiều 27-3, Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND TP HCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Không có tình trạng lộng quyền

Báo cáo đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết TP có 20 cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP, 24 quận – huyện (19 quận, 5 huyện), 322 phường, xã, thị trấn; trong đó có 12 cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận – huyện.

Về biên chế, hiện nay biên chế công chức hành chính tại TP được Bộ Nội vụ giao là chưa phù hợp với cơ cấu tổ chức và tình hình thực tế. TP sử dụng biên chế vượt trên 3.000 biên chế được giao, nếu không có số biên chế vượt này thì với sức ép từ mức độ tăng dân số ngày càng cao (chủ yếu là tăng cơ học), TP không đủ nhân sự để hoàn thành các nhiệm vụ theo quy định.

Theo ông Tuyến, tại TP không có tình trạng lạm quyền và lộng quyền trong việc thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các cấp.

Nhìn chung, việc sắp xếp tổ chức bộ máy phù hợp hơn, giảm cơ quan hành chính đặc thù do TP thành lập ở giai đoạn trước đó, tăng cơ quan chuyên môn đặc thù cho phù hợp với tình hình thực tế của một đô thị đặc biệt như TP. Sau khi sắp xếp, số lượng các phòng chuyên môn và số lượng cấp phó có giảm so với giai đoạn trước trước 2011 mặc dù vẫn còn một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP vượt so với quy định do việc sáp nhập trước đó và yêu cầu thực tế đặt ra.

Bên cạnh các mặt được, việc sắp xếp tổ chức bộ máy còn có những hạn chế. Việc thành lập theo quy định Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP làm tăng cơ cấu tổ chức bộ máy. Số lượng phó giám đốc tại một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP có vượt so với quy định xuất phát từ việc sáp nhập các cơ quan chuyên môn trước đó và tình hình thực tế áp lực công việc trên quy định TP có không quá 3 phó giám đốc gây khó khăn cho quá trình quản lý, điều hành thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Khi thực hiện Nghị định số 24/2014/NĐ-CP, TP đã chỉ đạo chỉ bổ nhiệm mới cấp phó khi chưa vượt số lượng theo quy định.

TP HCM sắp có quận mới

Trước đó, sáng 27-3, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với UBND các quận Tân Bình, Tân Phú và huyện Bình Chánh về thực hiện các chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 -2016.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nghe các quận báo cáo thực hiện các chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 -2016 vào sáng 27-3.

Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Hồng cho biết cuối năm 2016, UBND huyện Bình Chánh đã phối hợp với Sở Nội vụ khảo sát. Kết quả khảo sát cho thấy huyện Bình Chánh hội đủ các điều kiện để lên quận. “Trên cơ sở đó, chúng tôi đã có văn bản xin chủ trương thành lập quận và đã được UBND TP chấp thuận. Sắp tới, UBND huyện sẽ phối hợp với các sở ban ngành thành lập đề án cụ thể trình Thành ủy và UBND TP HCM xem xét” – ông Hồng cho hay.

Theo ông Hồng, quy trình thủ tục để chuyển đổi từ mô hình chính quyền nông thôn (huyện) sang chính quyền đô thị (quận) mất từ 5 – 6 năm. Vì vậy, địa phương đã kiến nghị trung ương và TP cho phép áp dụng cơ chế quản lý nhà nước cấp phường đối với 4 xã có dân số trên 100.000 người, tốc độ đô thị hóa cao gồm: Bình Hưng, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên và điều chỉnh địa giới hành chính một số xã.

Ông Hồng nói huyện phải xây thêm 5-7 trường học để đáp ứng ứng nhu cầu. Mỗi năm, dân số địa phương tăng thêm từ 5.000-7.000 người, bằng số dân một xã.

Theo Phan Anh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên