SEA Games 30: Góc khuất của những tấm huy chương và giọt nước mắt xót xa của các nữ vận động viên mang vinh quang về cho thể thao nước nhà
Có thể nói cho đến thời điểm hiện tại, Đoàn thể Việt Nam đã có những thành tích cực kỳ ấn tượng tại SEA Games 30. Để có được những tấm huy chương cùng những thành tích ấn tượng đó không thể không nói đến những nỗ lực không biết mệt mỏi của các VĐV nữ. Và đằng sau những thành tích đó là những nỗ lực không ngừng nghỉ vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc, nhưng cũng không ít "góc khuất" không mấy ai biết về những áp lực mà họ phải chịu đựng để có thể mang vinh quang về cho thể thao nước nhà.
Đại hội thể dục thể thao Đông Nam Á lần thứ 30 đã đi đến những chặng đường cuối cùng, các môn thi đấu chủ chốt như bóng đá, điền kinh, bơi lội... gần như đã thi đấu xong. Tại SEA Games năm nay, Đoàn thể thao Việt Nam đã thi đấu hết mình và mang về những tấm huy chương quý báu cho thể thao nước nhà. Trong đó không thể không nhắc đến "những cô gái vàng" đã quyết tâm nỗ lực, thậm chí không ngại đổ máu để mang vinh quang về cho nước nhà.
Giọt nước mắt hạnh phúc vì những nỗ lực được đền đáp xứng đáng
Còn nhớ, hình ảnh ấn tượng nhất trong những ngày vừa qua chính là hình ảnh nữ cầu thủ ĐT bóng đá nữ Chương Thị Kiều mặc kệ những đau đớn vì chấn thương, vẫn tiếp tục vào sân thi đấu cùng các đồng đội để mang về tấm HCV thứ 6 cho bóng đá Việt Nam. Ngay trong lúc chấn thương như thế, cô gái ấy vẫn không quên nhiệm vụ của mình: "Chị ơi băng nhanh nhanh để em còn vào sân". Cô gái sinh năm 95 ấy đã thi đấu tròn 120 phút để cùng đồng đội mang về vinh quang cho thể thao nước nhà.
Sau trận đấu những cô gái ấy đã không kìm nổi những giọt nước mắt hạnh phúc khi bước lên bục nhận chiếc huy chương danh giá. Nữ cầu thủ ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu đã rơi lệ sau khi ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu, giúp ĐT nữ bảo vệ thành công chiếc HCV SEA Games.
Nhưng cô gái ấy suýt nữa đã không có được cô hội theo đuổi niềm đam mê đá bóng chỉ vì hoàn cảnh gia đình. Bố của Phạm Hải Yến từng chia sẻ, "Nếu rỗi quá, mày đi cắt cỏ giúp bố nuôi cá con ạ", "Bóng bánh chỉ tốn thời gian". Nhưng cô gái ấy đã không từ bỏ, chấp nhận làm việc chăm chỉ hơn để phụ giúp bố mẹ, chỉ để nhận được cái gật đầu đồng ý từ người thân để theo nghiệp "bóng bánh". Nếu không có sự đam mê ấy, quyết tâm ấy, sẽ không có Phạm Hải Yến hôm nay.
Tất cả những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của các tuyển thủ bắt nguồn từ chính đam mê với trái bóng. Dù khó khăn bao nhiêu, chỉ cần được thi đấu với niềm đam mê và cống hiến cho thể thao nước nhà là họ vui rồi.
Cũng tại SEA Games 30, hình ảnh cô gái với dáng người nhỏ nhắn, mảnh khảnh Phạm Thị Hồng Lệ gục xuống vì kiệt sức và chuột rút toàn thân khi chạm vào vạch đích và không thể tự thở, hay khoảnh khắc cô gái nhỏ bé ấy không thể tự bước đi để lên bục nhận huy chương khiến không ít người xót xa. Dù chỉ là chiếc huy chương đồng nhưng đó là cả một niềm hạnh phúc lớn lao của cô gái đến từ miền Trung, vì được cống hiến cho thể thao nước nhà. Trên bục nhận huy chương, cô gái Bình Định khóc nức nở.
Nữ VĐV Marathon đã không kìm được hạnh phúc khi mang huy chương về cho đoàn thể thao Việt Nam.
Còn rất nhiều những cô gái vàng đã mang về cho thể thao nước nhà những tấm huy chương quý giá. Vượt lên tất cả, vì niềm đam mê với nghiệp VĐV, họ luôn nỗ lực hết mình, không biết mệt mỏi để thỏa mãn ước mơ.
Và giọt nước mắt của những áp lực, kỳ vọng
Tại SEA Games năm nay, bơi lội là một trong những môn thi đấu đăng ký nhiều huy chương nhất của đoàn thể thao Việt Nam. Con số 8 HCV là con số mà đoàn bơi lội đề ra tại SEA Games năm nay. Nhưng vào ngày thi đấu cuối cùng hôm 9/12 vừa qua, "tiểu tiên cá" Ánh Viên đã thất bại trước kình ngư 16 tuổi người Singapore ở nội dung 800m tự do mà Ánh Viên đang là nhà ĐKVĐ đồng thời giữ kỷ lục SEA Games.
Trước đó, vào ngày 8/12, Ánh Viên đã xuất sắc giành HCV nội dung 400m hỗn hợp. Nhưng khi bước lên bục nhận huy chương, cô gái ấy đã không thể nở nụ cười với tư cách người chiến thắng. Thậm chí, BTC đã phải "nhắc nhở" cô để có khuôn hình đẹp khi lên sóng. Nhưng đó cũng chỉ là nụ cười hết sức gượng gạo.
Việc hụt HCV ở ngày thi đấu thứ hai, cũng là nội dung sở trường, đã khiến cô gái sinh năm 96 bị đè nặng áp lực tâm lý khiến cô không thể cười nổi.
Và dường như, cô gái ấy đã không thể kìm nén cảm xúc khi bật khóc ngay trước ống kính phóng viên. Cô khóc vì chính cái gọi là "phong độ đỉnh cao" mà trước tới nay phải duy trì để vượt qua các kỷ lục của chính mình. Nhưng giờ đây, chính điều đó khiến cô ám ảnh, dù đạt được chiếc HCV nhưng cô chẳng thể nở nụ cười của người chiến thắng.
Ánh Viên đã bật khóc dù đạt HCV nhưng việc chỉ giành được HCB ở nội dung trước đó khiến "nàng tiểu tiên cá" bị áp lực tâm lý.
Những giọt nước mắt đó thể hiện sức ép mà Ánh Viên phải chịu lúc này. Dù là VĐV giành nhiều HCV nhất tại SEA Games năm nay, nhưng thành tích hiện tại của Ánh Viên lại đi xuống so với hai năm trước. Chính cô gái ấy cũng nhận thức được rằng, bản thân mình đang xuống dốc, cùng với đó là áp lực từ việc phải chịu sự cạnh tranh từ những VĐV trẻ hơn của các quốc gia khác.
"Tôi muốn đạt thành tích thật tốt ở nội dung sở trường, nhưng không được như ý. Thế nên, tôi không vui", Ánh Viên trả lời báo chí sau lễ trao huy chương ở nội dung 400m hỗn hợp mà chính cô đạt HCV. Giọt nước mắt của "kình ngư" cho thấy những áp lực mà các VĐV phải chịu. Đặc biệt, những người được kỳ vọng mang về nhiều huy chương như Ánh Viên.
Và cô gái ấy lại bật khóc lần nữa khi nói về mục tiêu cho ngày thi đấu cuối cùng (9/12): "Tôi muốn nhìn lại bản thân, cố gắng tập luyện".
Ngoài ra, việc chưa đạt chuẩn A để dự Olympic 2020 cũng được xem là một trong những lý do khiến Ánh Viên căng thẳng. Nếu không thể đạt chuẩn A để giành vé trực tiếp đến Tokyo vào năm sau, Ánh Viên sẽ phải trông chờ vào việc được trao suất chuẩn B - điều mà cô và thầy Đặng Anh Tuấn không mong muốn.
Cũng tại SEA Games năm nay, VĐV Vương Thị Huyền bộ môn cử tạ đã xuất sắc giành tấm HCV SEA Games hạng 45 kg nữ chiều 1/12. Nhưng mấy ai biết rằng, cô gái ấy đã giành được huy chương ở mọi cấp độ từ đấu trường châu Á cho đến thế giới, nhưng chưa một lần chạm tay đến đỉnh cao SEA Games, chính vì vậy, tấm HCV có ý nghĩa đặc biệt với Vương Thị Huyền. Khi bước lên bục nhận giải, cô gái ấy đã bật khóc, bởi vì cuối cùng, cô ấy cũng đã giải tỏa được những áp lực trong thời gian qua.
Vương Thị Huyền đã bật khóc khi giành được HCV sau nhiều năm lỡ hẹn, dù cô đã giành được những thành tích ấn tượng hơn ở đấu trường thế giới.
Có thể nói, ngoài những giọt nước mắt hạnh phúc vì chiến thắng, các VĐV cũng phải chịu không ít áp lực. Áp lực từ chính những "kỳ tích" mà chính mình tại ra. Đây cũng chính là điều mà chính các cô gái ĐT bóng đá nữ hôm qua họ gặp phải. Nhưng rồi những cô gái ấy đã chuyển hóa những áp lực ấy thành động lực để đền đáp lại những kỳ vọng của người hâm mộ.
Và rồi chiều nay 10/12, các chàng trai U22 Việt Nam có lẽ cũng sẽ gặp phải những điều tương tự đó. Áp lực từ người hâm mộ, áp lực thành tích của đội tuyển nữ đã đạt được và áp lực từ quá khứ khi chưa 1 lần giành được tấm huy chương vàng và còn vô vàn những áp lực vô hình khác. Nhưng bỏ qua những điều đó, hy vọng các cầu thủ của chúng ta chiến đấu hết sức mình vì màu cờ sắc áo của Tổ Quốc.
Helino