MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sếp VinFast lần đầu tiết lộ về mẫu xe mới: Không phải bản sao của BMW, tốt nhất nhưng không đắt nhất

11-09-2018 - 16:45 PM | Thị trường

Tháng 9/2017, chỉ qua một đêm, cái tên VinFast đã trở nên nổi tiếng với những người Việt đặt kỳ vọng vào sự phát triển của ngành ô tô trong nước sau hàng chục năm lặn ngụp với các dự án dang dở. Và VinFast vào tuổi lên 1 đã không gây thất vọng.

Từ 40.000 USD đến 10 tỷ USD

Trong chiến tranh Việt Nam, Cảng Hải Phòng từng là nơi phải hứng chịu bom đạn nhiều bậc nhất từ Pháp, Mỹ, bởi ý nghĩa đặc biệt về vị trí chiến lược: điểm đầu con đường vận chuyển đường biển quan trọng bậc nhất miền Bắc Việt Nam.

Nhưng vài thập kỷ sau hòa bình, Hải Phòng lại là vùng đất tạo nên lịch sử, khi là điểm đặt trụ sở của một dự án có thể làm thay đổi một trong những ngành kinh tế quan trọng. Đó là nhà máy ô tô diện tích 887 ha mang tên VinFast, xây dựng trên vùng đầm phá sát biển.

Khi mới lập nghiệp, ông chủ của dự án này - tỷ phú Phạm Nhật Vượng - phải vay 40.000 USD để có vốn khởi nghiệp. Giờ đây, ông nắm trong tay một đế chế trị giá 10 tỷ USD. Tập đoàn Vingroup - công ty mẹ của VinFast - hiện điều hành một mạng lưới các doanh nghiệp kinh doanh trải dài trên nhiều lĩnh vực, từ trung tâm mua sắm, chung cư, spa, nghỉ dưỡng, bệnh viện và trường học các cấp.

Dẫu vậy, VinFast vẫn đóng vai trò đặc biệt quan trọng, bởi đây là dự án đầu tiên trong ngành sản xuất của Vingroup. Tháng 10 tới đây, VinFast sẽ lần đầu tiên xuất hiện trước con mắt các chuyên gia thế giới, để tiến tới kế hoạch sản xuất đại trà, nhằm mục tiêu mỗi người Việt Nam đều có cơ hội sở hữu một chiếc ô tô cho riêng mình.

Sếp VinFast lần đầu tiết lộ về mẫu xe mới: Không phải bản sao của BMW, tốt nhất nhưng không đắt nhất - Ảnh 1.

Theo kế hoạch ban đầu, xe VinFast chỉ dùng để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước. Với GDP tăng trưởng trung bình 6-7% năm, Việt Nam được xem là thị trường tiềm năng với các hãng xe ô tô. Tuy nhiên, thiết kế thực của VinFast lớn gấp đôi so với khả năng hấp thụ của thị trường nội địa, nên VinFast sớm tìm cách xuất khẩu sản phẩm của mình, trước nhất là tới các quốc gia ở Đông Nam Á.

Jim DeLuca, CEO của công ty này, chỉ mỉm cười khi bị đặt câu hỏi liệu tham vọng của VinFast có tiếp tục bành trướng? Thực tế, DeLuca là người hiểu rất rõ thị trường châu Á, bởi ông đã dành 10 năm làm việc cho GM ở Hàn Quốc, Trung Quốc, trước khi nghỉ hưu vào năm 2016. Cơ duyên đưa ông tới với VinFast là từ một cuộc gọi bất ngờ của lãnh đạo Vingroup vào năm 2017, và khiến ông phải đưa mình ra khỏi "những ngày tháng nghỉ hưu thoải mái".

Thành danh ở châu Á

Có dịp đặt chân tới công trường VinFast tại huyện đảo Hải Phòng mới thấy tốc độ xây dựng khủng khiếp mà Vingroup đang thực hiện. Dù đang trong mùa mưa, nhưng công nhân của vẫn chạy đua để hoàn thành kế hoạch đưa 2 mẫu xe sedan và SUV ra mắt vào quý II/2019 - tức chỉ 2 năm sau khi dự án được khởi công.

Ngay cả trên thế giới, tốc độ như vậy cũng là một dấu mốc đáng kinh ngạc, bởi các hãng thường mất 4-6 năm để biến một mẫu thiết kế trở thành sản phẩm trên dây chuyền sản xuất. "Những việc chúng tôi làm trong 24 tháng bằng các hãng xe khác làm trong vòng 60 tháng".

Sếp VinFast lần đầu tiết lộ về mẫu xe mới: Không phải bản sao của BMW, tốt nhất nhưng không đắt nhất - Ảnh 2.

Để đạt được mục tiêu đó, VinFast bắt tay với một danh sách dài những đối tác tên tuổi hàng đầu thế giới như ABB, Bosch, Magna Steyr và Siemens. Hãng cũng thuyết phục được BMW bán bản quyền cho 2 mẫu xe đầu tiên. Dẫu vậy, trong tuyên bố gần đây, Dave Lyon – cựu lãnh đạo GM và hiện giờ là chủ tịch mảng thiết kế của VinFast - khẳng định các mẫu xe của công ty sẽ "không là bản sao" của mẫu sedan 5-Series BMW và SUV X5.

Công ty non trẻ đến từ Việt Nam đã thuyết phục các nhà thiết kế hàng đầu châu Âu là Italdesign và Pininfarina nhằm tạo ra phong cách độc đáo cho những đứa con đầu tiên của mình. Thậm chí, với một động thái bất thường, VinFast sẵn sàng công bố tất cả các mẫu thiết kế nhằm trưng cầu ý kiến người tiêu dùng trong nước.

Thông qua việc tập hợp một đội ngũ phát triển trong mơ, VinFast đã gần như giảm được một nửa thời gian để phát triển cũng như chi phí sản xuất so với cách làm truyền thống của ngành xe hơi.

"Là thứ tốt nhất không có nghĩa cứ phải đắt nhất", Shaun Calvert, Phó chủ tịch sản xuất tại VinFast, thừa nhận.

Đứng đầu công ty ô tô này là một nữ tướng lâu năm của Vingroup - bà Lê Thị Thu Thủy. Hầu như không thay đổi gì so với thời Vingroup mới bắt đầu về Việt Nam và đánh thẳng vào phân khúc bất động sản cao cấp, bà Thủy nhận định thu nhập của người Việt Nam hiện tại đủ sức để chi trả cho các nhu cầu có phần xa xỉ hơn thời ông cha họ.

Thực vậy, thu nhập trung bình của người Việt ở các đô thị cao hơn đáng kể so với mức 2.000 USD của toàn nền kinh tế. Bà cũng tự tin về mục tiêu có 250.000 xe được xuất xưởng từ nhà máy VinFast mỗi năm, tương đương công suất 38 xe một giờ. Theo kế hoạch, hãng sẽ tăng công suất lên 60 xe một giờ để ngang bằng với tiêu chuẩn toàn cầu cho các hãng xe quốc tế.

Vẫn còn đâu đó một chút băn khoăn về sức tăng trưởng của thị trường nội địa, bởi Việt Nam mới chỉ tiêu thụ khoảng 300.000 xe một năm, thấp hơn rất nhiều so với Hàn Quốc dù dân số vượt xa quốc gia xứ củ sâm. Chưa kể, là kẻ mới đến, VinFast sẽ phải chia sẻ thị trường với những ông lớn máu mặt đã bén rễ sâu và hiểu thị trường này trong hàng thập kỷ là Toyota và Hyundai.

"Nếu là VinFast, tôi sẽ hướng đến cả thị trường nội địa và xuất khẩu", Mike Dunne, một chuyên gia trong ngành ô tô, nói. Và phía VinFast đáp lại bằng sự khẳng định đanh thép: "Chúng tôi có tham vọng như vậy".

Theo L.T

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên