Shark Louis Nguyễn: “Những người lướt sóng khó có thể thắng bền vững và lâu dài trên thị trường chứng khoán”
Theo ông Louis Nguyễn, nếu có tiền mặt mà không dùng margin thì đầu tư thời điểm này là rất tốt. Tất nhiên, mỗi người có một khẩu vị khác nhau. Phần đông nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam thích lướt sóng và điều này có rủi ro cao.
Trao đổi trong Talk show Phố Tài chính (The Finance Street) trên VTV8, ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTQLQ Saigon Asset Management (SAM) cho biết, nếu như trước đây phải thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài với mức định giá của thị trường Việt Nam là từ 17-20 lần, thì nay thị trường đang ở vùng định giá thực sự hấp dẫn với mức P/E hiện tại chỉ từ 10-13 lần.
Đặc biệt, với nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước vẫn đang được đánh giá tích cực, NĐT nước ngoài tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng bền vững trong ít nhất 5 năm, 10 năm tới. Chính vì vậy, đây là những cơ hội tốt cho các nhà đầu tư trung và dài hạn đón chu kỳ tăng trưởng tiếp theo.
BTV Mùi Khánh Ly: Trong quý 2 năm nay, thị trường đã chứng kiến một đợt giảm mạnh cả trên thế giới và ở Việt nam, và đến nay vẫn chưa có nhiều dấu hiệu tích cực. Ông đánh giá như thế nào về những diễn biến này?
Ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty QLQ Saigon Asset Management (SAM): Sau khi FED tăng lãi suất sẽ khiến các thị trường tài chính toàn cầu, nhất là tại Mỹ biến động trong vài tháng tới và đó là điều bình thường. Nếu đã từng trải qua những cuộc khủng hoảng năm 2000, thời kỳ bong bóng dot-com vỡ, sau đó là giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008 sẽ thấy mọi việc bình thường và không có gì là sợ hãi và lo ngại. Theo tôi, thị trường sẽ tiếp tục biến động, sẽ lên và xuống, mọi người nên sẵn sàng và chuẩn bị tinh thần.
Vậy đối với các nhà đầu tư nước ngoài, hiện họ đang nhìn nhận như thế nào về thị trường Việt Nam, đặc biệt là sau những diễn biến kể trên, thưa ông?
So sánh với thị trường chứng khoán Trung Quốc, Thái Lan, Singapore thì thị trường Việt Nam vẫn đang có định giá tương đối thấp trong thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục quan tâm và sẵn sàng vào thị trường. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn cạnh tranh với những nước trong khu vực và trên thế giới, nên nhà đầu tư nước ngoài sẽ đánh giá xem các vấn đề về kinh tế vĩ mô của Việt Nam như thế nào, các yếu tố khác của thị trường chứng khoán Việt Nam ra sao.
Ví dụ về lợi nhuận, doanh thu của các doanh nghiệp trong VN30, cũng như thị trường chứng khoán nói chung đang được đánh giá có hiệu quả vẫn tương đối tốt trong năm 2022, thậm chí về ngành thủy sản rất tốt, ngân hàng, bất động sản đều tăng.
Nhiều lúc, tôi cũng đặt câu hỏi tại sao người ta lo sợ mà tôi vẫn cảm thấy bình tĩnh, chắc vì tôi đã vượt qua các cuộc khủng hoảng 2, 3 lần nên thấy những biến động về thị trường chứng khoán không có gì đáng lo lắng. Lo sợ nhất có lẽ là khi dịch COVID xảy ra lần đầu tiên năm 2020, lúc đó là khoảng tháng 3/2020 thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm tương đối mạnh. Nhưng khi đó chúng tôi đã mua vào, khi thị trường giảm là thời điểm mua nên tôi nghĩ thời điểm này đang là thời điểm tốt.
Như ông đã thấy, nhà đầu tư trong nước cũng có phần lo lắng nhất định, theo ông họ phải làm gì ở giai đoạn này? Liệu giai đoạn này có nên gia tăng cổ phiếu, cũng như tích sản cho một chu kỳ mới?
Đối với tôi, giá cổ phiếu bây giờ đang rất hấp dẫn, định giá P/E của thị trường Việt Nam đang vào khoảng từ 10-13 lần. Trước đây, khi chúng tôi thuyết phục, huy động vốn từ nước ngoài, P/E lúc đó khoảng 17-20 lần, định giá lúc đó không hấp dẫn, còn bây giờ rất hấp dẫn thì tại sao nhà đầu tư trong nước lại lo sợ.
Thời điểm này đối với tôi là thời điểm mua. Nếu có tiền mặt mà không dùng margin thì tiếp tục đầu tư thời điểm này là rất tốt. Tất nhiên mỗi người có một khẩu vị khác nhau. Phần đông nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam thích lướt sóng, điều đó tùy bạn nhưng như vậy rủi ro sẽ cao hơn, các bài học quá khứ cùng những nghiên cứu đã chỉ ra những người lướt sóng khó có thể thắng vững bền và lâu dài được. Nếu bạn tiếp tục chiến lược đó thì tùy bạn, còn khẩu vị của chúng tôi là đầu tư lâu dài.
Chúng tôi đầu tư theo nghiên cứu của mỗi công ty cũng như công ty đó hoạt động thế nào, vị trí của họ trong ngành nghề đó ra sao, tài chính của họ ổn định như thế nào về doanh thu, lợi nhuận, các chỉ số hoạt động của họ như P/E, P/B…và thẩm định về nhà máy, về đối thủ của họ.
Nếu cần, bạn cứ xem những rổ ETF nước ngoài, xem cách họ chọn những công ty có thanh khoản, hoạt động tốt, phần đông các doanh nghiệp trong VN30 là minh bạch, họ có kiểm toán Big 4, họ có quản trị kinh doanh đều hoạt động vững bền trong hơn 5-10 năm nay.
Nếu không thể tự đầu tư thì để giảm thiểu rủi ro, bạn cần có một người có chuyên môn họ nghiên cứu, họ tư vấn cho bạn. Tại các công ty chứng khoán, họ có những nhóm nghiên cứu để đưa ra những vấn đề mà nhà đầu tư cần, không phải là bạn nghe ông này bà kia sắp bị bắt, hay là nghe công ty nọ, công ty kia sắp ký được hợp đồng lớn… Khi đó không biết là bạn sẽ là người nghe đầu tiên hay nghe cuối cùng, nếu bạn là người nghe cuối cùng thì bạn sẽ chắc chắn thua.
Thời gian qua cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã tiến hành một đợt thanh lọc thị trường với việc xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, ông đánh giá như thế nào về những động thái đó?
Tôi thấy những việc cơ quan quản lý đã và đang làm là hỗ trợ cho sự phát triển lâu dài và vững bền của thị trường. Tại Mỹ, Ủy ban Chứng khoán còn có quyền phạt hơn rất nhiều và họ có đội chuyên môn để tìm kiếm các nhóm gian lận. Việc quản trị sự minh bạch và rõ ràng rất quan trọng cho nhà đầu tư. Trở lại câu chuyện Việt Nam, chúng ta cần phải tiếp tục minh bạch hóa thị trường, làm sao để tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Gần đây những luật liên quan đến Hội đồng quản trị độc lập, liên quan đến thao túng, liên quan đến báo cáo tài chính và minh bạch rất quan trọng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Họ cũng chờ đợi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ làm gì để tiếp tục mở rộng thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, đối với những công ty cổ phần hóa Nhà nước nếu Nhà nước nắm và chi phối thì quyền lợi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ như thế nào…Hy vọng cuối cùng là thị trường chứng khoán Việt Nam phải nỗ lực làm sao để vào MSCI Emerging Market (thị trường mới nổi).
Vậy thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ như thế nào sau loạt diễn biến trên, theo quan điểm của ông?
Về kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong những năm sắp tới, không chỉ tôi mà các chuyên gia từ các quỹ đầu tư khác cũng đều chung quan điểm và họ đã có sự nghiên cứu thị trường rất rõ ràng. Chúng tôi tin chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng vững bền trong ít nhất 5 năm, 10 năm sắp tới. Nhà đầu tư có thể yên tâm, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục trong đà xu hướng tăng sau những biến động này.
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa đạt tới mức độ thu hút những quỹ đầu tư khổng lồ. Chính vì thế, một hướng đi để mở rộng thị trường là cần phải thúc đẩy việc nâng hạng Emerging Markets (thị trường mới nổi). Khi vào thị trường mới nổi, tất cả những quỹ khổng lồ ETF trên thế giới sẽ tự động chuyển tiền đầu tư vào chứng khoán Việt Nam.
Nhịp Sống Kinh Doanh