Năm 2013, đoàn xe mô tô hộ tống Bộ trưởng Tài chính Mỹ đương nhiệm lúc đó là Jacob Lew tiến vào trụ sở Facebook đã khiến tất cả các nhân viên sửng sốt dù họ đã quá quen với việc các chính trị gia và cả các lãnh đạo thế giới đến thăm "tư dinh" của mạng xã hội lớn nhất thế giới. Vì thế, vài ngày sau một nhân viên đã nêu những thắc mắc ra hỏi CEO Mark Zuckerberg trong buổi họp thứ 6 hàng tuần.
Nhưng Bộ trưởng Tài chính đã không tới đây để gặp Zuckerberg. Vậy ai đã đón tiếp ông? COO Sheryl Sandberg đứng lên và thừa nhận bà đã sắp xếp để ông Lew ăn sáng với các lãnh đạo doanh nghiệp địa phương ngày hôm đó.
Sheryl Sandberg – người được tạp chí Fortune xếp hạng là người phụ nữ qyền lực thứ 6 thế giới (năm 2016) – từng là quan chức cấp cao tại Bộ Tài chính. Ở Mỹ cũng có nhiều phụ nữ đang nắm những vị trí cấp cao tại các tập đoàn lớn (dù số lượng vẫn ít hơn nhiều so với nam giới). Một số cũng đã thành công trong việc chuyển sự nghiệp từ Washington sang phố Wall hay thung lũng Silicon. Một số khác thì trở nên nổi tiếng với những cuốn sách bán chạy. Nhưng Sandberg đặc biệt vì bà đã làm được tất cả những điều này và còn đưa tất cả lên một tầm cao mới.
"Dấn thân" (Lean In) không chỉ đơn giản là một cuốn sách bán chạy mà trong đó Sanberg tự bạch về cuộc đời của mình. Đã bán được hơn 1 triệu bản chỉ sau 6 tháng ra mắt, đây là còn cảm hứng để phong trào đấu tranh cho bình đẳng giới một lần nữa bùng lên mạnh mẽ trên toàn cầu, chí ít là trong giới những người phụ nữ thành đạt. Sandberg là cái tên thường xuyên được nhắc đến không chỉ trong giới các CEO của những công ty lớn nhất nước Mỹ mà còn trong nhóm những người nổi tiếng như Oprah và Bono. Các thượng nghị sĩ và quan chức cấp cao ở Nhà Trắng sẽ bắt máy nếu bà gọi điện cho họ.
Dù Sandberg có thể trở thành người đứng đầu tại 1 tập đoàn hoành tráng khác, bà đã chọn gắn bó với vị trí số 2 ở Facebook. Nhưng Sandberg không phải là nhân vật số 2 mà bạn thường thấy. Dù danh tiếng của bà đã gia tăng đáng kể sau khi xuất bản sách, cách mà người phụ nữ 44 tuổi định hình vai trò của mình ở ghế COO và mối quan hệ với người sếp trẻ hơn mình 15 tuổi là câu chuyện đáng chú ý hơn rất nhiều.
Cho đến nay vẫn chưa có định nghĩa cụ thể cho khái niệm COO (Chief Operating Officer) và vị trí này thường được coi là "cánh tay phải" đắc lực cho các CEO. Giống như các COO khác, nhiệm vụ của bà là giữ cho "đoàn tàu" luôn đúng giờ, làm nhiều công việc phía sau hậu trường và khá kín tiếng. Sandberg đã hoàn thành xuất sắc vai trò ấy, nhưng bà cũng đóng vai trò quan trọng trong các thương vụ M&A, người chịu trách nhiệm cho doanh thu của Facebook, người đi tới khắp nơi trên thế giới để gặp gỡ các chính trị gia và là người chuyển hóa tham vọng của những chuyên gia marketing thành thứ ngôn ngữ mà các kỹ sư lập trình ở Facebook có thể hiểu được.
Tài năng của Sandberg cùng với mối quan hệ tốt đẹp và rất đáng tin cậy giữa bà và Zuckerberg tạo cho vị CEO trẻ tuổi sự thoải mái. Bà làm tất cả những thứ mà Zuckerberg không muốn làm để có thể tập trung cho hai thứ yêu thích nhất là sản phẩm và lập trình. Đổi lại, Sandberg có những dịp trở thành gương mặt đại diện cho Facebook ở nhiều nơi, từ diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos đến Sun Valley và cả không gian riêng để theo đuổi những hoạt động cá nhân mà điển hình là những câu chuyện xoay quanh cuốn "Dấn thân".
Zuckerberg từng nói: "Lean In đã làm nhiều thứ cho Facebook hơn so với những gì Facebook đã làm cho Lean In". Kết quả là trong khi Zuckerberg là người nổi tiếng theo cách của riêng mình, Sandberg không chỉ là COO nổi tiếng nhất thế giới mà còn là "ngôi sao" trong nhiều lĩnh vực với tầm ảnh hưởng chưa từng thấy đối với 1 nữ doanh nhân.
Thậm chí bà đã trở thành hình mẫu lý tưởng. Cho đến nay, giới công nghệ vẫn tồn tại một truyền thuyết rằng các công ty sẽ hoạt động tốt nhất khi được dẫn dắt bởi các nhà sáng lập – công thức được rút ra sau thành công của Bill Hewlett và Dave Packard, Steve Jobs hay Bill Gates. Trong những năm 1990, các nhà đầu tư thường không muốn trao quyền cho những nhà sáng lập còn quá trẻ và chỉ mạnh về công nghệ chứ không có kinh nghệm quản lý, do đó tìm họ tìm đến những CEO chuyên nghiệp. Công thức này tỏ ra hiệu quả trong một số trường hợp như eBay và Yahoo, nhưng trong nhiều trường hợp sẽ đổ bể khi tầm nhìn của các nhà sáng lập bị bỏ qua.
Theo chuyên gia đầu tư mạo hiểm Marc Andreessen, mô hình Zuckerberg- Sandberg giúp giải quyết vấn đề đó: nhà sáng lập có quyền lực tối cao, đảm bảo công ty đi đúng theo tầm nhìn ban đầu, kết hợp với 1 vị COO xuất sắc.
Mọi công ty đều muốn có 1 người như Sandberg, thậm chí chính ở trong Facebook cũng muốn Sandberg "được nhân bản". Đừng để câu chuyện Sandberg rời văn phòng lúc 5h30 chiều đánh lừa. Bà đến văn phòng khá sớm (đôi lúc là từ 7h sáng), dường như chiếc điện thoại di động gắn chặt vào tai bà trong cả ngày làm việc. Email sẽ không ngừng được gửi đến cho tới tận đêm khuya, và lịch họp thì dày đặc.
Làm sao người phụ nữ ấy có thể kiêm nhiệm tất cả mọi thứ: công việc bận rộn ở Facebook, viết sách và thực hiện các chuyến đi quảng bá sách ở 3 châu lục, cho ra đời một quỹ từ thiện và trở thành người phát ngôn cho những tham vọng của nữ giới? Bà cùng viết sách với Nell Scovell, một người viết chuyên nghiệp, và công việc này được thực hiện trong các buổi tối và ngày cuối tuần. Các chuyến đi quảng bá sách được sắp xếp vào các kỳ nghỉ và bà rất khéo léo kết hợp chuyến đi với các công việc cần làm – ví dụ như khi tới Đức bà sẽ gặp các nhà quảng cáo hoặc khi tới Bắc Kinh thì gặp các quan chức Chính phủ.
Những người thân cận nói rằng bà không bao giờ lỡ nhịp. Một số nhân viên Facebook cho rằng cuốn sách khiến bà sao nhãng và ngốn quá nhiều thời gian, nhưng Zuckerberg chính là người bảo vệ Sandberg mạnh mẽ nhất.
Khi một nhân viên hỏi liệu có phải bất kỳ ai ở Facebook cũng có thể viết sách, Zuckerberg nói Sandberg là "người siêu năng lực" và nếu như ai đó ở Facebook có thể làm được từng ấy công việc cùng một lúc thì đều có thể viết sách.
Nếu như năm 2013, cuốn "Lean In" là một lời khẳng định rằng phụ nữ có thể tự kiểm soát số phận của mình nếu như họ dũng cảm "dấn thân" khi cơ hội đến; 2 năm sau Sandberg lại xuất bản 1 cuốn sách bán chạy khác, trong đó bà nhắc nhở rằng cho dù đã làm được như vậy, người phụ nữ vẫn có thể rơi vào cảnh mất phương hướng. Đối với Sandberg, đó là khi chồng của bà – Dave Goldberg, CEO của Survey Monkey – đột ngột qua đời trong lúc tập thể dục.
Sự yếu đuối của người phụ nữ khi gặp phải cú sốc quá lớn và cách mà bà vượt qua nỗi đau ấy đã được miêu tả một cách chân thực trong cuốn "Option B: Facing Adversity, Building Resilience and Finding Joy". Chia sẻ về sự thay đổi trong quan điểm sống kể từ sau khi chồng qua đời, Sandberg thừa nhận rằng trong cuốn sách trước bà đã có cái nhìn quá đơn giản khi khuyên những người phụ nữ muốn phấn đấu cho sự nghiệp hãy chia sẻ việc nhà với chồng. Trên thế giới này có rất nhiều bà mẹ đơn thân và cả những góa phụ đang gồng mình với cuộc sống. Sandberg chỉ đột ngột nhận ra đều này sau khi chồng bà qua đời.
Sandberg từng trả lời phỏng vấn rằng bà chợt nhận ra ở ngoài kia còn biết bao người phụ nữ cũng đang phải vượt qua khó khăn bệnh tật, mất việc, tấn công tình dục, thiên tai hay bạo lực chiến tranh để duy trì cuộc sống.
"Chúng ta thường nghĩ hạnh phúc là một thứ gì đó trừu tượng, khó nắm bắt nhưng không phải vậy. Kì thật hạnh phúc có thể bắt nguồn từ những điều vô cùng nhỏ bé, đó là cách chúng ta trải qua mỗi ngày thật ý nghĩa", bà nói.
Trí Thức Trẻ