MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Trực tiếp] SHS: Năm 2019 thận trọng đặt kế hoạch lãi trước thuế 420 tỷ, cổ đông hiến kế cách tìm kiếm khách hàng lớn

Sáng nay CTCP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2019. Công ty định hướng trở thành một trong những công ty môi giới hàng đầu Việt Nam, phấn đấu nằm top 3 thị phần môi giới và tổ chức hàng đầu về tư vấn.

Năm 2018, SHS đã sáp nhập thành công SHBS tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh 2018 tổng doanh thu đạt 1.248 tỷ đồng, hoàn thành 92% kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế đạt 358 tỷ đồng, hoàn thành 92,46% kế hoạch năm.

Trong cơ cấu doanh thu, hoạt động môi giới (gồm cả lưu ký) đạt 264,6 tỷ đồng, chiếm 21,2% doanh thu - tăng nhẹ 1,07% năm 2017, lãi từ cho vay và phải thu đạt 375,1 tỷ đồng, chiếm 30% và tăng 11,14%, hoạt động đầu tư ghi nhận 484,6 tỷ đồng chiếm 38,8% và tăng 16,3%, hoạt động tư vấn ghi nhận 118 tỷ đồng, tăng 62%.

Thị phần môi giới của SHS duy trì trong top 6 các CTCK có thị phần môi giới cổ phiếu lớn nhất trên 2 sàn HNX và HSX, top 7 thị phần môi giới trái phiếu trên HNX. Hiện công ty đang quản lý 42.655 tài khoản, tăng 56,8%. Năm qua công ty đã phát hành 4 đợt trái phiếu doanh nghiệp huy động 2.300 tỷ đồng với lợi thế lãi vay rẻ hơn vay vốn tín dụng ngân hàng,

Năm 2019, SHS đặt kế hoạch 1.291 tỷ đồng doanh thu và 420,3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng không đáng kể so với thực hiện 2018. Quan điểm của ban lãnh đạo SHS trong việc đầu tư 2019 là thận trọng, tìm kiếm cơ hội đầu tư giá trị thông qua hoạt động M&A và thoái vốn, giảm tỷ trọng trên thị trường niêm yết.

Công ty định hướng trở thành một trong những công ty môi giới hàng đầu Việt Nam, phấn đấu nằm top 3 thị phần môi giới và tổ chức hàng đầu về tư vấn.

Năm 2018, SHS dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 15%.

Quỹ thù lao cho thành viên HĐQT (5 người) là 3,36 tỷ đồng và 3 thành viên BKS là 1,296 tỷ đồng. Năm 2019, HĐQT đề nghị quỹ thù lao cho HĐQT và BKS năm 2019 là 1,5% trên lợi nhuận sau thuế và không thấp hơn thù lao đã chi năm 2018 (4,6 tỷ đồng).

HĐQT trình ĐHCĐ miễn nhiệm ông Nguyễn Văn Hưng, thành viên HĐQT và bầu bổ sung ông Mai Anh Chính giữ chức vụ thành viên HĐQT nhiệm kì 2017-2022 từ ngày 11/4/2019. Ông Mai Anh Chính hiện đang giữ chức vụ Trưởng phòng dịch vụ tài chính của tập đoàn T&T.

Dự báo TTCK 2019

SHS đánh giá năm 2019 đề án "Cơ cấu lại TTCK đến năm 2020 và định hướng tới 2025" được Chính phủ phê duyệt, nhiều chính sách đối với TTCK sẽ được cụ thể hoá và triển khai mạnh mẽ hơn. Bao gồm dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, triển khai sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu mới, hợp đồng tương lai trái phiếu CP.

Chủ trương tiếp tục cổ phần hoá và niêm yết các doanh nghiệp nhà nước như Mobifone, VNPT, Satra, Genco 2, Genco 1, Vinachem, Vinataba ..thoái vốn các DNNN như ACV, Vietnam Airlines, Viglacera, PV Gas, Petrolimex,...cùng với quá trình chuyển sàn của nhiều mã lớn trên Upcom sang niêm yết sẽ giúp thị trường có thêm hàng hoá chất lượng và tăng tính thanh khoản.

Cơ hội TTCK Việt Nam được FTSE nâng hạng thị trường, tăng tỷ trọng trong rổ chỉ số thị trường cận biên của MSCI (tháng 6/2019) và khả năng đưa vào danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi giai đoạn 2019-2020.

Tuy nhiên các rủi ro ngoài các yếu tố quốc tế, dòng tiền đầu tư chứng khoán có thể gặp khó khăn do chịu tác động từ Thông tư 36, Thông tư 07, chính sách hạn chế tín dụng từ ngân hàng cho các hoạt động rủi ro trong đó có đầu tư, kinh doanh chứng khoán, UBCK tăng cường quá trình kiểm soát rủi ro tại các CTCK đặc biệt là hoạt động cấp margin.

Cổ đông hiến kế cho SHS tăng cường khách hàng lớn

Một cổ đông hỏi số lượng khách hàng giao dịch trên 20 tỷ một năm tại SHS, chủ tịch Đỗ Quang Hiển cho rằng số liệu tài chính công ty minh bạch nhưng một số thông tin thuộc về bí mật kinh doanh của công ty thì xin phép chia sẻ riêng.

Cổ đông này cho rằng công ty ACBS đã chia sẻ việc tìm kiếm khách hàng lớn bằng cách rà soát danh sách khách hàng trên hệ thống big data của ngân hàng mẹ ACB, các khách hàng có số dư tiền gửi trên 5 tỷ đồng nhưng không đầu tư chứng khoán. Sau đó các môi giới tư vấn, gửi thư mời đến dự hội thảo về phát triển các ngành. Có thể ban đầu khách hàng đi hoặc không đi, sau đó môi giới mời giới thiệu về ACBS và họ mời một vài nhà đầu tư có kết quả tôt chia sẻ cơ hội đầu tư, họ đã khuyến khích được các khách hàng lớn đầu tư.

Cảm ơn sự chia sẻ của nhà đầu tư, ông Hiển chia sẻ SHS sẽ "tìm ra sự khác biệt có chiến lược riêng của mình", đem đến sản phẩm thoả mãn thị trường và khách hàng, khai thác lợi thế của riêng mình. Ông Hiển ghi nhận các ý kiến của cổ đông một cách thấu đáo.

Trong đợt phát hành có nhiều cổ đông không mua tại sao báo cáo phát hành thành công 100%?

Tổng giám đốc Vũ Đức Tiến: Đầu năm 2019, SHS chào bán 101,87 triệu cổ phiếu (bao gồm phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 25%, chào bán ra công chúng tỷ lệ 66,67% giá 12.000 đồng/cp, phát hành ESOP 4,99%). Các cổ phiếu cổ đông không thực hiện quyền mua, HĐQT có quyền chào bán cho các đối tượng khác với giá không thấp hơn giá bán cho cổ đông hiện hữu.

Tổng số phát hành thêm hơn 70 triệu cổ phiếu, các cổ đông hiện hữu thực hiện quyền hơn 13 triệu cổ phiếu, còn lại 57 triệu cổ phiếu cổ đông không thực hiện quyền, HĐQT đã lựa chọn 6 cổ đông, và các cổ đông này đã nộp tiền theo đúng thời hạn. Uỷ ban đã chấp thuận kết quả tăng vốn thành công. Các cổ đông có thể thấy giá phát hành là cao nhưng một số cổ đông khác thấy giá đó là hợp lý. Tổng số vốn thặng dư cổ phần gần 200 tỷ đồng.

Nhiều cổ đông ý kiến cổ tức sao không chia trên vốn cũ (1.000 tỷ) thành 30% tiền mặt, sao phải chia 15% tiền mặt trên vốn mới (2.000 tỷ), cổ phiếu chưa được giao dịch trên cơ sở nào chốt khi chưa được giao dịch? Cổ đông yêu cầu trả cổ tức trên vốn 1000 tỷ thành 30% tiền mặt.

Tổng giám đốc Vũ Đức Tiến: SHS là công ty niêm yết, không phải công ty gia đình. Tại ngày chốt danh sách cổ đông phải chia cổ tức trên vốn mới, đó là theo luật. Rất khó để chỉ ra danh sách ai là cổ đông sở hữu năm 2018, có nhiều cổ đông giao dịch liên tục, ngày một ngày hai là bán cổ phiếu (SHS chốt quyền chia cổ tức và phát hành tăng vốn vào tháng 1/2019).

Về chiến lược phát triển môi giới?

Tổng giám đốc Vũ Đức Tiến: Đội ngũ môi giới chỉ 70-80 người nhưng doanh thu trên 200 tỷ trong khi các CTCK khác đội ngũ môi giới 400-500 người. Doanh thu của SHS có thể không đạt trên kì vọng của cổ đông về thị phần nhưng hoạt động môi giới đang mang lại nguồn thu lớn cho công ty, SHS đang lựa chọn các phương án mang lại hiệu quả lớn nhất cho cổ đông chứ không phải mở rộng ồ ạt như các công ty khác. Hiện tại chiến lược của SHS vẫn mang lại hiệu quả cho công ty, hướng tới top 3 thị phần, năm nay sẽ mở rộng hướng tới khách hàng lớn quy mô lớn, tận dụng các khách hàng lớn trong hệ thống.

Mạng lưới SHS hiện tại có chi nhánh ở Đà Nẵng và TP.HCM bên cạnh trụ sở tại Hà Nội, chi nhánh HCM đóng góp vào môi giới khoảng 60 tỷ, SHS có văn phòng giao dịch tại Đồng Nai, Quảng Ninh.

Hiện số tài khoản của SHS là trên 42.000 tài khoản, tài khoản active khoảng 14.000 tài khoản, giá trị chứng khoán giao dịch đạt trên 24.000 tỷ (trên 1 tỷ USD), tiền gửi của khách hàng trên hệ thống khoảng 1.000 tỷ.

Định hướng phát triển công ty 2019?

Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: Trong chiến lược phát triển của SHS, HĐQT định hướng 3-5 năm và có chiến lược trong từng giai đoạn. Mục tiêu đặt ra top 3 thị phần môi giới cổ phiếu, các nghiệp vụ khác phải vào top 5. Phải tập trung đi vào công nghệ, hiện đại hoá công nghệ để hỗ trợ cho các sản phẩm tài chính cạnh tranh bền vững, trong đó có chứng khoán phái sinh.

Cổ đông: Bên cạnh việc đầu tư công nghệ các CTCK phải tăng cường đào tạo chuyên môn nghiệp vụ của các CTCK. Tôi biết có công ty chứng khoán trình độ nghiệp vụ của các broker rất kém, thậm chí kém hơn hẳn nhà đầu tư. Nhà đầu tư dài hạn lại cứ "xúi" đầu tư ngắn hạn. Thái độ cũng phải niềm nở mới thu hút nhà đầu tư VIP.

Tâm An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên