Siết hoàn thuế từ 1.7: Ngành thuế làm khó doanh nghiệp!
Từ 1.7, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) có hiệu lực, quy định doanh nghiệp có số thuế GTGT đầu vào âm liên tục 12 tháng do vẫn còn hàng tồn kho sẽ không còn được hoàn thuế GTGT như trước.
- 17-05-2016Ngành thuế rà soát 189 cá nhân, tổ chức trong "Hồ sơ Panama" ra sao?
- 12-01-2016Ngành thuế “để ý” chuyển nhượng vốn, thương hiệu
- 15-11-2015Đại biểu Quốc hội: Ngành ô tô sẽ "chết" nếu giảm thuế
Việc này, cơ quan soạn thảo luật cho rằng tiết kiệm thời gian, giảm chi hoàn thuế hàng chục nghìn tỉ cho ngân sách. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng ngành thuế đang tạo ra cơ chế để chiếm dụng vốn doanh nghiệp, đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó càng thêm khó!
Ngại doanh nghiệp “rút ruột” ngân sách (?!)
Theo báo cáo tác động Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT trình Quốc hội, cơ quan soạn thảo cho rằng, việc quy định hoàn thuế GTGT sau ít nhất 12 tháng liên tục khi có số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết, có nghĩa là ngân sách nhà nước “bù lỗ” cho những doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh phát sinh GTGT âm, trong thực tế nhiều trường hợp doanh nghiệp chưa kịp được hoàn (thậm chí có trường hợp vừa lập hồ sơ hoàn thuế) nhưng đã phát sinh số thuế phải kê khai, tính nộp. Theo cơ quan soạn thảo, quy định hoàn thuế cũ làm tăng thủ tục và lãng phí thời gian để tuân thủ chính sách đối với doanh nghiệp làm ăn chân chính, đồng thời làm tăng khối lượng công tác đối với cơ quan thuế, thanh tra, kiểm toán.
”Vì vậy, Chính phủ đề nghị quy định việc doanh nghiệp thực hiện khấu trừ đối với số thuế GTGT đầu vào thay cho việc quy định hoàn thuế GTGT sau ít nhất 12 tháng hoặc 4 quý liên tục để góp phần thúc đẩy tính hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần cải cách thủ tục hành chính, hạn chế khả năng lợi dụng để gian lận trong hoàn thuế GTGT”, báo cáo dự thảo luật đề xuất.
Theo cơ quan soạn thảo luật, dự kiến, việc bổ sung quy định hoàn thuế này sẽ làm giảm khối lượng, hồ sơ hoàn thuế hàng năm từ 18-20%, tương ứng với số giảm hoàn thuế vào khoảng 16.000 tỉ đồng và số thuế này sẽ được chuyển sang khấu trừ vào số thuế GTGT đầu ra của những kỳ tiếp theo.
Giải thích về việc doanh nghiệp có số thuế GTGT đầu vào âm liên tục 12 tháng do vẫn còn hàng tồn kho sẽ không còn được hoàn thuế GTGT, một lãnh đạo Bộ Tài chính nói với PV Báo Lao Động rằng, phải hiểu bản chất của vấn đề là doanh nghiệp sẽ không mất số tiền hoàn thuế. “Sau này bán ra (hàng tồn kho - PV) sẽ thu lại. Nếu quy định như trước, cũng đã có doanh nghiệp chiếm dụng vốn của Nhà nước để xoay vòng, ảnh hưởng đến ngân sách, lợi dụng chính sách hoàn thuế để chiếm dụng vốn” - vị này nói. Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế - bổ sung, có một số tình trạng doanh nghiệp lợi dụng cơ chế hoàn thuế để rút ruột và gian lận. “Bởi vậy, bỏ quy định hoàn thuế 12 tháng thì rõ ràng doanh nghiệp có thiệt một chút nhưng lợi về quản lý chung” - bà Cúc nói
“Chiếm dụng vốn doanh nghiệp”
Nói về sửa đổi, bổ sung Luật Thuế GTGT, ông Nguyễn Hải Minh - GĐ Cty Tư vấn thuế Mazars - cho rằng, ngành thuế ngày càng đặt ra những quy định ngặt nghèo để siết doanh nghiệp, cụ thể trước đây thuế GTGT âm đầu vào 3 tháng vẫn được hoàn thuế, sau này lên thành 12 tháng, rồi sắp tới bỏ quy định được hoàn thuế âm đầu vào. Nói về quy định mới có hiệu lực từ 1.7, ông Minh nói: “Đơn giản như việc doanh nghiệp nhập vào 100 đồng, chỉ bán ra được 20 đồng, tồn 80 đồng. Như vậy ngoài việc đang thua lỗ 80 đồng thì thuế chỉ hoàn thuế 2 đồng (10% của 20 đồng bán ra - PV) mà đáng ra phải được hoàn thuế thêm 8 đồng nữa”. Theo ông Minh, với thực trạng hơn 95% số doanh nghiệp trong nền kinh tế là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì việc quay vòng vốn là rất quan trọng, việc này đã đẩy những doanh nghiệp trong trường hợp đã khó khăn thì càng khó khăn hơn.
Trong khi đó, một chủ doanh nghiệp sản xuất ngành nhựa dẫn ra thực tế kể cả với doanh nghiệp bán hàng chạy nhưng không hoàn thuế với hàng tồn thì doanh nghiệp vẫn khó khăn với việc xoay vòng vốn. Vị chủ doanh nghiệp này nói, Cty có doanh thu 20 tỉ đồng/năm, hàng tồn luôn từ 10-30% tùy giai đoạn. Với quy định hoàn thuế mới thì ngành thuế đang chiếm dụng của Cty 200 triệu đến 600 triệu đồng. “Giờ cạnh tranh khốc liệt, một đồng cũng quý, nhưng cứ giữ tiền của doanh nghiệp như thế. Để bù vào số tiền đó chúng tôi phải vay ngân hàng. Quy định như vậy, doanh nghiệp làm sao dám trữ hàng”.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhìn nhận, trong môi trường kinh doanh hiện nay không chỉ cần tạo môi trường bình đẳng giữa các doanh nghiệp và cần bình đẳng giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước. Ông Phú nói thẳng: “Việc không hoàn thuế với hàng tồn là không sòng phẳng với doanh nghiệp. Đừng nói tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, không ai chấp nhận cả đâu”.
Lao động