MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Siết kỷ cương song không ‘bóp nghẹt’ sự phát triển năng động của thị trường

Siết kỷ cương song không ‘bóp nghẹt’ sự phát triển năng động của thị trường

Phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới cần lưu ý nguyên tắc là kiểm soát, hạn chế các yếu tố tiêu cực, rủi ro hệ thống, song không bóp nghẹt sự phát triển năng động của thị trường, tránh hiệu ứng tiêu cực, dây chuyền do các nhà phát hành, nhà đầu tư lo ngại, hoảng sợ vì sự siết chặt kỷ luật thị trường.

Bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trước nhiều biến động

Theo dõi thị trường chứng khoán trong nhiều năm qua, TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, gần đây việc hai chủ tịch tập đoàn lớn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản bị bắt liên quan đến những vi phạm về chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp là hai vụ việc chưa xảy ra trước đó.

Những sai phạm này không những tổn hại đến môi trường đầu tư tài chính và tính lành mạnh, an toàn của thị trường tài chính mà còn trực tiếp gây thiệt hại nặng nề cho các nhà đầu tư trái phiếu lẫn cổ phiếu, thậm chí khiến không ít nhà đầu tư bị giải chấp oan tài khoản chứng khoán.

"Sự quyết liệt của Chính phủ đã thể hiện một quyết tâm xây dựng một thị trường tài chính, bất động sản lành mạnh, an toàn, hữu hiệu và bảo vệ các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư cá nhân, trong một thế giới nhiều biến động, nhiều cú sốc như hiện nay", TS.Lê Xuân Sang trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ.

Theo Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, với các chức năng truyền thống của mình, thị trường chứng khoán là kênh quan trọng trong đầu tư vốn. Thị trường này giúp tăng hiệu quả, san sẻ các rủi ro từ các khoản đầu tư, nhất là các nhà đầu tư cá nhân, không chuyên nghiệp.

Một thị trường chứng khoán lành mạnh, hiệu quả, đặc biệt thị trường trái phiếu doanh nghiệp, giúp giảm thiểu rủi ro cho hệ thống tài chính và doanh nghiệp, giảm thiểu các rủi ro do sai lệch về kỳ hạn và loại đồng tiền trong bảng cân đối kế toán, giúp huy động vốn dài hạn giá rẻ.

"Thị trường chứng khoán hữu hiệu giúp nền kinh tế và thị trường tài chính, bất động sản lành mạnh hơn bởi nếu thiếu nó, các ngân hàng thương mại sẽ phải một mình "oằn mình" huy động và cho vay nền kinh tế với những rủi ro về an ninh tài chính có thể phát sinh, không thể xem thường", TS. Lê Xuân Sang nhấn mạnh.

Đáng lưu ý, không kém phần quan trọng, thị trường chứng khoán hữu hiệu có thể cung ứng vốn mạo hiểm và các loại vốn phi ngân hàng đặc thù khác để giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nhất là huy động, gọi vốn cho các công ty công nghệ lớn (ví dụ như Facebook, Google,...) - điều mà thị trường ngân hàng rất khó có thể làm được.

"Tuy nhiên, ở Việt Nam, chủ yếu do thị trường còn non yếu nên đến nay vẫn còn một số bất cập, rủi ro nhất là đối với các nhà đầu tư như chúng ta đã biết", TS. Lê Xuân Sang cho hay.

Theo TS. Lê Xuân Sang, những nỗ lực, hành động quyết liệt của Chính phủ là rất cần thiết để trước hết xây dựng thị trường chứng khoán và bất động sản hữu hiệu, lành mạnh, bảo đảm kỷ luật tài chính, ngăn chặn và xử lý có hiệu quả hơn các hành vi vi phạm (như thao túng thị trường, phát hành trái phiếu doanh nghiệp,…), tiến tới những chuẩn mực cao về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình tài chính; bảo vệ tốt hơn lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư và giúp giá cả phản ánh tốt hơn quan hệ cung - cầu trên thị trường.

Xếp hạng tín nhiệm DN phải hoạt động hiệu quả hơn

Phó Viện trường Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, trong thời gian tới, sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam chịu tác động bởi cả các nhân tố ảnh hưởng thuận lợi lẫn không thuận lợi.

Các nguyên tắc cơ bản cần lưu ý là cần nỗ lực kiểm soát, hạn chế các yếu tố tiêu cực, rủi ro, song không bóp nghẹt sự phát triển năng động của thị trường, tránh hiệu ứng tiêu cực, dây chuyền do các nhà phát hành, nhà đầu tư lo ngại, hoảng sợ vì sự siết chặt kỷ luật thị trường và phát lộ các sai phạm kinh doanh khác.

Do đó, trước hết, cần phân lập và làm rõ các tổ chức phát hành trái phiếu, ngân hàng cho vay bất động sản và dư nợ, tính chất các khoản vay ngân hàng, độ khả tín của tổ chức phát hành để tránh sự hoảng loạn mang tính hệ thống, nhất là khi thông tin chưa đủ minh bạch, cập nhật, với nhiều tin đồn "ác ý" và nhiều nhà đầu tư cá nhân có bản lĩnh đầu tư, kỹ năng đầu tư chứng khoán còn hạn chế.

Việc quan trọng không kém, có ý nghĩa dài hạn là có quyết tâm cao hơn trong xây dựng môi trường pháp lý cũng như thành lập các công ty đánh giá/xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp có tính độc lập nhiều hơn và hiệu quả hoạt động cao, qua đó, nâng cao tính hiệu quả, độ an toàn cho phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cần tăng cường, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện và áp dụng các chuẩn mực quốc tế về tài chính, báo cáo tài chính để bảo đảm tính công bằng, đánh giá hữu hiệu, đồng nhất hơn về chất lượng quản trị và kết quả hoạt động của doanh nghiệp.

Theo TS. Lê Xuân Sang, thời gian tới chúng ta phải tiếp tục nỗ lực thúc đẩy việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam (từ hạng "Cận biên" lên "Mới nổi") để thu hút vốn nước ngoài và nâng cao hiệu quả hoạt động thị trường cũng như hiệu quả quản trị thị trường, doanh nghiệp niêm yết. Sớm hoàn thiện khung pháp lý để bảo vệ tốt hơn quyền lợi các nhà đầu tư (kể cả về mức độ ưu tiên hoàn trả nợ trong trường hợp doanh nghiệp bị phá sản).

Phó Viện trường Viện Kinh tế Việt Nam cũng đề xuất, tăng cường công khai thông tin, minh bạch thị trường bất động sản, nhất là đẩy nhanh công tác xây dựng hệ thống chỉ số bất động sản theo các phân khúc thị trường và theo các địa phương.

"Đây là lĩnh vực rất ít có tiến triển trong thời gian qua mặc dù rất quan trọng trong phát triển một thị trường bất động sản hữu hiệu, lành mạnh", TS. Lê Xuân Sang bày tỏ.

Ngoài ra, để phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, việc xác định và quản lý các hành vi tạo lập thị trường mang tính thị trường, hợp pháp cũng rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam thực hiện các cam kết hội nhập, bối cảnh thị trường chịu nhiều cú sốc khác nhau và dưới ảnh hưởng của ứng dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0.

Theo Hoàng Giang

Báo Chính Phủ

Trở lên trên