Siêu bão số 3 bất ngờ đổi hướng, BCĐ quốc gia yêu cầu sẵn sàng các biện pháp ứng phó
Bão số 3 (bão Saola) hiện có sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, nhưng khả năng sẽ đổi hướng di chuyển về phía Nam.
- 31-08-2023Bão Sao La vào biển Đông, ảnh hưởng thế nào đến thời tiết đất liền dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9?
- 31-08-2023Bão số 3 giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc
- 31-08-2023Siêu bão Sao La hướng về đảo Hải Nam
Theo bản tin mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chiều nay (31/8), vị trí tâm bão Saola (bão số 3) ở trên vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 430km về phía Đông Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15-16 (167-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 10 km/h.
Dự báo đến 10h sáng mai (1/9), tâm bão ở ngay vùng biển phía đông nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), cường độ bão mạnh cấp 14, giật cấp 17.
Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển về phía Nam, mỗi giờ đi được khoảng 5km, cường độ tiếp tục giảm thêm.
Dự báo tác động của bão số 3
Trên biển: Vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió bão mạnh cấp 10-13, vùng gần tâm bão cấp 14-16, giật trên cấp 17; biển động dữ dội.
Nước dâng, sóng lớn: Vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, sóng biển cao 4,0-6,0m, vùng gần tâm bão 8,0-10,0m.
Chỉ đạo ứng phó bão số 3
Ngày 31/8, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai -Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn vừa ban hành Công điện gửi các tỉnh/ thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi về việc ứng phó với bão Saola.
Để chủ động ứng phó với bão, giảm thiểu thiệt hại, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành:
Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Rà soát các hoạt động trên biển, nuôi trồng thuỷ hải sản để có phương án sẵn sàng ứng phó với ảnh hưởng của bão.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến bão để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Bộ Ngoại giao liên hệ với các quốc gia trong khu vực đề nghị tạo điều kiện cho ngư dân, tàu cá vào tránh trú và hỗ trợ, cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.
Các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương tăng cường thông tin, truyền thông về diễn biến bão và công tác chỉ đạo ứng phó.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Tổ quốc