MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Siêu lợi nhuận từ cho vay tiêu dùng, các công ty tài chính thoải mái đẩy lãi suất huy động lên cao để cạnh tranh với ngân hàng?

22-03-2017 - 10:11 AM | Tài chính - ngân hàng

Hiện pháp luật Việt Nam không đưa ra quy định về trần lãi suất huy động đối với công ty tài chính, cho nên họ toàn quyền đưa ra mức lãi suất huy động phù hợp với nhu cầu của họ.

Câu chuyện các công ty tài chính tiêu dùng cho vay với lãi suất lên đến hàng chục phần trăm, thậm chí có trường hợp tới 70-80%/năm, đã không còn xa lạ với thị trường. Giá trị các khoản vay càng to thì lãi suất càng rẻ và vay tiền mặt là đắt nhất, và tín chấp bằng chứng minh thu nhập, chứng minh thư, hóa đơn tiền điện hoặc hợp đồng bảo hiểm nhân thọ…

Chẳng hạn theo một phép tính mà một công ty tài chính hàng đầu thị trường làm cho khách hàng có nhu cầu vay tiền mặt 10 triệu đồng trong vòng 6 tháng thì mỗi tháng khoản trả góp sẽ là 1,97 triệu đồng. Tính toán ra trong vòng 6 tháng, người vay sẽ phải trả cho công ty này 11,82 triệu đồng, tương đương khoảng 303 nghìn đồng/tháng tức khoảng 3%/tháng và tính theo năm thì lãi suất lên tới 36%. Nếu khách hàng trả chậm sẽ bị công ty phạt thêm khoảng 300 nghìn đồng/lần.

Việc cho vay với lãi suất cao hơn nhiều so với các ngân hàng được chính người trong cuộc giải thích rằng có 3 nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất, do chi phí đầu vào của công ty tài chính thường cao hơn so với chi phí huy động vốn của ngân hàng thương mại bởi họ không được phép huy động vốn từ dân cư cũng không tận dụng được lợi thế mạng lưới lớn mạnh như các ngân hàng. Thứ hai, lãi suất cho vay tỷ lệ thuận với rủi ro, vì rủi ro cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính cao hơn nhiều so với ngân hàng bởi điều kiện và thủ tục cho vay dễ dàng, hoàn toàn là tín chấp nên lãi suất phải cao để bù đắp rủi ro. Và thứ ba, giá trị của khoản vay nhỏ lẻ, kỳ hạn vay ngắn dẫn đến các chi phí thẩm định, chi phí đòi nợ, chi phí quản lý khoản vay, chi phí phục vụ cao hơn bình thường.

Nhờ cho vay được với lãi suất rất cao, phải chăng các công ty này cũng được huy động vốn ở mức bao nhiêu tùy ý? Mới đây xuất hiện tình trạng các nhân viên của một công ty tài chính mặc sức đi kêu gọi huy động vốn với lãi suất kỳ hạn 6 tháng trên 10%, 1 năm là 11% đã thu hút sự chú ý của dư luận, cũng làm tăng mối quan ngại của các ngân hàng với các công ty tài chính trong cuộc đua hút vốn.

Trao đổi với chúng tôi xoay quanh vấn đề này, TS, luật sư Bùi Quang Tín cho rằng hiện pháp luật Việt Nam không đưa ra quy định về trần lãi suất huy động đối với công ty tài chính, cho nên họ toàn quyền đưa ra mức lãi suất huy động phù hợp với nhu cầu của họ.

Tuy nhiên, pháp luật có quy định về đối tượng mà công ty tài chính huy động vốn là chỉ được tổ chức chứ hoàn toàn không được huy động vốn từ cá nhân. Trường hợp nào gọi vốn từ cá nhân là sai luật.

Trong tổ chức cũng phân ra làm nhiều loại, nếu tổ chức đó là tổ chức tín dụng thì kỳ hạn phải dưới 1 năm, trừ trường hợp công ty tài chính là công ty con của tổ chức tín dụng đó. Nếu tổ chức đó là tổ chức phi tổ chức tín dụng thì công ty tài chính được phép phát hành giấy tờ có giá như chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu ....và không bị giới hạn về thời hạn cũng như trần lãi suất huy động vốn. Hiện tỷ lệ vốn huy động từ chứng chỉ tiền gửi cửa nhiều công ty tài chính chiếm tỷ lệ gần 25% trên tổng nguồn vốn huy động.

Trả lời câu hỏi có hay không việc các công ty tài chính đang đẩy lãi suất lên cao ở các kỳ hạn dài để cạnh tranh hút vốn từ các ngân hàng, TS. Tín nói rằng do quy định của pháp luật trong Thông tư 06/2016/TT-NHNN nói rõ kể từ ngày 1/7/2016, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng buộc phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 200% xuống còn 100% và sẽ giảm tiếp xuống 90% vào đầu năm 2017 và 80% vào đầu năm 2018. Việc NHNN siết chặt hơn các tỷ lệ an toàn vốn của các định chế tài chính phi ngân hàng đòi hỏi các công ty tài chính cần huy động nhiều hơn nguồn vốn trung và dài hạn.

Vị chuyên gia khẳng định đây chắc chắn sẽ là kênh cạnh tranh khá mạnh với ngân hàng trong thời gian tới khi mà cả các ngân hàng lẫn công ty tài chính đều nhắm tới huy động vốn trung dài hạn thông qua kênh chứng chỉ tiền gửi. Trong khi ngân hàng thì khó cho vay cao (thường chỉ từ 10-13% trung dài hạn ), còn công ty tài chính thì cho vay rất cao thậm chí lên đến trên 50% nên họ thoải mái đẩy lãi suất lên cao được.

Song ông Tín cũng bày tỏ lo ngại rằng, do hệ thống ngân hàng cũng đang bị khống chế tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn trong TT06 và gặp sự cạnh tranh về huy động vốn từ các công ty tài chính nên sẽ cố gắng đẩy lãi suất huy động lên cao qua chứng chỉ tiền gửi như một số nhà băng đang làm, từ đó sẽ làm cho lãi suất cho vay khó ổn định như chủ trương của Chính phủ và NHNN thậm chí sẽ tăng cao hơn dự báo.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên