MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Siêu uỷ ban” quản lý tài sản nhiều triệu tỷ đồng trước giờ G

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên họp hồi đầu tháng đã yêu cầu các đơn vị liên quan sớm tạo điều kiện để Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đi vào hoạt động trong tháng 10. Như vậy, sau hơn nửa năm thành lập, Uỷ ban này đang dần tiến sát đến mốc thời gian vào guồng chính thức.

6 nhóm vấn đề cần giải quyết từ nay đến cuối năm

Sự ra đời của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, ngay từ khi thành hình trên giấy, đã mang theo nhiều kỳ vọng thúc đẩy nhanh tái cơ cấu DNNN.

Theo quy định, 7 tập đoàn và 12 tổng công ty sẽ được chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Uỷ ban. Trong số những đơn vị được chuyển giao về, đáng chú ý có cả Tổng công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu nhà nước của 19 doanh nghiệp được bàn giao về Uỷ ban này là trên 820 nghìn tỷ đồng, tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp gần 1,5 triệu tỷ đồng. Điều này tương đương với Uỷ ban nắm giữ gần 50% giá trị vốn nhà nước và tài sản của khu vực DNNN. Cũng chính đây là nguyên nhân khiến Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước thường được biết dưới tên gọi "siêu uỷ ban".

Chủ tịch của Siêu Uỷ ban là ông Nguyễn Hoàng Anh, nguyên Bí thư tỉnh uỷ Cao Bằng. Một phó Chủ tịch đã được công bố là bà Nguyễn Thị Phú Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ KHĐT.

Với vai trò người "cầm trịch", ông Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh Uỷ ban này cần phải có những đổi mới, cải tiến trong cách thức tiếp nhận và triển khai nhiệm vụ. Uỷ ban cũng cần phải có đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn.

Theo đó, trong năm 2018, Chủ tịch của "siêu uỷ ban" đã đặt ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính, cần  triển khai ngay trong năm 2018. Những nhiệm vụ này bao gồm: Nhóm giải pháp về ổn định cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Ủy ban; Nhóm giải pháp về thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư; Nhóm giải pháp về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; Nhóm nhiệm vụ về quản trị doanh nghiệp; Nhóm giải pháp lấy sự phát triển làm mục tiêu; Nhóm về thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Nhiều băn khoăn còn bỏ ngỏ

Dù có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng do nắm giữ một lượng tài sản rất lớn của đất nước, nên kể từ khi xuất hiện, "siêu uỷ ban" đã là tâm điểm chú ý với nhiều băn khoăn được đặt ra.

Trong một cuộc họp hồi tháng 7, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (CIEM) cho biết có nhiều câu hỏi xung quanh cách thức tổ chức và trách nhiệm giải trình của Uỷ ban trong bối cảnh cơ chế giám sát hiện hành bị xem là thiếu hiệu lực, kém hiệu quả.

Nguyên do cơ chế giám sát yếu được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Để lịch sử không lặp lại, ông Trung đề nghị cần đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Trong đó, các biện pháp có thể tính đến như xây dựng hệ thống big dât, hạ tầng công nghệ thông tin, áp dụng cách thức giao chỉ tiêu nhiệm vụ rõ ràng, có đánh giá…

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế lại băn khoăn đến vấn đề trao quyền. Bà nói rằng Uỷ ban cần phải có quyền thực sự để giám sát. Bên cạnh đó, bà cho rằng cần thu hẹp các đầu mối giám sát bởi hiện nay quá nhiều bộ, ngành tham gia vào việc giám sát, trong khi hiệu quả lại không cao, điển hình là các DNNN làm ăn thua lỗ, thất thoát trong thời gian qua.

Hay như ông Phùng Văn Hùng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội thì đặt vấn đề về việc quản lý và sử dụng vốn nhà nước hiệu quả tại Uỷ ban này. Bên cạnh đó, với việc SCIC về Uỷ ban, vị này cũng băn khoăn chuyện làm sao để đơn vị này phát huy đúng hiệu quả mà vẫn đảm bảo tính thống nhất. Câu hỏi và hình ảnh của ông đặt ra cũng nhiều suy ngẫm khi "liệu có một nhà nước nhỏ trong một nhà nước lớn không?".

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM thì giữ quan điểm khi nói rằng Uỷ ban vẫn bị áp tư duy "quan chức, viên chức" một cách cứng nhắc.

Ông quan niệm Uỷ ban quản lý vốn cần phải được xem là một nhà đầu tư, không phải là một cơ quan quản lý nhà nước - như tên gọi của nó, do vậy, cần áp dụng những quy tắc bổ nhiệm, giao nhiệm vụ, đánh giá một cách khác biệt với cơ quan hành chính khác.

Bên cạnh đó, cách quản lý đầu tư, theo ông Cung nên là "impossible game". Nghĩa là giao nhiệm vụ rất cao, buộc những người đứng đầu phải tìm ra phương án để đạt được mục tiêu…

Tuy nhiên, dù vẫn tồn tại nhiều băn khoăn nhưng các chuyên gia cũng nhất trí việc không thể quá cầu toàn. "Siêu Uỷ ban" theo đó cần phải sớm đi vào hoạt động để dần dần có kinh nghiệm sửa chữa. "Cái gì phải làm mới thành công, còn nếu ngồi đó sợ, thì khó", một chuyên gia nói.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên