Sinh viên rầm rộ khởi nghiệp: Tiết lộ 'bí kíp'
Trong ngồn ngộn các dự án khởi nghiệp của sinh viên, nhiều dự án đã thành công. Để có được thành công bước đầu, các ông bà chủ trẻ phải có kỹ năng để vượt qua rất nhiều rào cản và cả những giây phút chông chênh...
- 21-08-2023Bỏ việc công nhân, người đàn ông khởi nghiệp bán vịt kho: Hốt bạc tỷ, trở thành món ăn vặt "hot hit" tại xứ Trung
- 19-08-2023Từ trào lưu bông lan trứng muối đến chuyện khởi nghiệp của nữ du học sinh Việt
- 17-08-2023Cô gái Trùng Khánh lấy chồng Mỹ, mượn tiền bố mẹ chồng khởi nghiệp: 5 năm sau mua 2 nhà, có hơn 70 tỷ đồng
Biết phân tích và nắm lấy cơ hội
Hàn Phương My, sinh viên ngành Ngôn ngữ, trường Đại học Ngoại thương bắt đầu hành trình khởi nghiệp của mình khi còn là một cô sinh viên năm 2. Bằng trải nghiệm và phân tích cá nhân, My thấy rằng, so với các món ăn “mặn”, thực phẩm từ rau, củ, quả rẻ hơn đáng kể, nhưng các món chay thường có giá ngang bằng hoặc thậm chí đắt hơn.
Trong khi đó, hiện nay nhiều người đã nhận ra việc ăn thiên về thực vật có lợi cho sức khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư... My nảy ra ý nghĩ, nếu có các sản phẩm chay chất lượng tốt, giá thành phù hợp, việc kinh doanh sẽ thành công. Thế rồi, My tìm đến nấm - một loại thực phẩm chay được nhiều người ưa chuộng và quyết định khởi nghiệp với sản phẩm ruốc nấm chay.
Hiện sản phẩm của My được bán hầu hết trên các kênh thương mại điện tử như Facebook, Tiktok, Shopee ... Có những ngày, đơn đặt hàng lên tới hàng trăm, cơ sở của My đóng gói không kịp để giao hàng. Hiện cơ sở của My làm ra 80 - 100kg mỗi ngày, bình quân một tháng bán được 1 tấn ruốc nấm chay. Đến nay, sau hai năm khởi nghiệp, My đã xây dựng cho mình một thương hiệu riêng. Không chỉ vậy, cô còn tạo ra việc làm cho những người bạn, gia đình của mình.
“Sinh viên khởi nghiệp sẽ thường gặp khó khăn về vốn và thời gian. Nếu bản thân không dám bứt phá thì sẽ không biết được thực sự mình sẽ đi được xa đến đâu. Tuy nhiên, cũng cần phải lường trước những rủi ro và cần tự biết sức lực hiện tại của mình, tránh ảnh hưởng tới người khác. Ví dụ như, việc vay quá nhiều tiền làm vốn khởi nghiệp mà không có đủ năng lực chi trả”, Hàn Phương My chia sẻ.
Nếu thất bại cũng không sao!
Nguyễn Hữu Khả là sinh viên năm 2 trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ. Hiện Khả là chủ của một nhà hàng buffet (đồ ăn tự chọn) chuyên về các món cuốn tại phố Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Nhà hàng chỉ có 12 bàn, giá thành bình dân nhưng gần như luôn lấp đầy khách vào buổi trưa và buổi tối, cho thấy Khả đã gần như nắm chắc phần thắng.
Trước khi bắt đầu khởi nghiệp , Khả đã từng phải đi phát tờ rơi, bốc vác và giao đồ ăn… Có lẽ, với kinh nghiệm sống đó, nhất là công việc giao đồ ăn đã giúp Khả quyết tâm mở nhà hàng. Ngoài giờ học trên lớp, tất cả thời gian còn lại Khả đi tìm hiểu thị trường, tìm nơi cung cấp thực phẩm chất lượng tốt. Thậm chí, việc sửa sang, bày biện nhà hàng Khả cũng tự làm phần nhiều.
Nhà hàng khai trương được 15 ngày, Khả đã quyết định đóng cửa vì không có khách. Rất nhanh, quán đã hoạt động trở lại với nhiều thay đổi rõ nét; chất lượng, giá thành bữa ăn phù hợp với mức sống của người dân, nhất là giới trẻ quanh khu vực nhà hàng của Khả. “Nếu thất bại cũng không sao vì mình thất bại sớm và sẽ có cơ hội để làm lại”, Khả vui vẻ nói.
Lê Thị Quỳnh Như sinh viên năm 3 trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khởi nghiệp với việc chế biến đồ ăn. Quỳnh Như dùng chính phòng trọ của mình để chế biến những món đồ ăn vặt nhiều người yêu thích. Nhờ khéo tay chế biến và có duyên bán hàng, mỗi ngày, Như bán được 20 - 30 đơn. Quỳnh Như bắt tay vào công việc này không phải vì một tham vọng lập nghiệp gì to tát mà trước mắt cần tiền để chi trả mọi chi phí trong thời gian trọ học tại Hà Nội.
“Nếu các bạn muốn khởi nghiệp như mình, trước hết hãy tìm hiểu nhu cầu của khách hàng. Thứ hai là xác định khả năng của mình và thứ ba, nên bắt đầu bằng mô hình ít vốn để tránh rủi ro ”, Như đưa ra lời khuyên.
“Khi bắt đầu bán hàng online, mình rất khó cân đối việc học tập. Tuy nhiên, mình quyết tâm phân chia rạch ròi thời gian học và bán hàng nên kết quả học tập vẫn tốt”.
Lan, sinh viên năm thứ 3 ngành Sư phạm tại Hà Nội chia sẻ
Khởi nghiệp vẫn có thể học tốt
Việc xử lý mối quan hệ giữa học tập và khởi nghiệp, giữa thu nạp kiến thức và kiếm tiền là thách thức không nhỏ với các ông bà chủ trẻ. Với mong muốn độc tập tài chính, kiếm thêm thu nhập, Lan (tên nhân vật đã được thay đổi), sinh viên năm ba một trường sư phạm tại Hà Nội đã bắt đầu hành trình khởi nghiệp bán hàng online . Ban đầu, Lan bán những mặt hàng phù hợp với học sinh, sinh viên rồi tiến tới nhập nhiều mặt hàng từ quần áo, đồ gia dụng... Đến nay, số lượng khách hàng của Lan ngày càng lớn, công việc khởi nghiệp cũng trở nên thuận lợi.
Điều đáng mừng là Lan luôn cố gắng để cân bằng giữa việc học và đam mê bán hàng của mình. Ban đầu, việc đó rất khó khăn bởi ngành học và công việc không liên quan đến nhau. Dần dần, Lan cố gắng phân chia rạch ròi thời gian học và bán hàng. Không chỉ có kết quả học tập như mong đợi mà thu nhập từ việc bán hàng đã giúp Lan trang trải cuộc sống.
“Mặc dù là nghề tay trái, mục đích chủ yếu là kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống sinh viên xa quê. Nhưng nay nhìn lại, mình thấy khởi nghiệp đã giúp học hỏi được nhiều kinh nghiệm, thấy được giá trị của cuộc sống, thấy sự cần thiết của việc kiên trì…”, Lan chia sẻ.
Nói về tương lai, cô chủ nhỏ rành rọt: “Dù là giáo viên, mình hoàn toàn có thể tiếp tục bán hàng, hoặc thuê thêm người làm cùng để mở rộng. Nếu cần tiền, mình bán luôn mô hình này cũng có một số tiền kha khá để làm việc khác”.
Tiền phong