MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sinh viên tốt nghiệp trường top vẫn thất nghiệp: Do không đủ năng lực hay quá ảo tưởng vào tấm bằng của bản thân?

26-04-2022 - 09:24 AM | Sống

Hiện nay, có rất nhiều sinh viên ở trường top đầu sau khi tốt nghiệp đã nhanh chóng "biến mất" khỏi thị trường lao động. Vậy nguyên nhân xuất phát từ đâu?

Có người từng nói với tôi: "Nếu bạn không sinh ra trong gia đình có quyền có thế, điều kiện kinh tế cũng không thuộc dạng giàu có, bạn sẽ dễ bị hỏi ngược lại một câu khi đi phỏng vấn: Tại sao học trường đại học bình thường?". Bởi dù ít dù nhiều, trong mắt nhiều người, có được tấm bằng ở những trường top đầu như Ngoại thương, Bách khoa, Y Hà Nội... vẫn có giá trị hơn những tấm bằng tương đương của một trường chẳng mấy tên tuổi. Thế nhưng sự thật có đúng vậy không thì hãy nhìn cách thời gian trả lời.

Nhiều năm về trước, tôi tình cờ gặp một cậu học sinh, cậu nói đam mê của cậu là thi đỗ vào khoa Công nghệ thông tin của trường Đại học top đầu. Thế nhưng vài tháng sau đó, điểm thi Đại học không cho phép cậu vào đúng chuyên ngành và ngôi trường mơ ước. Vậy là, dưới sự "định hướng" của giáo viên chủ nhiệm và gia đình, cậu vẫn điền nguyện vọng là ngôi trường top đầu đó, song chuyên ngành thì đã chuyển thành 4 chữ: Kỹ thuật sinh học.

Cậu học sinh vẫn duy trì thành tích học tập tốt. Thậm chí cậu còn học tiếp một bằng Thạc sĩ với chuyên ngành mình lựa chọn. Thế nhưng sau khi tốt nghiệp, cậu mới nhận ra bản thân không phù hợp với công việc trong lĩnh vực Kỹ thuật sinh học, và bắt đầu tìm hướng đi mới trong đam mê năm xưa là Công nghệ thông tin.

Mặc dù thời đại học, cậu vẫn tự mày mò kiến thức về máy tính hay lập trình, song khoảng cách giữa cậu và các sinh viên chuyên ngành vẫn còn rất xa. Cậu nói, thời điểm nộp hồ sơ vào 5 công ty công nghệ hàng đầu ở thủ đô, dù tốt nghiệp với tấm bằng Thạc sĩ ở trường đại học top đầu, thế nhưng đó cũng không là "tấm vé" giúp cậu nhận được cái gật đầu của chủ doanh nghiệp.

Sinh viên tốt nghiệp trường top vẫn thất nghiệp: Do không đủ năng lực hay quá ảo tưởng vào tấm bằng của bản thân? - Ảnh 1.

Trong buổi nói chuyện chỉ có những người bạn, cậu tâm sự với tôi rằng đã tiếc nuối vì dành thời gian tuổi trẻ quá nhiều cho chuyên ngành mình không yêu thích. Cậu tiếc rẻ kể về một người bạn, tốt nghiệp trường không mấy tên tuổi, thế nhưng giờ đây tự đứng startup một công ty công nghệ.

Suy cho cùng, thật khó để đưa ra một lời khuyên hay giải đáp hợp lý cho câu chuyện của người bạn. Thầm nghĩ nếu quay lại thời điểm năm 18 tuổi, cậu vẫn ôm khát vọng đăng ký khoa Công nghệ thông tin, của một trường danh tiếng nhưng số điểm "dễ thở" hơn, cậu có còn ngồi đây than trách với tôi về cuộc sống sau này?

Dĩ nhiên là tôi không bao giờ có được câu trả lời. Nhưng ít nhất, tôi tin với khả năng tự học và đam mê đó của cậu, cậu ta dễ dàng có được công việc trong lĩnh vực mình yêu thích, không phải chật vật gây dựng lại sự nghiệp ở tuổi 30.

Và hẳn nhiên, cậu bạn tôi không phải trường hợp duy nhất trong vô vàn sinh viên bước ra từ những trường Đại học top đầu rồi đột nhiên "biến mất" khỏi thị trường lao động. 

Kỳ thi đại học là "đường tới trường" của con hay là giấc mơ của cha mẹ?

Tôi có một người quen, làm trong Ban tuyển sinh của trường Đại học. Hàng năm, cứ đến tầm tháng 4, tháng 5 là điện thoại của cô như muốn "nổ tung" vì hàng trăm cuộc gọi hỏi thông tin các khoa, nhờ tư vấn chọn ngành, chọn trường cho con… của nhiều cha mẹ. Một công việc mà đáng lẽ, nên thuộc về các em học sinh.

Hoặc có rất nhiều trường hợp, thí sinh đủ điểm đỗ vào những trường danh tiếng, nhưng trong quá trình làm thủ tục dự thi lại phân vân không biết nên chọn chuyên ngành đam mê hay một chuyên ngành an toàn.

Con muốn học ngành nhân văn, dự định sau khi tốt nghiệp sẽ học lên tiến sĩ, thế nhưng bố mẹ thấy ngành này không "an toàn", rất khó tìm việc trong tương lai. Ngược lại, kinh tế là một ngành nghề luôn đứng top của trường, vì vậy họ yêu cầu con phải học kinh tế. Vì không có tiếng nói trong gia đình, đứa trẻ liền từ bỏ đam mê và đăng ký nguyện vọng theo bố mẹ.

Suy cho cùng, cha mẹ nào mà chẳng yêu thương, muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con cái. Thế nhưng liệu nhiều phụ huynh có đang can thiệp quá sâu vào quyền quyết định tương lai của người trẻ?

Trên thực tế, nếu nhiều năm về trước, kết quả học tập của con không tốt, gia đình có thể chấp nhận cho con học trường Đại học top 2 hay top 3 hay trường nghề cũng là lựa chọn đáng cân nhắc. Thế nhưng, thực tế, hiếm có cha mẹ nào dễ hài lòng khi con ghi danh vào một trường kém danh tiếng.

Mặc cho rất nhiều bài báo, hay truyền thông đưa tin về trường hợp sinh viên trường top đầu rơi vào cảnh thất nghiệp, song các trường Đại học với điểm chuẩn cao chót vót vẫn chiếm vị trí đầu trong bộ hồ sơ đăng ký của nhiều thí sinh. Không thể phủ nhận khi sinh viên học các trường này sẽ có nhiều đặc quyền ưu tiên hơn hẳn, chẳng hạn như môi trường giáo dục, không khí học tập cạnh tranh từng ngày, hoặc... đôi chút tự hào khi là sinh viên trường top.

Song khi ngày càng nhiều người tốt nghiệp đại học thâm nhập thị trường lao động, làm cho thị trường này trở nên bão hòa, các tiêu chuẩn lựa chọn nhân tài của doanh nghiệp sẽ trở nên nghiêm ngặt và khắt khe hơn. Khi đó, nhà tuyển dụng nhìn vào không chỉ là tấm bằng của bạn, mà còn là số năm kinh nghiệm, khả năng lãnh đạo, vốn ngoại ngữ... và rất rất nhiều yếu tố khác.

Sinh viên tốt nghiệp trường top vẫn thất nghiệp: Do không đủ năng lực hay quá ảo tưởng vào tấm bằng của bản thân? - Ảnh 2.

Những ngày gần đây, tình cờ tôi biết một anh chàng YouTuber khá nổi tiếng, từ một sinh viên học trái ngành lên làm quản lý một doanh nghiệp trong khoảng 5 năm. Anh từng nói: "Tấm bằng đại học chỉ là tấm vé cho bạn qua... vòng CV. Còn muốn đi lâu đi dài, quan trọng nhất vẫn là nội lực bên trong". Ở độ tuổi 27, anh chàng tiếp tục đi học Thạc sĩ với công việc hiện tại, đạt được mức lương lý tưởng và tự chủ cuộc sống giữa thành phố đắt đỏ.

Tất nhiên, với mỗi ngành nghề lại có những tiêu chuẩn, yêu cầu khác nhau trong công việc. Thế nhưng có một điều mà nhiều sinh viên tốt nghiệp đã tâm sự với tôi, hóa ra tấm bằng Đại học ở trường top đầu cũng không quan trọng đến thế. Nếu bạn không chịu trau dồi bản thân, đủ yêu thích để tiếp tục bước đi mặc kệ những mảng sáng tối trong ngành, có lẽ việc "biến mất" khỏi thị trường lao động cũng không quá khó hiểu.

Mùa đông năm ấy, cậu bạn tôi vẫn quyết tâm gây dựng lại sự nghiệp liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin với hai bàn tay trắng. Nhưng khi bắt đầu nộp đơn vào những công ty công nghệ, cậu mừng thầm vì bản thân đã rời khỏi được công việc ở nhà máy với những người đồng nghiệp không cùng chung quan điểm. Và quan trọng hơn, cậu vẫn còn cơ hội sửa sai và không để sự thất vọng chiếm lấy bản thân mà vẫn tiếp tục làm công việc mà cậu nghĩ là tốt nhất.

Sinh viên tốt nghiệp trường top vẫn thất nghiệp: Do không đủ năng lực hay quá ảo tưởng vào tấm bằng của bản thân? - Ảnh 3.

Vậy với những phụ huynh hay học sinh sắp bước vào kỳ thi Đại học sắp tới, bạn có thể làm gì? Đơn giản là mỗi học sinh hãy dũng cảm bước theo định hướng mình muốn chọn. Lắng nghe ý kiến người đi trước là điều tốt, song hãy cân nhắc đâu là công việc bạn muốn gắn bó và đầu tư lâu dài cho nó.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần học cách tôn trọng quyết định con cái, để các em tự lựa chọn những bước đầu tiên khi trưởng thành. Biết rằng rất khó để yêu cầu phụ huynh dám chấp nhận mọi ước mơ của con. Nhưng nếu không làm được thế, các em không thể nỗ lực hết mình với lựa chọn của bản thân, sau cùng sống tốt một cuộc đời mà không nuối tiếc.

https://kenh14.vn/sinh-vien-tot-nghiep-truong-top-van-that-nghiep-do-khong-du-nang-luc-hay-qua-ao-tuong-vao-tam-bang-cua-ban-than-20220425230608377.chn

Theo Dương

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên