Sinh viên Trung Quốc bị bắt cóc ở Canada giữa tâm "bão" Huawei
Sinh viên Trung Quốc 22 tuổi đã bị bắt cóc ở Markham – Canada, Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Toronto xác nhận hôm 24-3.
- 21-03-2019Đức chống lại sức ép của Mỹ về Huawei
- 13-03-2019Thủ tướng Đức lên tiếng sau khi bị Mỹ gây sức ép vụ Huawei
- 11-03-2019Điện thoại gập của Huawei sẽ là ác mộng cho Apple ở Trung Quốc?
Báo China Daily dẫn lời cảnh sát khu vực cho biết sinh viên Wanzhen Lu bị một nhóm người vũ trang đeo mặt nạ bắt cóc trong hầm để xe của một chung cư.
Theo người phát ngôn Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Toronto, họ đã liên lạc với cảnh sát địa phương, yêu cầu giải cứu Lu càng sớm càng tốt, đồng thời thông báo cho gia đình của sinh viên này.
Ba nghi phạm vũ trang đã ép Lu vào một xe tải nhỏ màu đen. Cảnh sát nói rằng có 4 nghi phạm đã thực hiện vụ bắt cóc, bao gồm cả tài xế.
Sinh viên Wanzhen Lu. Ảnh: China News
Trong đoạn video do camera giám sát ghi lại, 3 nghi phạm đội mũ trùm đầu để che chắn một phần khuôn mặt. Báo China Daily cho hay xe của các nghi phạm không có biển số trước, còn biển số sau là biển số ăn cắp, số hiệu CEAR350.
Phát ngôn viên cảnh sát khu vực York Andy Pattenden mô tả đây là một vụ bạo lực.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Canada trở nên căng thẳng từ đầu tháng 12 năm ngoái sau khi cảnh sát Canada bắt giữ Giám đốc tài chính tập đoàn Huawei, bà Meng Wanzhou, theo yêu cầu của Mỹ vì tình nghi vi phạm lệnh trừng phạt thương mại đối với Iran.
Vài ngày sau, Trung Quốc bắt giữ 2 người Canada gồm cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor vì tình nghi "gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Trung Quốc". Một công dân Canada khác, ông Robert Schellenberg, cũng bị tòa án Trung Quốc kết án tử hình về tội buôn lậu 222 kg ma túy đá.
Hôm 3-3, các luật sư của bà Meng thông báo khởi kiện chính phủ, cơ quan biên giới và cảnh sát hoàng gia Canada tại Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia.
Đơn kiện viết rằng thay vì bắt giữ bà Meng ngay lập tức, nhà chức trách Canada lại thẩm vấn người phụ nữ "dưới vỏ bọc của một cuộc kiểm tra hải quan thông thường, tìm cách buộc bà Meng cung cấp bằng chứng và thông tin".
Người Lao động