So kè "sức khoẻ tài chính" của hai ông lớn bán vàng: SJC doanh thu tỷ đô nhưng lãi cực mỏng, PNJ nợ vay chiếm tới non nửa vốn chủ sở hữu
Khi giá vàng liên tục phá đỉnh, cả hai ông lớn ngành vàng PNJ và SJC đều có kết quả kinh doanh tích cực. Nếu SJC là thương hiệu thuộc sở hữu nhà nước, độc quyền vàng miếng 12 năm nay, thì đối thủ của họ - PNJ lại là thương hiệu tư nhân, chuyên doanh vàng trang sức.
Trong một thập kỷ kinh doanh, SJC và PNJ liên tục rượt đuổi nhau về doanh thu. Trong giai đoạn từ 2014-2020, SJC dẫn trước đối thủ về chỉ số này, tuy nhiên, bước ngoặt xuất hiện từ năm 2021.
Trong năm đầu tiên chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh thu PNJ lần đầu vượt SJC. Cụ thể, doanh nghiệp độc quyền vàng miếng đạt doanh thu 17.689 tỷ đồng. Con số này ở PNJ lần đầu tiên nhình hơn vào năm 2021, đạt 19.735 tỷ đồng.
Từ sau đại dịch, PNJ luôn duy trì mức doanh thu trên 33.000 tỷ đồng hàng năm. Tính bình quân trong một thập kỷ, tốc độ tăng trưởng doanh thu của SJC đạt 12%/năm, còn tại PNJ là 17%/năm.
So kè doanh thu từng chút, tuy nhiên, câu chuyện lợi nhuận của hai ông lớn ngành vàng lại hoàn toàn ngược chiều nhau.
Nếu lợi nhuận của PNJ được cải thiện theo từng năm, chỉ chững lại ở giai đoạn Covid-19 thì chỉ số này tại SJC gần như đi ngang. Theo đó, trong một thập kỷ kinh doanh, mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình của SJC chỉ đạt hơn 12,5%, trong khi, tại PNJ gấp gần 3 lần, đạt 35%.
Doanh thu cao, song lợi nhuận thấp cũng khiến biên lợi nhuận của SJC duy trì mức thấp trong suốt gần 1 thập kỷ qua. Trong khi, đối thủ PNJ duy trì biên lợi nhuận từ 2-7%, tùy từng giai đoạn. Điều này có thể lý giải dựa trên đặc thù kinh doanh của từng doanh nghiệp. Tại SJC, do đặc thù kinh doanh vàng miếng, nên dù thuộc câu lạc bộ doanh nghiệp tỷ USD, công ty này mỗi năm chỉ mang về biên lợi nhuận cực mỏng, trung bình khoảng 0,3%.
Một khác biệt nữa của hai ông lớn kinh doanh kim loại quý nằm ở "đòn bẩy tài chính" – nợ. Trong khi, PNJ luôn sử dụng đòn bẩy tài chính chiếm gần 45% nguồn vốn, SJC chỉ duy trì mức nợ rất ít, chiếm trung bình chưa đầy 9% tổng số vốn trong 10 năm qua.
Cuối cùng, trong khi tổng tài sản của PNJ trì trạng thái tăng liên tục thì SJC gần như không biến đổi.
Năm nay, SJC tiếp tục đặt mục tiêu doanh thu hơn 30.145 tỷ đồng, giảm gần 1% so với so với kế hoạch năm 2023. Trong đó, mức lãi kỳ vọng trong năm 2024 được nâng lên mức 70 tỷ đồng. Nếu thành công, đây sẽ là năm thứ ba liên tiếp SJC đạt doanh thu hơn 1 tỷ USD và ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất trong 6 năm qua. Để hoàn thành mục tiêu này, tập trung đầu tư sản xuất kinh doanh nữ trang. Họ đặt mục tiêu trở thành một trong những doanh nghiệp đầu ngành về sản xuất và kinh doanh nữ trang, mở rộng sang thị trường Đông Nam Á.
Còn tại đại hội đồng cổ đông 2024, PNJ thông qua mục tiêu doanh thu đạt 37.147 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.089 tỷ đồng. Trong đó, mảng trang sức tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, đóng góp 66,8% vào tổng doanh thu chung của công ty.
An Ninh Tiền Tệ