Số lượng kỳ lân khởi nghiệp không ngừng gia tăng bất chấp đại dịch Covid-19
Số lượng kỳ lân đã tăng đáng kể trong bối cảnh đầu tư mạo hiểm tăng đột biến, khiến năm 2021 trở thành năm kỷ lục đối với các công ty khởi nghiệp tư nhân đạt được vị thế kỳ lân (trên 1 tỷ USD).
- 01-12-2021PMI tháng 11 tăng nhẹ lên 52,2 điểm
- 01-12-2021Trỗi dậy sau khủng khoảng 3: Việt Nam - Ngôi sao mới của thị trường vốn cổ phần tư nhân
- 20-11-2021Chân dung chàng trai 25 tuổi làm Giám đốc quỹ đầu tư khởi nghiệp 10.000 tỷ: Không phải dân du học, khởi nghiệp từ năm 2, ra trường đầu quân cho CJ và Lotte
Có 38 kỳ lân được định giá trên 10 tỷ USD
Các công ty Mỹ thống trị danh sách kỳ lân khởi nghiệp, trong khi các công ty startup ở Ấn Độ nhận được nhiều vốn hơn trong bối cảnh Trung Quốc có chính sách mạnh tay với các công ty công nghệ. Lĩnh vực phần mềm và dịch vụ Fintech, internet, trí tuệ nhân tạo và y tế tạo ra nhiều kỳ lân nhất trong năm nay. Theo dữ liệu từ CB Insights, tính đến ngày 20/8/2021, có 38 kỳ lân được định giá từ 10 tỷ USD trở lên.
Tính đến ngày 20/8/2021, có 801 kỳ lân trên khắp thế giới với giá trị tích lũy lên tới 2,6 nghìn tỷ USD, theo số liệu của hãng phân tích thị trường CB Insights. Các kỳ lân này có trụ sở tại 41 quốc gia và trải rộng trên 215 thành phố. Trong số 801 startup kỳ lân, có 316 công ty đạt trạng thái kỳ lân trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2021 đến ngày 20/8/2021.
CB Insights cho biết, các khoản đầu tư mạo hiểm vào các công ty khởi nghiệp đang bùng nổ trong năm nay, dẫn đến số lượng kỳ lân mới ngày càng tăng. Các công ty khởi nghiệp trên toàn cầu đã huy động được 292,4 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021, tăng 140% so với cùng kỳ năm ngoái. Có 249 kỳ lân mới được tạo ra trong nửa đầu năm 2021, so với năm 2020 chỉ có tổng cộng 128 kỳ lân mới.
Mỹ có số lượng kỳ lân cao nhất với 402, tiếp đến là Trung Quốc (158), Ấn Độ (40) và Anh (31). Trong 8 tháng đầu năm 2021, Mỹ đã bổ sung 184 kỳ lân mới, chiếm khoảng 58% trong tổng số 316 kỳ lân mới trên toàn cầu.
Ấn Độ được hưởng lợi nhiều nhất từ việc Trung Quốc áp dụng chính sách siết chặt đối với các công ty công nghệ, nhờ đó các công ty khởi nghiệp ở Ấn Độ nhận được dòng vốn đầu tư mạo hiểm cao kỷ lục. Năm nay, Ấn Độ đã có thêm 16 công ty kỳ lân, bao gồm Digit Insurance, Eruditus Executive Education, ShareChat và Infra.Market. Với mức định giá 16,5 tỷ USD, nhà cung cấp giáo dục trực tuyến Byju's đã vượt qua công ty mẹ của Paytm là One97 Communications để trở thành công ty khởi nghiệp giá trị nhất ở Ấn Độ sau khi huy động được khoảng 350 triệu USD vốn mới vào tháng 6 vừa qua. Byju's là kỳ lân có giá trị thứ 14 trên thế giới tính đến ngày 20/8/2021.
Fintech "đẻ" ra nhiều kỳ lân nhất
Phần mềm, dịch vụ Fintech và internet là những lĩnh vực sản sinh ra nhiều kỳ lân nhất. Trong số 801 kỳ lân trên toàn thế giới, 19,1% trong số họ tham gia vào lĩnh vực fintech, 16,5% trong phần mềm và dịch vụ internet, 10,7% trong thương mại điện tử và trực tiếp đến người tiêu dùng, 8,4% trong trí tuệ nhân tạo và 7,1% trong chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó, fintech chiếm 27,5% trong số 316 kỳ lân mới được thêm vào danh sách trong 8 tháng đầu năm 2021, tiếp theo là phần mềm và dịch vụ internet (21,5%) và chăm sóc sức khỏe (8,5%).
Có gần 40 kỳ lân được định giá từ 10 tỷ USD trở lên. Đáng chú ý, công ty thanh toán Thụy Điển Klarna, nền tảng giao hàng tạp hóa Instacart của Mỹ, ngân hàng Revolut của Vương quốc Anh và ngân hàng Brazil Nubank là một trong những công ty kỳ lân có giá trị cao nhất. Klarna là công ty kỳ lân có giá trị cao nhất ở châu Âu, được định giá 45,6 tỷ USD sau khi huy động được 639 triệu USD vào tháng 6/2021.
Ở khu vực Đông Nam Á, có thêm nhiều công ty khởi nghiệp trở thành kỳ lân nhờ nguồn vốn mạnh mẽ từ thị trường cổ phần tư nhân và sự gia tăng tầng lớp trung lưu. Chỉ riêng trong năm 2021, 19 công ty khởi nghiệp trong khu vực này đã tăng định giá lên trên 1 tỷ USD, theo báo cáo mới đây của Credit Suisse về các công ty khởi nghiệp tại ASEAN.
Credit Suisse cho rằng, một số quốc gia ASEAN gồm 6 nước như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam có nhân khẩu học trẻ nhất trên thế giới, có nghĩa là khu vực này có khả năng sẵn sàng áp dụng các công nghệ mới hơn, và đây cũng là một trong những mảnh đất nuôi dưỡng tiềm năng các thế hệ kỳ lân tiếp theo.
Hiện tại, 2 kỳ lân công nghệ tại Việt Nam được biết đến nhiều là VNG với doanh số chủ yếu từ phân phối kinh doanh game online; và VNLife - doanh nghiệp sở hữu ứng dụng thanh toán trực tuyến có giá trị tỷ USD là VNPay.
Cái tên kỳ lân công nghệ thứ 3 của Việt Nam được nhắc đến nhiều gần đây là Sky Mavis – một startup có trụ sở tại TPHCM và một số thành viên sáng lập là người Việt, đang sở hữu và vận hành game Axie Infinity - game được xây dựng trên công nghệ blockchain, vừa được định giá hơn 2 tỷ USD./.
VOV