MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sợ mất cơ hội, nhiều nhà đầu tư như “ngồi trên đống lửa” lao vào BĐS ngay đầu năm mới

22-02-2022 - 09:45 AM | Bất động sản

Sợ mất cơ hội, nhiều nhà đầu tư như “ngồi trên đống lửa” lao vào BĐS ngay đầu năm mới

Tiếc nuối khi không chốt được giao dịch, bỏ lỡ cơ hội tiền tỉ ở BĐS tỉnh, nhiều nhà đầu tư như “ngồi trên đống lửa” khi vào thị trường sau Tết nguyên đán.

Dù đã tìm hiểu kỹ thị trường và xác định mua mảnh đất hơn 4.000m2 anh anh V và nhóm bạn lại bị "vụt mất cơ hội" ngay phút cuối do người khác trả giá cao hơn. Đây là mảnh đất anh V xác định sẽ có lời khoảng trên dưới 500 triệu đồng nếu lướt sóng. Trong khi để phân lô thì mức lời sẽ cao hơn.

Những ngày qua anh V và nhóm bạn đầu tư liên tục tìm kiếm đất để đầu tư tại tỉnh lân cận Sài Gòn. Sức nóng đầu năm tăng nhiệt khi hoạt động mua bán, chuyển nhượng âm thầm diễn ra ở một số khu vực. Tuy vậy, theo cách anh V chia sẻ, hiện nguồn hàng có vị trí đẹp, giá mềm đã khan hiếm khi mà nhiều NĐT đổ về, hiệu ứng tăng giá bắt đầu thấy rõ. Vì thế những lô đất nông nghiệp có mức giá từ 600-700 triệu đồng/1.000m2 (vị trí ổn) đã không còn hàng. Thậm chí, có hiện tượng NĐT giành nhau để lấy được nguồn hàng. Đây cũng chính là những lô đất được chuyển nhượng qua tay một số NĐT, và có thể đạt đỉnh giá lên đến khoảng 2 tỉ đồng/1.000m2 nếu vị trí đẹp, tiềm năng.

Thực tế, sau Tết Nguyên đán, nhiều NĐT lâu năm "đứng ngồi không yên" với thị trường tỉnh. Một số khu vực, khi mặt bằng giá đất vườn, đất nông nghiệp còn ở mức thấp đã được NĐT săn đón trước Tết và chốt lợi nhuận sau Tết. Trong khi những NĐT đi sau thường sẽ mua phải giá cao hơn nhưng vẫn ra được hàng, thậm chí không có sản phẩm để mua vào.

Tâm lý sợ mất cơ hội này đang diễn ra ở các NĐT địa ốc khi vào thị trường sau Tết nguyên đán. Từ dó, thôi thúc dòng tiền khó có thể "nằm im", đặc biệt khi kỳ vọng vào thị trường bất động sản của họ ngày một lớn.

Sợ mất cơ hội, nhiều nhà đầu tư như “ngồi trên đống lửa” lao vào BĐS ngay đầu năm mới - Ảnh 1.

Một số nhà đầu tư cho rằng, thị trường bất động sản không có nhiều nguồn cung mới, khiến nhiều nhóm NĐT khó tìm dự án tốt để đầu tư. Có một số nhóm đầu tư quen đầu tư sản phẩm lớn nhưng không có nguồn hàng tốt cũng khiến họ như "ngồi trên đống lửa", sợ vụt mất cơ hội kiếm tiền tỉ, nhất là ở các khu vực đang có tiềm năng lớn.

Từ thời điểm cuối năm 2021 đến nay nhận thấy, khá nhiều NĐT có dòng tiền tốt vẫn tìm cách để bỏ tiền vào BĐS. Như vậy để thấy, sau dịch tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân chịu áp lực dòng tiền là có, nhưng chủ yếu là các nhà đầu tư phụ thuộc nhiều vào vốn vay, còn người dùng "tiền thịt" thì cơ bản vẫn ổn định, thậm chí còn tranh thủ cơ hội gom được hàng tốt giá rẻ từ những nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính.

Chưa kể, thị trường BĐS gần đây cũng được bổ sung một lượng không nhỏ các nhà đầu tư F0 chốt lời chứng khoán hay rút tiền tiết kiệm tham gia vào bất động sản, khiến hoạt động mua bán có dấu hiệu rục rịch từ thời điểm đầu năm đến nay. Dù lực lượng F0 không đủ sức khuấy đảo thị trường nhưng theo nhận định của một số chuyên gia, đây là lực lượng tham gia thị trường một cách hăng hái, mang tâm trạng hồ hởi, tạo hiệu ứng nhất định đối với thị trường BĐS.

Chia sẻ trước đó, ông Lê Quốc Kiên, nhà đầu tư kì cựu tại Tp.HCM cho rằng, tham gia thị trường BĐS, mỗi NĐT sẽ có mục tiêu ưu tiên khác nhau, có người "cần sự an toàn" "giữ tài sản tránh mất giá đồng tiền", có người chủ đích "làm giàu".

Trong giai đoạn khó khăn 2021 - 2023, theo NĐT này "Option 1 - cần sự an toàn" có thể sẽ lên ngôi. Lựa chọn này cần các sản phẩm có thể thanh khoản nhanh chóng, dễ dàng. Để thanh khoản tốt thì sản phẩm phải có pháp lý rõ ràng; có thể sử dụng được ngay (ví dụ nhà phố/chung cư có thể ở hay cho thuê ngay, nhà xưởng có thể cho thuê ngay, hay nhà cho thuê có thu nhập đều,...); và đặc biệt được ngân hàng sẵn sàng cho vay trên 70% giá thị trường.

Cùng với đó, các sản phẩm phù hợp cho ưu tiên "làm giàu nhanh" như: Pháp lý chưa chắc chắn (BĐS hình thành tương lai), đất nền ở xa mua xong để đó chờ tăng giá không sử dụng liền, hoặc BĐS nghỉ dưỡng đang quá dư cung – thiếu cầu,… sẽ phù hợp với những người có tiền nhàn rỗi, không bị áp lực đòn bẩy ngân hàng, và có thể không cần đụng tới khoản tiền này trong thời gian ít nhất đến 2023-2024.

Như vậy, với những NĐT có tiền nhàn rỗi sẵn thường mang tâm lý "chấp nhận rủi ro, nhưng lời cũng lớn". Vì thế, họ chính là đối tượng mang tâm trạng sợ mất cơ hội, hoặc "nóng ruột" khi chưa có sản phẩm để mua – bán. Họ cũng là những người biết trước được thị trường và không lún sâu vào cơn sốt nóng bất thường.

Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, với những nhà đầu tư có sẵn nguồn vốn hoặc người có nhu cầu ở thực, hiện là điểm thích hợp để "xuống tiền", nhưng sẽ là rủi ro đối với nhà đầu tư "lướt sóng" ngắn hạn bởi thị trường chưa hồi phục rõ nét, đặc biệt với người sử dụng tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao.

https://cafef.vn/so-mat-co-hoi-nhieu-nha-dau-tu-nhu-ngoi-tren-dong-lua-lao-vao-bds-ngay-dau-nam-moi-20220221233734638.chn

Hạ Vy

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên