MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Số phận đường sắt đô thị đầu tiên của láng giềng Việt Nam: "Mộ đá chết" giữa lòng thủ đô

07-11-2021 - 09:29 AM | Tài chính quốc tế

Số phận đường sắt đô thị đầu tiên của láng giềng Việt Nam: "Mộ đá chết" giữa lòng thủ đô

Dự án đường sắt và đường cao tốc trên cao ở Thái Lan đã bị hủy bỏ sau khi nhà thầu Trung Quốc chỉ hoàn thành 13% hạng mục sau 7 năm làm việc.

Hệ thống đường tàu và đường trên cao Bangkok (BERTS) hay còn được biết đến với tên gọi Dự án Hopewell (theo tên nhà thầu chính Hopewell Holdings), là một dự án thất bại trong việc xây dựng đường cao tốc và đường sắt trên cao từ trung tâm Bangkok đến Sân bay Quốc tế Don Mueang.

Việc xây dựng bắt đầu vào năm 1990, nhưng đã bị chính phủ của Anand Panyarachun hoãn lần đầu vào năm 1992, và cuối cùng bị đình chỉ vĩnh viễn bởi thỏa thuận pháp lý vào năm 1997 trong khi chỉ có 10-13% hạng mục được hoàn thành. Dự án đã bị hủy bỏ hoàn toàn vào năm 1998.

Mộ đá giữa lòng Bangkok

Do có hình dáng giống với những tảng đá dựng đứng nổi tiếng ở Anh, công trình này còn được đặt biệt danh hài hước là "Stonehenge của Thái Lan" (các nhà nghiên cứu cho rằng công trình đá bí ẩn Stonehenge của nước Anh từng được dùng làm nơi chôn cất từ khi nó mới được dựng lên và kéo dài suốt mấy trăm năm sau đó).

Đến năm 2021, các cột trụ của Dự án Hopewell vẫn "đứng sừng sững" giữa Bangkok.

Dự án 80 tỷ baht (3,2 tỷ USD) được phê duyệt vào ngày 9/11/1990 dù không có nghiên cứu về độ khả thi hoặc thời hạn hoàn thành rõ ràng. Đây là dự án chung của Bộ Giao thông Vận tải Thái Lan, Đường sắt Nhà nước Thái Lan (SRT), và chi nhánh Thái Lan của Hopewell Holdings, một công ty của Hong Kong, Trung Quốc. Có 3 giai đoạn xây dựng chính: đầu tiên là tuyến Bắc-Nam từ Ga Tàu Hua Lamphong, ga xe lửa chính của Bangkok, đến Sân bay Quốc tế Don Mueang; tuyến thứ 2 là từ quận Taling Chan đến Hua Mak; và tuyến thứ 3 tới ga cuối. 3 tuyến có tổng chiều dài 60km.

Theo dự kiến, phần đầu tiên của dự án sẽ được đưa vào hoạt động vào tháng 12/1995, phần còn lại hoàn thành vào tháng 12/1999. Tuy nhiên, việc xây dựng đã ngừng vào tháng 8/1997 trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, khi chỉ có khoảng 10% hoàn thành tiến độ. Ông Gordon Wu của công ty Hopewell đổ lỗi cho chính phủ Thái Lan về việc thu hồi đất chậm, trong khi các quan chức Thái Lan tuyên bố rằng Hopewell đã hết tiền. Cả hai bên đều yêu cầu bồi thường tài chính và đe dọa sẽ kiện bên kia vì vi phạm hợp đồng.

Dự án đã chính thức bị chính phủ Thái Lan chấm dứt vào năm 1998.

Chấm dứt dự án đường sắt

Theo một bài viết trên tờ New York Times vào năm 1997, Bộ trưởng Giao thông Thái Lan khi đó là Suwat Liptapallop cho biết chính phủ sẽ hủy hợp đồng trị giá 3,2 tỷ USD với Gordon Wu, một doanh nhân Hồng Kông, vì công ty của ông - Hopewell Holdings Ltd - đã sử dụng quá ngân sách và chậm tiến độ.

"Theo hợp đồng, Hopewell có tám năm để hoàn thành dự án," ông Suwat nói. "Bây giờ là năm thứ 7, và công ty mới chỉ hoàn thành 10%".

Việc chấm dứt hợp đồng không chỉ là một đòn giáng mạnh với ông Wu - người được cho là đã đầu tư 500 triệu USD vào dự án - mà còn đối với 10 triệu cư dân của Bangkok thời đó.

Năm 1997, tại Bangkok, ngay cả những người dân không biết tiếng Anh cũng chế nhạo và gọi công ty Trung Quốc là "Hopeless" Holdings (một cách chơi chữ khi Hopeless có nghĩa là vô vọng, ngược với tên công ty). Giao thông ngày càng ùn tắc bên dưới khung công trình chưa hoàn thiện của dự án.

Với ít đường xá trong khi số lượng ô tô tăng nhanh, một chuyến đi 20 phút ở Bangkok có thể biến thành cực hình khi phải tốn tới 3 tiếng để hoàn thành.

Số phận đường sắt đô thị đầu tiên của láng giềng Việt Nam: Mộ đá chết giữa lòng thủ đô - Ảnh 1.

Bức ảnh hiếm về quá trình xây dựng Dự án Hopewell đầu những năm 1990.

Số phận đường sắt đô thị đầu tiên của láng giềng Việt Nam: Mộ đá chết giữa lòng thủ đô - Ảnh 2.

Các cột trụ gần giao lộ Ngam Wong Wan. Ảnh chụp năm 2009.

Trong một chuyến đi "như rùa bò" từ sân bay đến trung tâm thành phố, ông Wu cho biết ông đã nảy ra ý tưởng về dự án đường sắt và đường bộ trên cao.

Ô tô của ông mất nhiều thời gian hơn để đến trung tâm thành phố so với chuyến bay từ Hồng Kông đến Thái Lan. Trong khi đó, các đoàn tàu vẫn chạy băng qua các con đường đông đúc.

Với tầm nhìn của mình, ông Wu đã đề xuất chính phủ Thái Lan và nhận được sự chấp thuận nhanh chóng để xây dựng - trên cơ sở xây dựng, vận hành, chuyển giao - đường bộ và đường sắt trên cao dài 41 km chạy từ sân bay đến thành phố.

Với mong muốn tăng độ phổ biến của tuyến đường sắt đối với tầng lớp trung lưu thường xuyên chịu cảnh tắc đường, chính phủ đã phê duyệt dự án mà không yêu cầu các nghiên cứu khả thi về kỹ thuật, phân tích chi phí-lợi ích và đánh giá tác động môi trường.

Số phận đường sắt đô thị đầu tiên của láng giềng Việt Nam: Mộ đá chết giữa lòng thủ đô - Ảnh 3.

Ảnh so sánh của cộng đồng mạng về dự án đường sắt ở Thái Lan.

Chính phủ đã thông qua thỏa thuận và đã ký kết hợp đồng với các điều khoản lỏng lẻo, mang lại cho ông Wu nhiều quyền lực đàm phán. Hopewell được phép bắt đầu công trình mà không cần đảm bảo quyền sở hữu hoàn toàn đối với mảnh đất và không có thời gian biểu nghiêm ngặt, miễn là dự án được hoàn thành trong vòng 5 năm.

Kế hoạch hồi sinh

Nhiều cơ quan chính phủ đã đề xuất ý tưởng về việc tận dụng các phần còn lại của dự án. Ngay cả Hopewell cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc hoàn thành một phiên bản thu nhỏ của dự án, nhưng đã bị từ chối cho phép khởi động lại dự án vì chính phủ cho rằng công ty này "không còn là một nhà thầu đủ năng lực".

Theo Tất Đạt

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên