So sánh kết quả kinh doanh quý 1 của các ngân hàng thương mại
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo phân tích về bức tranh kết quả kinh doanh quý 1 năm 2018 của 14 ngân hàng TMCP đang niêm yết cổ phiếu trên 3 sàn chứng khoán gồm: HOSE, HNX, và UPCoM.
Từ những tổng hợp và tính toán dựa trên kết quả kinh doanh quý 1, VDSC đưa ra so sánh giữa 14 ngân hàng gồm: Ngân hàng Á Châu (ACB), BIDV (BID), VietinBank (CTG), EximBank (EIB), KienLongBank (KLB), MBBank (MBB), SHB, Sacombank (STB), Vietcombank (VCB), VPBank (VPB), HDBank (HDB), TienPhongBank (TPB), VIB, và LienVietPostBank (LPB).
Theo đó, tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế của 14 ngân hàng niêm yết (NHNY) trong quý 1/2018 đạt 56.340 tỷ đồng và 20.126 tỷ đồng, lần lượt tăng 35% và 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch năm dao động từ 23-27%. Một số ngân hàng có tỷ lệ hoàn thành cao hơn mức bình quân như EIB, MBB, VCB, hay LPB, chủ yếu liên quan đến hoạt động thoái vốn tại các TCTD, hoặc các hoạt động đầu tư khác. Đây là những khoản thu nhập không được đưa vào kế hoạch kinh doanh trong năm của ngân hàng.
Theo VDSC, quý 1 thường là mùa kinh doanh thấp điểm nên với tỷ lệ hoàn thành kế hoạch hơn 25%, khả năng vượt kế hoạch năm 2018 của các ngân hàng là rất cao.
Thu nhập lãi vẫn là nguồn thu nhập chính trong cơ cấu thu nhập của các ngân hàng. Tuy vậy, sự tăng trưởng và tỷ trọng đóng góp trong cơ cấu có sự phân hóa. Theo đó, thu nhập lãi ngoài ở nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ như KLB, EIB, hay LPB giảm nhẹ, tăng trưởng hầu hết ở các ngân hàng quy mô lớn hơn. Ở nhóm ngân hàng gốc quốc doanh (CTG, VCB, BID), mức tăng trưởng mạnh ghi nhận ở BID.
Trong khi đó, ACB, MBB, STB hay VCB có cơ cấu thu nhập ít phụ thuộc vào thu nhập lãi hơn, với tỷ trọng dưới 80%. Điều này sẽ giúp thu nhập hoạt động của ngân hàng ít bị ảnh hưởng hơn so với các ngân hàng khác một khi hoạt động cho vay của nền kinh tế gặp khó khăn.
Thu nhập lãi tăng trưởng mạnh được đóng góp bởi: Các ngân hàng tiếp tục tối ưu dư địa cho vay so với huy động, điều này có thể nhận thấy qua chênh lệch giữa tăng trưởng cho vay và huy động khách hàng tiếp tục được thu hẹp (BID, CTG), thậm chí ở một số ngân hàng như MBB, VCB, TPB, HDB thì tăng trưởng cho vay cao hơn tăng trưởng huy động.
NIM tiếp tục nhích nhẹ ở hầu hết các ngân hàng nhờ tỷ trọng dư nợ khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ và cá nhân tiếp tục gia tăng. Lãi suất cho vay bình quân tăng nhanh hơn so với lãi suất huy động bình quân.
Nhằm đưa tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm về mức quy định, các ngân hàng cũng tập trung cơ cấu nợ vay theo kỳ hạn khiến dư nợ cho vay trung dài hạn cuối quý 1/2018 giảm mạnh so với thời điểm cuối năm 2017.
Theo Thông tư 19/TT-NHNN thì tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm về mức 45% trong năm 2018 và về mức 40% từ năm 2019. Với tỷ lệ này, các ngân hàng EIB, KLB, SHB, HDB, hay LPB sẽ chịu áp lực huy động từ dân cư tăng lên.
Trong ngắn hạn, với nguồn tiền gửi khá cao từ Kho bạc Nhà nước, kỳ vọng mặt bằng lãi suất trong năm 2018 sẽ chưa biến động theo chiều hướng tăng.
Hoạt động dịch vụ cũng ghi nhận xu hướng khả quan, đặc biệt ở các ngân hàng tốp đầu như ACB, BID, STB, và VCB. Kết quả này được đóng góp bởi hai yếu tố: Mở rộng mảng dịch vụ và tăng phí dịch vụ.
Hiện tại, khá nhiều ngân hàng vẫn đang áp dụng mức phí bằng khoảng 30-50% mức trần cho phép của NHNN, thậm chí nhiều ngân hàng nhỏ miễn phí giao dịch. Do đó, dư địa để các ngân hàng tăng phí dịch vụ là khá lớn.
Ngành ngân hàng bước vào giai đoạn 2 tái cơ cấu và tài sản có của các ngân hàng tiếp tục được “làm sạch”. Không chỉ nợ xấu báo cáo mà nợ xấu thực chất (bao gồm trái phiếu đặc biệt chưa trích lập dự phòng rủi ro) đã giảm đáng kể. Sau VCB, tiếp tục có khá nhiều ngân hàng mua lại trái phiếu đặc biệt từ VAMC như ACB, CTG, MBB.
Xu hướng tích cực cũng diễn ra ở BIDV khi các ngân hàng tiếp tục mạnh tay trích lập nợ xấu nội bảng, đồng thời tỷ lệ thu hồi nợ xấu đã bán qua VAMC khá tốt trong quý 1/2018.
Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nhìn chung có sự cải thiện so với cùng kỳ năm 2016 và 2017. ACB và VCB là hai ngân hàng có tỷ lệ này cao nhất, cho thấy sự thận trọng trong trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của các ngân hàng. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu thể hiện khả năng phòng vệ của ngân hàng trước rủi ro phát sinh nợ xấu. Ngoài ra, đây còn là “của để dành” của ngân hàng, khi nợ xấu được thu hồi thì ngân hàng có thể ghi nhận hoàn nhập dự phòng.
Infonet