Sóc Trăng định hướng phát triển cảng biển Trần Đề
Để thúc đẩy thông thương hàng hóa, tỉnh Sóc Trăng đang tích cực thực hiện các thủ tục cần thiết để triển khai dự án cảng biển Trần Đề.
- 08-08-2023Kỳ vọng vào cảng biển nước sâu lớn nhất miền Tây
- 05-08-2023Sớm xây dựng 2 tuyến đường sắt kết nối cảng biển Vũng Tàu, Hải Phòng
- 04-08-2023Nâng cấp Quốc lộ 15D nối cảng biển Mỹ Thủy đến cửa khẩu La Lay
Cảng biển nước sâu Trần Đề đã được Chính phủ quy hoạch, tiềm năng trở thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Mỗi năm, ĐBSCL cần vận chuyển khoảng 20 triệu tấn hàng hóa lên cụm cảng TP Hồ Chí Minh. Cứ mỗi 1 tấn hàng hóa, doanh nghiệp sẽ phải trả thêm chi phí vận chuyển bằng đường bộ thêm 10 USD. Như vậy, sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa làm ra không cao.
ĐBSCL cần một cảng biển đủ lớn để giải quyết những khó khăn này. Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 78 của Chính phủ xác định đến năm 2030 phát triển cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng thành cảng đặc biệt và là cửa ngõ của vùng.
"Cố gắng đến đầu năm 2024 sẽ hoàn thành báo cáo tiền khả thi. Làm cơ sở xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm năng để đầu tư vào cảng", ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết.
Tại Hội thảo về đầu tư cảng biển Trần Đề, Sóc Trăng đã trao đổi thông tin liên quan việc quy hoạch, định hướng phát triển cảng; đặc biệt, thảo luận về các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư dự án trong thời gian tới để việc hình thành cảng khả thi.
Khu bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng có quy mô khoảng 540 ha. (Ảnh: PLO)
"Giải quyết về vấn đề kết nối. Thứ hai là giải quyết được nguồn hàng hóa thì chắc chắn khắc phục được những hạn chế", ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, cho hay.
Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 51.000 tỷ đồng, từ xã hội hóa. Điều này hoàn toàn khả thi, bởi theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải, 83% nguồn lực đầu tư cho hàng hải hiện nay là của tư nhân. Vì vậy, cảng đang được các doanh nghiệp đặt kỳ vọng rất lớn.
"Vận chuyển đường bộ thì chi phí cao hơn so với đường sông, đường biển. Vì vậy khi hình thành được cảng biển này sẽ tiết giảm được chi phí cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Hàng hóa đầu vào mua cho bà con sẽ được tăng lên", TS. Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, nhận định.
Tỉnh Sóc Trăng tích cực phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương hoàn thành, trình phê duyệt các quy hoạch cụ thể để kêu gọi đầu tư.
VTV.VN