MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SoftBank đột ngột hủy kế hoạch chi 3 tỷ USD mua lại cổ phần từ vị CEO tai tiếng của WeWork và các nhà đầu tư khác

02-04-2020 - 11:00 AM | Tài chính quốc tế

SoftBank Group Corp đang hủy bỏ thỏa thuận chi 3 tỷ USD để mua lại cổ phiếu WeWork từ cựu CEO Adam Neumann và các cổ đông khác bất chấp nguy cơ bị kiện.

Khi WeWork rơi vào khủng hoảng và đứng bên bờ vực phá sản, SoftBank đã ra tay "trảm" CEO kiêm nhà sáng lập Adam Neumann. SoftBank đã đồng ý mua lại cổ phần từ Neumann, Benchmark Capital và các quỹ khác như là một phần của nỗ lực cứu sống doanh nghiệp khởi nghiệp từng một thời được mô tả là kỳ lân này.

"Ủy ban đặc biệt của Hội đồng Quản trị WeWork được SoftBank – công ty đang kiểm soát cổ phần WeWork, tư vấn rằng SoftBank không chấp nhận đề nghị mua lại cổ phần mà họ đồng ý hồi tháng 10/2019", phía Benchmark Capital ra thông cáo.

Điều này khiến Ủy ban đặc biệt bị bất ngờ và thất vọng. Tuy nhiên, họ vẫn cam kết sẽ tìm kiếm những giải pháp mà có lợi nhất cho lợi ích của WeWork và các nhà đầu tư thiểu số, bao gồm nhân viên và cựu nhân viên của công ty khởi nghiệp này. Ủy ban đặc biệt cũng cho biết họ sẵn sàng cho các lựa chọn pháp lý, bao gồm cả đâm đơn kiện.

SoftBank hiện chưa đưa ra bất cứ phản hồi nào về thông tin này.

Thỏa thuận mua cổ phần đạt được hồi tháng 10 năm ngoái như là một phần gói giải cứu mà SoftBank đưa ra với WeWork, công ty khởi nghiệp thất bại hoàn toàn trong đợt IPO, khiến nó đứng trước nguy cơ hết tiền chỉ trong vài tuần. Theo thỏa thuận này, tập đoàn Nhật Bản đã nắm gần 80% cổ phần công ty và mua 3 tỷ USD cổ phần từ các nhà đầu tư cũng như nhân viên hoặc cựu nhân viên WeWork.

Cựu CEO tai tiếng Neumann, người bị SoftBank lật đổ, dự kiến có thể thu về 970 triệu USD tiền bán cổ phiếu. Tuy nhiên, nó lại khiến nhiều nhân viên WeWork tức giận bởi CEO, người phá hoại công ty, vẫn có số tiền khổng lồ trong khi hàng nghìn người khác lâm vào tình cảnh thất nghiệp trong bối cảnh công ty mẹ của WeWork cố gắng cắt giảm chi phí.

WeWork là công ty ký hợp đồng thuê dài hạn với chủ nhà trên khắp thế giới và sau đó cho thuê lại không gian cho các công ty nhỏ và lao động tự do. Tuy nhiên, loại hình kinh doanh của WeWork đặc biệt dễ bị tổn thương bởi đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, những điều đang khiến cả thế giới lo sợ. Trong lá thư gửi tới các nhà đầu tư, WeWork cảnh báo rằng họ có thể không đạt các mục tiêu tài chính cho năm 2020.

Trong vài tuần qua, thỏa thuận mua lại cổ phần lại càng trở nên gây tranh cãi. SoftBank đã gửi thư cho các nhà đầu tư của WeWork, thông báo rằng họ có thể rút khỏi thỏa thuận với một số điều kiện không đúng thời hạn. SoftBank trích dẫn các mối quan ngại pháp lý cũng như một số cuộc điều tra của Chính phủ với WeWork, bao gồm từ Ủy ban Chứng khoán Mỹ và Bộ Tư pháp để lập luận rằng họ không có nghĩa vụ phải hoàn thành thỏa thuận khi những cuộc điều tra chưa đưa ra kết luận cuối cùng.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên