MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Soi cơ cấu huy động vốn các ngân hàng thương mại

19-05-2018 - 21:18 PM | Tài chính - ngân hàng

Cơ cấu huy động vốn của các ngân hàng thương mại mỗi nhà mỗi vẻ không ai giống ai, bên cạnh nguồn chính là tiền gửi của khách hàng, nơi thủ vay trên thị trường liên ngân hàng, nơi đẩy mạnh phát hành giấy tờ có giá,...

Soi cơ cấu huy động vốn các ngân hàng thương mại - Ảnh 1.

Cơ cấu huy động vốn của các NHTM cuối Q1/2018

Đối với bất kỳ ngân hàng nào, nguồn huy động từ tiền gửi của khách hàng luôn là kênh quan trọng, chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng vốn huy động. Dù vậy, để đảm bảo thanh khoản và bổ sung nguồn vốn phục vụ cho tăng trưởng tín dụng, nhiều nhà băng đã tìm đến một số kênh khác như vay trên liên ngân hàng hoặc phát hành giấy tờ có giá.

Thậm chí một số nhà băng đang phụ thuộc khá nhiều vào nguồn vốn ngoài tiền gửi của khách hàng, như VIB, TPBank, HDBank hoặc một số ngân hàng nhỏ như SeABank, VietABank đang phụ thuộc vào thị trường liên ngân hàng khi số dư tiền gửi của các TCTD, vay các TCTD có tỷ lệ từ 25-35% trên tổng huy động vốn.

Trong khi vay trên liên ngân hàng là hoạt động quen thuộc và thường xuyên ở các ngân hàng thì tiền gửi của Chính phủ, NHNN lại chủ yếu được gửi gắm các ngân hàng có vốn Nhà nước như là BIDV, VietinBank, Vietcombank. Tại Vietcombank hiện đang có hơn 131.000 tỷ đồng tiền gửi của NHNN và kho bạc nhà nước, BIDV là 81.334 tỷ đồng, chiếm lần lượt 14% và 7% tổng huy động vốn của những nhà băng này; tuy tỷ lệ nhỏ nhưng quy mô này còn lớn hơn cả tổng huy động vốn ở nhiều ngân hàng nhỏ. BIDV hay Vietcombank cũng được lợi rất nhiều khi đây là nguồn vốn có chi phí thấp hơn hẳn. 

Cơ cấu huy động vốn của ngân hàng cũng đã có sự thay đổi đáng kể trong vài năm trở lại đây khi tỷ lệ tiền gửi của khách hàng trên tổng huy động vốn giảm ở nhiều nhà băng. Năm 2014 tiền gửi của khách hàng tại VPBank là 73% nay giảm xuống còn 60%; tại Techcombank giảm từ 84% xuống còn 72%; VIB giảm từ 71% xuống còn 60%, MBBank giảm từ 96% xuống còn 83%,…

Ngoài nguyên nhân thay đổi khoản vay trên liên ngân hàng, sự thay đổi ở nhiều ngân hàng còn đến từ xu hướng phát hành giấy tờ có giá. Chẳng hạn, với chứng chỉ tiền gửi, nếu như trước đây phát hành khá khó khăn vì người gửi tiền chưa quen thì hiện nay nhiều nhà băng đã tận dụng kênh huy động này và đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu huy động vốn.

Phát hành chứng chỉ tiền gửi đang ngày càng nở rộ do có nhiều ưu điểm so với tiết kiệm thông thường, đặc biệt về mặt dễ chuyển nhượng và lãi suất hấp dẫn. Việc phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài cũng giúp các tổ chức này huy động được nguồn vốn trung, dài hạn với mức lãi suất phù hợp để đẩy mạnh tín dụng, nhất là khi theo quy định của NHNN, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ 50% xuống còn 45%.

VPBank hiện là ngân hàng huy động bằng phát hành giấy tờ có giá nhiều nhất với số dư đạt 66.806 tỷ đồng, chiếm trên 25% tổng huy động vốn tại nhà băng này. Trong đó chủ yếu là phát hành chứng chỉ tiền gửi, đạt 51.828 tỷ đồng.

BIDV cũng đang có phát hành giấy tờ có giá đạt hơn 64.000 tỷ đồng, tuy chiếm tỷ lệ khiêm tốn 6% trong tổng huy động vốn song đã liên tục tăng trong 3 năm trở lại đây, hiện gấp 3 lần cuối năm 2014.

Hải Vân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên