"Soi" quỹ đầu tư 100 tỷ USD đang khuấy đảo giới công nghệ của tỷ phú "liều ăn nhiều" Masayoshi Son
Vision Fund quá lớn để được coi là 1 quỹ đầu tư mạo hiểm thông thường và cũng không thể so sánh với các quỹ cổ phần tư nhân vì có quá nhiều điểm khác biệt trong cách điều hành và mức độ nợ quá cao.
- 30-03-2018Không phải Grab, chính Softbank mới là thế lực đứng sau gây sức ép khiến Uber buông súng trên khắp các mặt trận châu Á?
- 31-01-2018Softbank đầu tư 300 triệu USD vào startup cung cấp dịch vụ dắt chó đi dạo
- 22-11-2017Nắm quyền kiểm soát Uber, Grab, Didi Chuxing và Ola, "cá mập" Softbank có hợp nhất 4 ứng dụng gọi xe lớn nhất thế giới?
- 12-10-2017Ông chủ SoftBank huy động được 45 tỷ USD chỉ trong 45 phút
Herman Narula đặt tên công ty của mình là Improbable, ám chỉ một điều gì đó không chắc có thực. Kế hoạch kinh doanh của Narula cũng vậy: mang đầy vẻ kỳ dị lạ lùng và theo như doanh nhân người Anh này nói thì sẽ dẫn đến một trong 2 kết quả - thất bại thảm hại hoặc thành công rực rỡ đến nỗi khó ai sánh kịp. Narula muốn tạo ra 1 thế giới thực tế ảo, nơi hàng triệu người có thể sống như mình mong muốn, kiếm tiền và tương tác với những robot thông minh được trang bị trí thông minh nhân tạo.
Chưa biết một thế giới như vậy có thể trở thành hiện thực hay không, nhưng nếu điều đó xảy ra thì đó là bởi vì Narula đã thu hút được sự chú ý của 1 quỹ đầu tư công nghệ tưởng chừng như không có thực nhưng chất chứa đầy những tham vọng điên rồ. Vision Fund đã rót gần 500 triệu USD vào Improbable, startup trước đó mới chỉ huy động được 52 triệu USD.
Thương vụ này khiến nhiều người ngạc nhiên, nhưng rót những khoản tiền khổng lồ vào những công ty có vẻ kỳ dị như Improbable lại chính là điều mà Vision Fund hay làm. Quỹ này là "đứa con tinh thần" của Masayoshi Son, ông trùm viễn thông và internet đến từ Nhật Bản luôn ưa thích những thương vụ rủi ro. Vision Fund quá lớn để được coi là 1 quỹ đầu tư mạo hiểm thông thường và cũng không thể so sánh với các quỹ cổ phần tư nhân vì có quá nhiều điểm khác biệt trong cách điều hành và mức độ nợ quá cao.
SoftBank lấy tiền ở đâu ra?
Năm 1981, Son thành lập ra SoftBank, chỉ với 2 nhân viên làm việc bán thời gian và hoạt động kinh doanh chính là phân phối phần mềm máy tính cá nhân ở Tokyo. Trong ngày làm việc đầu tiên, ngài Son nhỏ bé đứng trên 2 chiếc thùng carton và thông báo với nhân viên rằng trong 5 năm tới công ty sẽ đạt doanh thu 75 triệu USD, vươn lên vị trí số 1 Nhật Bản. "Các nhân viên đã nghĩ rằng thằng cha này điên rồi, và họ nghỉ việc ngay trong ngày hôm đó", Son từng chia sẻ với tờ Harvard Business Review. Thế nhưng cuối cùng thì với tham vọng của ông, đến giờ SoftBank đang phân phối 80% phần mềm PC ở Nhật Bản.
SoftBank nhanh chóng trở thành 1 đế chế toàn cầu với cổ phần ở hàng trăm công ty Internet, trong đó có Yahoo. Khi bong bóng công nghệ lên đến đỉnh điểm năm 2000, tài sản cá nhân của Son thậm chí đã vượt trội Bill Gates trong thời gian ngắn, để rồi bong bóng vỡ khiến giá trị vốn hóa của SoftBank bốc hơi 99%, khiến ông mất tiền nhiều hơn bất kỳ ai khác. Tuy vậy số tiền 20 triệu USD rót vào Alibaba đã trở thành một trong những khoản đầu tư tốt nhất trong lịch sử. 28% cổ phần của SoftBank ở Alibaba nay có giá trị 140 tỷ USD.
Rất nhiều nhân vật kỳ cựu trong ngành công nghệ đã khinh khỉnh mà cho rằng vụ đầu tư vào Yahoo và Alibaba chỉ là ăn may, nhưng Son đã chứng minh rằng họ sai. Ông giành 1 thập kỷ tiếp theo tập trung vào kinh doanh cơ sở hạ tầng viễn thông và Internet ở Nhật Bản cũng như thương vụ thâu tóm lượng lớn cổ phần ở nhà mạng Mỹ Sprint. Thời gian gần đây, ông quay trở lại đầu tư với một loạt thương vụ lớn như đầu tư 2,5 tỷ USD vào công ty thương mại điện tử Flipkart của Ấn Độ, rót tiền vào Grab và SoFi. Năm 2016, SoftBank Arm Holdings, công ty chip của Anh, với giá 31,9 tỷ USD.
Tham vọng của Son và Rajeev Misra, người phụ tá chính từng làm việc ở Deutsche Bank, quá lớn để túi tiền của SoftBank có thể đáp ứng. Những vụ M&A khổng lồ khiến SoftBank bị đè nặng bởi nợ. Bởi vậy hai người đàn ông quyết định tới Trung Đông vào đúng thời điểm Thái tử Muhammad bin Salman đang chuẩn bị cho siêu kế hoạch đa dạng hóa nền kinh tế Saudi Arabia. Son đã thuyết phục thành công thái tử nên sử dụng tiền của vương quốc để mua cổ phần trong những công ty công nghệ kiến tạo tương lai thay vì mua lại những công ty truyền thống ở phương Tây. Cuối cùng Son ra về với 45 tỷ USD trong tay.
Saudi Arabia đóng góp phân nửa số tiền mà Vision Fund huy động được. Con số tổng 100 tỷ USD có 28 tỷ USD từ chính SoftBank, 15 tỷ USD từ quỹ quốc gia của Abu Dhabi, 5 tỷ USD từ Apple, 7 tỷ USD từ những nguồn khác.
Các cổ đông rót vốn vào Vision Fund (tính đến tháng 5/2018, tỷ USD). Nguồn: Economist, FT
Sau đó 1 năm, Vision Fund đã có trong tay danh mục 24 công ty. Quỹ dự định đầu tư vào khoảng 100 công ty trong vòng 5 năm. Quy mô khổng lồ của nó khiến tất cả mọi người đều sững sờ. Con số 30 tỷ USD đã được giải ngân gần bằng tổng số vốn 33 tỷ USD mà các quỹ đầu tư mạo hiểm Mỹ đã huy động được trong năm 2017. Không dừng lại ở đó, nếu Vision Fund thành công, phiên bản thứ 2, thứ 3 và thứ 4 có thể xuất hiện.
Cách chọn mục tiêu kỳ lạ của Masayoshi Son
Theo một số góc nhìn, Vision Fund cũng hoạt động giống như các quỹ công nghệ khác, sẵn sàng chào đón nhà sáng lập của hàng trăm công ty non trẻ đến văn phòng của nó ở San Francisco hoặc khu Mayfair của London. Ở cả 2 nơi họ đều được chào đón bởi Pepper, con robot lễ tân do chính SoftBank sản xuất. Chưa đến 5% nhận được vốn, nhưng đây vẫn là tỷ lệ hào phóng hơn so với hầu hết các công ty mạo hiểm khác. Khi chọn mục tiêu, Son tin rằng sức mạnh của dòng vốn và khả năng hòa hợp giữa hai bên sẽ đem lại kết quả cao.
Danh mục đầu tư của Vision Fund
Vision Fund rót tiền vào 3 lĩnh vực chính. Đầu tiên là nhóm "cận biên" – những công ty mà Son cho rằng phù hợp với những công nghệ mang tính cách mạng như internet vạn vật, robot, trí thông minh nhân tạo, tin sinh học (computational biology) và công nghệ gene. Internet of things là lý do đằng sau thương vụ mua Arm – công ty chip mà Son cho là có thể thiết kế những con chip có khả năng tạo ra các thiết bị siêu kết nối vào năm 2035. NVIDIA sẽ cung cấp bộ vi xử lý cho các thiết bị AI. Cổ phần của SoftBank ở 1 nhà mạng 5G (thông qua vụ M&A giữa Sprint và T-Mobile) và ở OneWeb (1 startup về vệ tinh) sẽ rất có ích.
Nhóm thứ hai là các khoản đầu tư được thiết kế để mang công nghệ mới đến các ngành truyền thống như vận tải, bất động sản và logisitc. Các công ty đi chung xe và chia sẻ không gian làm việc chung (WeWork) rơi vào nhóm này. Nhóm thứ ba là truyền thông và viễn thông, lĩnh vực mà SoftBank đã đầu tư suốt 25 năm nay.
Mới đây Son chia sẻ nếu như thông qua Apple Steve Jobs cho người ta thấy sự kết hợp giữa công nghệ và nghệ thuật có thể đem đến sức mạnh như thế nào, công thức của ông là công nghệ cộng với tài chính. Đã nhiều lần ông nài nỉ các CEO và nhà sáng lập chấp nhận tiền của mình, đồng thời thường xuyên bơm cho họ nhiều tiền hơn so với những gì họ yêu cầu.
Sức ép lên cổ phiếu SoftBank
Các chuyên gia phân tích không đánh giá cao cổ phiếu SoftBank phần lớn là bởi họ lo ngại về những khoản đầu tư quá mạo hiểm. Trong những năm gần đây SoftBank bị giao dịch ở mức giá thấp hơn 30% so với giá trị tài sản của nó và tỷ lệ còn có xu hướng gia tăng.
Những khoản đầu tư vào các công ty đi chung xe bị chỉ trích nhiều bởi mô hình kinh doanh của chúng dễ dàng bị sao chép và trong ngắn hạn được bơm quá nhiều tiền sẽ khuyến khích họ đốt thêm tiền để cạnh tranh với nhau.
Và các cổ đông thực sự bị đẩy vào thế khó với Vision Fund. Nếu như quỹ này thất bại, 28 tỷ USD của họ sẽ bốc hơi. Trong số tiền góp người ngoài góp vào Vision Fund, hơn 60% là dưới dạng nợ có lãi suất coupon 7% phải được thanh toán nửa năm 1 lần. Theo nguồn tin thân cận, dòng tiền vẫn vào và ra liên tục nhưng Vision Fund luôn luôn giữ khoảng 20 tỷ USD cố định để đầu tư vào các doanh nghiệp đang có trong danh mục và trả lãi.
Cấu trúc này cho thấy lợi nhuận mà SoftBank thu được từ Vision Fund phải dựa rất nhiều vào đòn bẩy, tức là sẽ được lợi rất lớn nếu mọi chuyện tốt đẹp nhưng sẽ rất tồi tệ nếu điều ngược lại xảy ra. Theo ước tính, nếu các khoản đầu tư chỉ mang về lợi suất 1% mỗi năm trong vòng đời 12 năm của quỹ, tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) hàng năm mà SoftBank thu được sẽ là -4%. Nếu lợi suất là 20%/năm, IRR lên tới 27%. Son từng nhiều lần nói rằng kể cả không có Alibaba thì các khoản đầu tư của ông vẫn có tỷ suất IRR rất cao, ở mức 42%. Tuy nhiên IRR là 1 khái niệm có thể dễ dàng bị bóp méo và không có độ tin cậy cao, mức độ chênh lệch giữa con số 42% và diễn biến cổ phiếu SoftBank cho thấy điều đó.
Bên cạnh đó quỹ càng to thì sẽ càng khó kiếm lợi nhuận cao. Ví dụ 1 danh mục có 50 khoản đầu tư thì xác suất sẽ là 20 sẽ thất bại và 20 mang lại hiệu quả trung bình. Những đầu tư thắng lớn và thực sự mang lại số tiền khổng lồ chỉ là thiểu số và rất khó tìm kiếm.
Mối quan hệ phức tạp giữa Vision Fund và SoftBank cũng là 1 yếu tố khiến người ta lo ngại. Mặc dù có nhiều lợi ích chung, đây là 2 thực thể có 2 bộ cổ đông khác nhau và có thể mâu thuẫn với nhau. Son cũng gặp phải nhiều hạn chế trong việc gây ảnh hưởng lên các nhà sáng lập startup và tìm kiếm sự tương đồng. Vision Fund thường nắm chưa đến 30% cổ phần, vì thế có ít công cụ chính thức để có thể buộc các giám đốc điều hành thực hiện các thương vụ mà họ không cảm thấy thỏa mãn. Trong khi Son luôn chú trọng tăng trưởng dài hạn và các công nghệ tiên phong, các nhà đầu tư khác có thể chỉ thích những lợi ích trước mắt mà thôi.