Sớm triển khai đầu tư Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh theo chuẩn cao tốc
Dự án Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh cần được đầu tư theo chuẩn cao tốc và sớm triển khai để mở ra cơ hội phát triển vùng Đông Nam Bộ. Nội dung này vừa được nêu tại cuộc họp giữa Bộ Giao thông vận tải với các địa phương liên quan về tình hình triển khai dự án, diễn ra chiều 22/2 tại TP Hồ Chí Minh.
- 22-02-2024Sân bay Long Thành đấu thầu nhiều gói thầu trị giá hàng nghìn tỷ đồng
- 22-02-2024HĐND TP Hà Nội sắp xem xét thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội
- 22-02-2024Yêu cầu báo cáo việc giá vé máy bay 'nhảy múa' dịp Tết
Theo quy hoạch, Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh đi qua các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh và Long An. Quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100 km/giờ; mặt cắt ngang 6 - 8 làn xe. Đây là tuyến vành đai cao tốc thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, có chiều dài khoảng 199 km, đầu tư trước năm 2030.
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, Vành đai 4 là dự án giao thông trọng điểm, có tính cấp thiết và ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng Đông Nam Bộ và các địa phương. Do đó, cần nghiên cứu tăng ca, tăng kíp, rút ngắn thời gian để triển khai dự án, bởi nếu công trình đi vào khai thác sớm sẽ đem lại lợi ích rất lớn.
Về vấn đề Vành đai 4 phải triển khai đạt chuẩn cao tốc, ông Phan Văn Mãi cho rằng, không nên ngại chuyện kinh phí mà cần giải phóng mặt bằng 8 làn; trong đó, giai đoạn 1 làm 4 làn, có làn dừng khẩn cấp. Các địa phương cần thống nhất về mốc triển khai, tiến độ, đưa ra các đầu bài cụ thể để cùng thực hiện; có thể vận dụng Vành đai 4 giống như Vành đai 3 để xin cơ chế đặc thù.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, từ tháng 9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao các địa phương triển khai các bước chuẩn bị dự án. Các địa phương đã nghiên cứu, cập nhật với chiều dài, mặt cắt ngang dự án. Tuyến đường cập nhật mới có chiều dài 207 km, mặt cắt ngang giai đoạn 1 là 4 làn xe và thực hiện giải phóng mặt bằng một lần là 8 làn. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 105.964 tỷ đồng.
Qua quá trình nghiên cứu, các địa phương đưa ra hai phương án triển khai. Phương án 1, các địa phương là cơ quan có thẩm quyền từng dự án tại mỗi tỉnh, thành phố, đáp ứng tiến độ khởi công năm 2025 và hoàn thành năm 2028. Phương án 2 là gộp toàn bộ tuyến Vành đai 4 thành một dự án để thực hiện. Các địa phương cơ bản lựa chọn phương án 1.
Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải đánh giá, Vành đai 4 cực kỳ quan trọng, góp phần liên kết vùng và tạo ra không gian mới kết nối các đô thị. Dự án triển khai giữa nhiệm kỳ nên vấn đề phân bổ nguồn vốn khá khó khăn, do đó cần tính đến các cơ chế như ngân sách tỉnh này dùng cho tỉnh khác; nghiên cứu điều chỉnh tỷ lệ điều tiết, đơn vị tư vấn xây dựng cơ chế đặc thù như đã áp dụng ở Vành đai 3…
Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, cần có đơn vị tư vấn chung cho toàn dự án để tổng hợp, tư vấn và phản biện về kế hoạch triển khai các dự án thành phần. Các địa phương tiếp tục rà soát, đối chiếu quy hoạch hướng tuyến, hiện trạng các khu công nghiệp, khu dân cư… để bố trí sao cho phù hợp.
Tại cuộc họp, một số ý kiến cũng đề xuất nghiên cứu theo phương án làm cầu cạn ở một số khu vực, mặc dù có thể tăng chi phí ban đầu nhưng sẽ đẩy nhanh tiến độ, giải quyết được vấn đề biến đổi khí hậu, không phụ thuộc cát đắp nền… Các địa phương cũng đặt mục tiêu triển khai nhiều nhóm công việc để đồng loạt khởi công dự án năm 2025; trong đó, các địa phương quyết tâm trình dự án lên Quốc hội giữa năm 2024.
Báo tin tức