MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sống "văn hóa" trong những tòa cao ốc: Mua chung cư là mua cả một cộng đồng, hở ra là... ăn biên bản

30-08-2019 - 11:35 AM | Sống

Tiếp tục kỳ trước, mời bạn đọc tưởng tượng đặt mình vào vị trí một người trẻ ở tỉnh xuống Sài Gòn lập nghiệp. Việc mua được một căn chung cư không chỉ là thành tựu đối với một người như anh, là một trụ cột vững chắc để anh tự tin bước vào cuộc sống hôn nhân mà còn đưa anh bước vào một đời sống văn hóa mới.

Tiếp tục kỳ trước, mời bạn đọc tưởng tượng đặt mình vào  vị trí một người trẻ ở tỉnh xuống Sài Gòn lập nghiệp . Việc mua được một căn chung cư không chỉ là thành tựu đối với một người như anh, là một trụ cột vững chắc để anh tự tin bước vào cuộc sống hôn nhân mà còn đưa anh bước vào một đời sống văn hóa mới – văn hóa chung cư.

Chúng ta lại cùng xỏ chân mình vào đôi giày của anh Ngọc Dương, chị Quỳnh và những người trẻ khác, bắt đầu xây dựng cuộc sống mới của họ ở những căn chung cư cao cấp Sài Gòn.

Sống văn hóa trong những tòa cao ốc: Mua chung cư là mua cả một cộng đồng, hở ra là... ăn biên bản - Ảnh 1.

Ông bà xưa có câu “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” ý coi trọng tình làng nghĩa xóm. Ngày này, nhiều người lựa chọn mua căn hộ cao cấp không chỉ vì tiện nghi của nó, mà còn vì họ muốn sống trong một cộng đồng nơi có những người cùng đẳng cấp với họ cả về kinh tế lẫn tri thức. Chính vì vậy mà đối với những người như anh Dương, bỏ ra một số tiền của nhiều năm tích góp để mua lấy một cộng đồng, một lối sống văn hóa là xứng đáng.

Khác với nhà phố, sống trong chung cư người ta có nhận thức hơn việc mình đang sống trong một cộng đồng, cần phải tuân thủ những quy định và luôn ý thức đâu là quyền lợi của chính mình. Ở một số chung cư hiện đại hiện nay, ngoài ban quản lý tòa nhà, các cư dân còn bầu ra ban quản trị. Những vấn đề nào gây tranh cãi thường được đem ra biểu quyết.

Một chung cư chất lượng hay không còn nằm ở Ban quản lý có nhiệt tình, biết lắng nghe và quan tâm đến lợi ích của cư dân nơi đó hay không. Quan trọng hơn hết, những quy định đưa ra nếu thiếu chặt chẽ và không hợp lý sẽ gây ức chế cho người dân. Nếu quy định đủ chặt chẽ và hợp lý nhưng biện pháp chế tài không đủ mạnh thì cũng không được xem là một Ban quản lý hiệu quả. Chuyện nuôi chó mèo ở chung cư là một ví dụ.

Sống văn hóa trong những tòa cao ốc: Mua chung cư là mua cả một cộng đồng, hở ra là... ăn biên bản - Ảnh 2.

Khi vừa dọn về Vinhomes Central Park, anh Ngọc Dương đọc kỹ từng quy định của tòa nhà. Trong đó có quy định: không nuôi gia súc, gia cầm trong Khu vực sở hữu riêng của chủ sở hữu căn hộ làm ảnh hưởng tới trật tự, mỹ quan và môi trường sống của các hộ khác (nếu nuôi vật cảnh thì phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật).

Chiếu theo quy định trên, nhiều hộ dân vẫn có thể nuôi chó mèo. Tuy nhiên, sau một thời gian, một số hộ dân có chó mèo lại nhận được thư từ Ban quản lý, cảnh cáo ngừng cung cấp dịch vụ điện nước và chỗ giữ xe nếu tiếp tục nuôi chó mèo. Tranh cãi nảy lửa nổ ra khi cần có sự thống chó mèo có phải diện gia súc, gia cầm hay không.

Nhiều tháng trời, group Facebook Cộng đồng cư dân tràn ngập những tiếng nói, tranh luận gắt gao về vấn đề này. Không chỉ ở chung cư Vinhomes Central Park, Vinhomes Times City ở Hà Nội và một số chung cư khác cũng vấp phải những ý kiến trái chiều như thế về việc nuôi chó mèo trong chung cư. Ban quản lý và Ban quản trị tiến hành mở cuộc biểu quyết về vấn đề này. Kết quả, 85% hộ dân ở Vinhomes Central Park và 81.6% hộ dân ở Vinhomes Times City đồng ý không cho phép nuôi chó/mèo và không có ngoại lệ.

Anh Dương chia sẻ: “Mình bỏ bạc tỷ ra không chỉ mua mỗi ngôi nhà 76m2 mà còn mua cộng đồng xung quanh, tiện ích và cảnh quan nội khu nên có quyền đòi hỏi những lợi ích của bản thân. Sống ở chung cư khác nhà đất là phải vì mọi người xung quanh nhiều hơn, bớt mình lại một chút. Mình biết giữ gìn hơn, có tinh thần cộng đồng hơn vì như thế thì giá trị bản thân, giá trị khu nhà mình ở cũng tăng theo và tự hào giới thiệu với mọi người về nơi mình sống. Nên nói bỏ tiền ra để mua người hàng xóm láng giềng, mua văn hóa là không sai”.

Sống văn hóa trong những tòa cao ốc: Mua chung cư là mua cả một cộng đồng, hở ra là... ăn biên bản - Ảnh 3.

Vào những ngày lễ tết, nếp sống ở những khu chung cư từ bậc trung tới cao cấp trở nên sôi động hẳn lên, khác với sự im ắng bình thường của các khu nhà phố. Với khu sinh hoạt cộng đồng, nhiều hộ dân cùng nhau tổ chức những buổi tiệc để gắn kết thêm tình làng nghĩa xóm, cũng như có thêm dịp cho những đứa trẻ được vui chơi cùng bạn bè. Có nhiều trường hợp, cư dân bị mất tài sản do để quên cũng tìm lại được nhờ vào cư dân khác báo cáo lại với Ban quản lý.

Với chị Trần Phan Khánh Quỳnh, chung cư là nơi chị hình thành những nếp sống mới, những thói quen mới và gặp gỡ được nhiều người mới. Với các cộng đồng được thiết lập theo sở thích, nhiều người có thể dễ dàng san sẻ những thú vui, họp mặt và chia sẻ kinh nghiệm như: cộng đồng trồng cây, cộng đồng chơi cá cảnh, chơi tennis hay hội độc thân, hội các bà mẹ bỉm sữa… “Ở chung cư, yếu tố cộng đồng, sống văn minh văn hóa được đề cao và đó là nếp sống hiện đại mà mình mong muốn hướng tới. Chung cư là môi trường tốt để nuôi dạy trẻ”.

Sống văn hóa trong những tòa cao ốc: Mua chung cư là mua cả một cộng đồng, hở ra là... ăn biên bản - Ảnh 4.

Nếu có trong tay 2 tỷ, chúng ta chọn mua nhà phố ở Sài Gòn chắc chỉ có thể mua được căn nhà cấp 4, ở nơi cách xa trung tâm, nằm trong hẻm hóc, muốn đi đâu làm gì cũng bất tiện. Chính vì thế, với 2 tỷ, một người trẻ thường sẽ quyết định mua chung cư để tận hưởng những tiện ích từ hồ bơi, phòng gym, khu dã ngoại, các khu mua sắm… Nhưng đi cùng với những tiện ích được thụ hưởng là những nghĩa vụ cần phải được chấp hành.

Nhìn về văn hóa, ở nhà phố, văn hóa và lối sống ít bị kiểm soát chặt chẽ bởi chính quyền địa phương và ít bị chi phối bởi cộng đồng sống chung khu vực. Ở chung cư, ngoài chính quyền địa phương, hộ dân còn chịu sự kiểm soát của ban quản lý với những nội quy nghiêm ngặt.

Sống văn hóa trong những tòa cao ốc: Mua chung cư là mua cả một cộng đồng, hở ra là... ăn biên bản - Ảnh 5.

Vì thế, dù được hưởng nhiều tiện ích nhưng quyền quyết định của mỗi người đối với khu vực mình sống bó hẹp lại. Ở nhà phố, chúng ta có toàn quyền đối với ngôi nhà mình, vỉa hè và khoảng sân nhưng ở chung cư thì khác. Sống ở chung cư, chúng ta chỉ có quyền sở hữu từ cánh cửa căn nhà mình, những thứ nằm ngoài như khu tiện ích, ta chỉ được quyền sử dụng nhưng không có quyền quyết định. Bạn muốn làm gì cũng phải thông báo cho Ban quản lý, được sự đồng ý thì mới được thực hiện, nên quyền quyết định của bản thân đối với tài sản chỉ ở mức độ nhất định.

Đơn cử như trường hợp của chị Ngọc Anh, sống tại căn hộ Vista Verde (quận 2) khi muốn sửa chữa lại căn hộ của mình, chị phải cọc trước cho Ban quản lý tòa nhà 50 triệu đồng để khi có việc vi phạm xảy ra, Ban quản lý sẽ trừ vào số tiền cọc: “Bỏ ra số tiền cọc như vậy thì buộc mình phải tuân thủ quy định của Ban quản lý như: thợ xây sửa chỉ được vào từ lúc 8g sáng và rời đi trước 16g để đảm bảo sự thoải mái của các hộ dân khác. Tất cả những vật liệu cồng kềnh phải đi thang máy riêng và không được để bất kỳ thứ gì ngoài hành lang chung. Mình không được sử dụng những những loại máy khoan có tiếng động lớn hay sơn xịt những loại có chất độc hại, gây mùi khó chịu”.

Tuy nhiên với chị, những quy định trên góp phần tạo nên nếp sống văn minh của mỗi hộ dân trong tòa nhà. Vì chỉ cần làm trái quy định, bị các hộ dân khác phản ánh và Ban quản lý trích xuất camera để kiểm tra thì chủ hộ ấy sẽ lập tức “ăn” biên bản.

“Riêng điều đó cũng thể hiện văn hóa của chung cư và nhà phố quá khác biệt. Ở nhà phố, khi hàng xóm sửa nhà là một cực hình. Chúng ta thường sẽ phải chịu đựng đất cát xi măng của nhà bên cạnh đổ ra đường, chịu đựng tiếng ồn khoan cắt giữa trưa hay nửa đêm. Hàng xóm biết điều lắm thì làm tấm bạc che cho các nhà khác đỡ bụi. Hồi mình ở nhà phố, có khi nhà này xây sửa xong làm nứt luôn tường của nhà bên cạnh” – chị Ngọc Anh chia sẻ thêm.

Sống văn hóa trong những tòa cao ốc: Mua chung cư là mua cả một cộng đồng, hở ra là... ăn biên bản - Ảnh 6.

Nếu ở nhà phố, chúng ta phải chịu đựng việc cuối tuần hàng xóm hát karaoke, lễ tết ma chay xóm giềng trưng dụng luôn phần đường chung của cả xóm hay sáng sáng thức dậy lại phải quét đi đống phóng uế của thú cưng nhà bên cạnh thì ở chung cư, những điều ấy đều được quy định rõ ràng. Cứ thực hiện sai sẽ nhận biên bản cảnh cáo, phạt tiền theo quy định hoặc dừng cung cấp những dịch vụ như điện nước, chỗ giữ xe và việc tiếp cận các dịch vụ khác.

Có những quy định của chung cư thể hiện được sự bảo vệ quyền riêng tư tuyệt đối của người dân và đảm bảo an ninh tối ưu. “Mình rất thích quy định về hồ bơi là không chụp ảnh. Nếu mình nghi ngờ người khác chụp ảnh có dính mình vào, mình hoàn toàn có thể yêu cầu xem ảnh và bắt họ xóa, hoặc nhờ bảo vệ can thiệp. Điều này thể hiện được sự tân tiến của các quy định, mặt khác không phải đôi co lời qua tiếng lại, cứ y luật mà làm” – chị Ngọc Diệp, chủ căn hộ Vista Verde (quận 2) chia sẻ.

Tùy vào các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời và số tiền mình dành dụm được mà người ta lựa chọn mua nhà phố hay chung cư. Nhưng một điều dễ dàng nhận thấy là với những người trẻ, có lối sống năng động, có nhu cầu ở trong môi trường phù hợp với tầng lớp chính mình, thường sẽ lựa chọn mua chung cư. Nếu ngày xưa ở nhà phố, người ta dễ chọn lối sống “đèn nhà ai nấy rạng” thì ở chung cư, tinh thần cộng đồng được đề cao hơn cả, mọi người bao bọc nhau hơn để khi có những vấn đề về lợi ích cần phản ánh với Ban quản lý, một người lên tiếng sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ.

Vì vậy khi chọn mua chung cư, dự kiến những người sống cùng với mình nằm trong tầng lớp nào cũng là điều quan trọng. Việc này sẽ thường được phân loại dựa trên giá cả của chung cư. Vì thế, câu tục ngữ “bán anh em xa, mua láng giềng gần” khi áp vào ngữ cảnh của chung cư, không còn đơn thuần chỉ tình làng nghĩa xóm, mà còn nói đến mặt bằng tri thức, điều kiện kinh tế của những hàng xóm bên cạnh căn hộ của mình.

Theo Bùi Thư

Trí thức trẻ

Trở lên trên