Sóng vàng lúc này có dữ?
Chưa đầy một tháng, giá vàng trong nước tăng một bước tới hơn 8%. Mức sóng cao này cực hiếm trong hơn hai năm qua...
- 05-07-2016Chiều 5/7, giá vàng tuột khỏi mốc 37 triệu đồng/lượng
- 05-07-2016Đổ xô đi mua vàng dù giá tăng dựng đứng
- 05-07-2016Giá vàng tăng chóng mặt, lập đỉnh 2 năm
Bỏ qua cá biệt của ngày vía Thần Tài hàng năm, hình ảnh người dân xếp hàng mua vàng đầu ngày 5/7 tại một số cửa hàng hẳn gợi nhớ những con sóng trong quá khứ, đặc biệt trong năm 2011.
Cái nhíu mày của nhà điều hành chính sách, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước, hẳn hướng về hình ảnh đó.
Kẻ sang đường bất ngờ
Chưa đầy một tháng, giá vàng trong nước tăng một bước tới hơn 8%. Mức sóng cao này cực hiếm trong hơn hai năm qua.
Tỷ suất sinh lời ấn tượng trong thời gian cực ngắn đó đang thu hút những con mắt trên thị trường, và chắc chắn có thêm cái nhíu mày của nhà điều hành chính sách.
Như phân tích trong một bài viết hai tuần trước trên VnEconomy , sự trỗi dậy của vàng có thể sẽ là kẻ sang đường bất ngờ trong nỗ lực theo đuổi mục tiêu giảm lãi suất cho vay; nếu nói rộng hơn nữa là nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trùng hợp, hiện chưa rõ mức độ liên quan, nhưng nhiều ngân hàng thương mại đã lại rục rịch tăng lãi suất huy động. Dù mức tăng hầu hết rất thấp, chủ yếu phản ánh nhu cầu cân đối vốn cục bộ, nhưng cũng gợi lên một sự ám ảnh.
Trong quá khứ và mối liên hệ thường thấy, việc vàng nổi sóng lớn dễ xô đẩy thanh khoản hệ thống và sự ổn định của tỷ giá.
Độ lỏng của tiền gửi dân cư, sự linh hoạt và năng động dịch chuyển giữa các kênh đầu tư, khi ở mức độ lớn đều đe dọa đến ổn định thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Quy mô dịch chuyển vốn càng lớn, cầu càng mạnh có thể đẩy giá trong nước vênh cao so với giá thế giới, do mức độ liên thông giữa hai thị trường rất hạn chế, lại có thể kích thích hoạt động nhập lậu, tăng cầu ngoại tệ mà gây áp lực tỷ giá...
Sóng vàng, nếu như trên, là sóng dữ. Nhưng những tương tác trên đến nay đã khác.
Đòn bẩy đã gãy
Khác biệt căn bản của sóng vàng hiện nay là mức độ thu hút vốn cùng rủi ro liên quan.
Trong quá khứ, sóng vàng thường bị khuếch đại ảnh hưởng, hay rốn hút vốn được mở rộng hơn, bằng đòn bẩy tín dụng. Đòn bẩy cả cung lẫn cầu, từ vay mượn vàng của ngân hàng để bán khống, vay vốn ngân hàng để đầu cơ.
Khi đó, biến động giá càng mạnh, vòng xoáy rủi ro càng lớn. Áp lực bù đắp giá trị tài sản bảo đảm vay vốn vàng, áp lực dự phòng rủi ro đầu tư, áp lực đóng trạng thái vốn vàng đã chuyển đổi... đều dễ dẫn tới những hệ lụy lớn, thậm chí cả rủi ro pháp lý (có những trường hợp đến nay vẫn nặng dư âm). Cộng hưởng, hoạt động kinh doanh vàng, đầu tư vàng qua tài khoản, qua sàn vàng... càng tạo thêm mức độ dữ dằn của các con sóng.
Còn nay, bộ khuếch đại là đòn bẩy tín dụng, huy động và vay mượn vốn vàng giữa ngân hàng với các tổ chức, cá nhân đã bị bẻ gãy. Sàn vàng và đầu tư vàng tài khoản đã bị xóa bỏ. Về lý thuyết của cơ chế và chính sách, nguồn lực tham gia đẩy cao những con sóng vàng hiện nay đã bị cắt đi một cấu phần quan trọng so với trước.
Dòng vốn theo đuổi con sóng vàng hiện nay hồn nhiên và tự thân hơn trước, sóng vàng vì thế cũng bớt dữ dằn hơn.
Và khi một bộ phận vốn trong dân cư lựa chọn, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải cân nhắc việc sống chung với thực tế dòng tiền gửi vào hệ thống có thể bị chia sẻ, thanh khoản và mục tiêu giảm lãi suất cho vay có thể thêm thử thách - một cách khách quan.
Còn với dòng vốn dân cư đang chạy theo con sóng hiện nay, có lẽ cũng cần để ý rằng: trên thế giới, các nhà đầu tư đã mua hơn 500 tấn vàng, và họ đã mua phần lớn từ trước chứ không phải chen mua lúc giá dâng cao.
VnEconomy