Sốt ruột chờ giá điện mặt trời áp mái
Nhiều hộ dân, doanh nghiệp kiến nghị giữ mức giá điện mặt trời 9,35 cent/KWh như trước ngày 30-6.
- 10-10-2019"Phất” nhờ điện gió, điện mặt trời
- 06-10-2019Một mức giá điện mặt trời: Lo kém cạnh tranh, quá tải lưới điện
- 02-10-2019ADB và DHD ký thỏa thuận cung cấp nguồn điện mặt trời nổi quy mô lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam
Mới đây, tại Hội nghị khách hàng về phát triển điện mặt trời trên mái nhà do Công ty Điện lực Tân Bình (thuộc Tổng Công ty Điện lực TP HCM - EVNHCMC) tổ chức, nhiều khách hàng bày tỏ mong muốn lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để giảm chi phí tiền điện mỗi tháng nhưng đang băn khoăn vì chưa có giá mua bán điện mặt trời trên mái nhà phát ngược lên lưới kể từ ngày 1-7-2019. "Do chưa biết giá mua bán điện cụ thể nên tôi chưa tính toán được lời lỗ thế nào để đầu tư" - ông Trần Hữu Nguyên, ngụ phường 3, quận Tân Bình, TP HCM - chia sẻ.
Nhân viên điện lực TP HCM hướng dẫn một hộ dân đã lắp điện mặt trời trên mái nhà nối lưới cách đọc các thông số hiển thị trên bộ inverter hòa lưới
Không riêng các khách hàng của ngành điện tại địa bàn quận Tân Bình mà 2-3 tháng nay, tại các hội nghị xúc tiến về phát triển điện mặt trời trên mái nhà, điện lực TP HCM đều tiếp nhận nhiều ý kiến tương tự. Không chỉ khách hàng có ý định lắp hệ thống điện mặt trời mong chờ giá điện mới mà cả những người đã gắn điện mặt trời trên mái nhà trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua cũng sốt ruột ngóng thông tin, với hy vọng giá mua điện sẽ được giữ nguyên như trước, tức 9,35 cent/KWh.
Theo ông Nguyễn Duy Quốc Việt, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC, số lượng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà nối lưới tại TP HCM trong tháng 8 giảm nhiều so với cao điểm tháng 6. Cụ thể, trong tháng 8 chỉ có 557 công trình nối lưới với tổng công suất là 5,25 MWp trong khi tháng 6 có đến 856 công trình với tổng công suất 11,01 MWp, tương đương mức giảm 35% về số lượng công trình và hơn 50% về công suất. Ông Nguyễn Duy Quốc Việt cho biết thêm từ 1-7 đến nay, các công ty điện lực trên địa bàn TP vẫn thực hiện việc nối lưới đối với các công trình điện mặt trời có nhu cầu nối lưới như trước ngày 30-6; hằng tháng vẫn ghi nhận lượng điện phát lên lưới. Tuy nhiên, do chưa có quy định về giá mua bán điện phát lên lưới nên chưa thể ký hợp đồng mua bán điện mặt trời và thanh toán tiền mua điện cho chủ đầu tư. "Kiến nghị giữ nguyên giá mua điện là hợp lý nhằm khuyến khích các doanh nghiệp và người dân lắp đặt và sử dụng điện mặt trời trên mái nhà" - ông Quốc Việt nêu quan điểm.
Theo dự thảo mới nhất về giá điện mặt trời do Bộ Công Thương đề xuất, giá mua điện mặt trời áp mái vẫn giữ nguyên ở mức ưu đãi 9,35 cents/KWh và sẽ kéo dài tới năm 2021. Nếu mức giá này được chính thức thông qua, thị trường điện mặt trời áp mái sẽ có bước phát triển mạnh trong những tháng cuối năm.
Cần chính sách hỗ trợ lắp đặt
EVNHCMC đã có kiến nghị UBND TP HCM và các bộ, ngành liên quan đưa việc lắp đặt điện mặt trời áp mái thành yêu cầu bắt buộc đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước. Ngoài ra, để thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái, cần có các chương trình hỗ trợ lắp đặt điện mặt trời tương tự như chương trình hỗ trợ lắp đặt bình nước nóng năng lượng mặt trời trước đây; sớm ban hành các quy định thuận lợi về việc xin giấy phép xây dựng, về quy định tải trọng lên kết cấu mái khi lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà.
Cùng với đó, cần sớm ban hành các tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để tạo điều kiện cho người dân lựa chọn và sử dụng; quy định pháp lý cho hoạt động của bên thứ ba (ESCO) tham gia lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà.
Cũng theo EVNHCMC, TP HCM có tiềm năng rất lớn về diện tích mái. Bên cạnh đó, nếu phát triển điện mặt trời mái nhà thì ngành điện không phải đầu tư lưới truyền tải, giảm nhu cầu phụ tải vào ban ngày, nâng cao và làm lan tỏa ý thức tiết kiệm, sử dụng năng lượng xanh và bảo vệ môi trường. Do đó cần ưu tiên và tạo điều kiện để phát triển điện mặt trời trên mái nhà.
Người lao động