SSI bác thông tin muốn mua cổ phần Sabeco
Trả lời trên Bloomberg, ông Lê Hồng Xanh, Tổng giám đốc Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho biết, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) là cái tên mới nhất trong danh sách đối tác tiềm năng muốn mua cổ phần Sabeco.
- 07-09-2016Chính phủ liêm chính: ‘Người dân đang nhìn Vinamilk, Sabeco’
- 07-09-2016Habeco và Sabeco sắp lên sàn, nhưng yêu cầu sau của Bộ Tài chính có thể khiến hai ông lớn ngành bia… mất giá
- 03-09-2016Bán vốn Nhà nước tại Sabeco, Habeco: Tính riêng giá trị quyền sử dụng đất để làm gì?
Trả lời trên Bloomberg, ông Lê Hồng Xanh, Tổng giám đốc Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho biết có nhiều công ty ngoại muốn mua cổ phần của Sabeco như Heineken, Anheuser-Busch InBev, Asahi, Kirin Holdings, Singha Asia Holding, Thai Beverage Pcl.
Ông Xanh cũng cho biết, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) là cái tên mới nhất trong danh sách đối tác tiềm năng muốn mua cổ phần Sabeco.
Tuy nhiên, trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc SSI cho rằng, đúng là cách đây 4 năm SSI từng có ý định mua cổ phần Sabeco, tuy nhiên bây giờ thì không và cũng không hiểu tại sao SSI được đề cập trong bối cảnh hiện nay.
Trước đó, Thủ tướng đã yêu cầu hai tổng công ty Sabeco và Habeco phải niêm yết sớm.
"Hiện nay Sabeco và Habeco chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, đây là trách nhiệm của hai doanh nghiệp không thực hiện đúng tinh thần của luật. Luật đã quy định, đã tất cả các doanh nghiệp thuộc diện này đều phải niêm yết, không phải chuyện muốn hay là không", Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt lại những chỉ đạo của Thủ tướng.
Thông tin thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo việc thoái vốn tại Habeco và Sabeco phải thực hiện công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, tránh hiện tượng lợi ích nhóm trong quá trình thoái vốn và gây thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, cổ đông.
Đồng thời, phải tiến hành niêm yết cổ phiếu của hai đơn vị này trước khi thực hiện việc thoái vốn, tổ chức thuê tư vấn, kể cả tư vấn nước ngoài để bảo đảm chính xác, minh bạch.
Sabeco là hãng bia Việt lớn nhất hiện nay với tổng tài sản 18.130 tỷ đồng, Nhà nước đang nắm giữ 89,59% vốn và đã có kế hoạch thoái.
Do vốn của Sabeco lớn nên Bộ Công Thương đề nghị thoái vốn chủ sở hữu Nhà nước theo lộ trình làm hai đợt, đợt 1 bán 53,59% vốn điều lệ, tương đương 24.000 tỷ đồng trong năm 2016. Đợt 2 bán 36% vốn điều lệ còn lại, tương đương 16.000 tỷ đồng trong năm 2017 sau khi Sabeco đã thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán.
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016, cho thấy doanh thu công ty mẹ Sabeco đạt 14.322 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.971 tỷ đồng. Đặc biệt, Sabeco có lượng tiền mặt gần 8.200 tỷ đồng gửi ngân hàng với kỳ hạn không quá 3 tháng, hưởng lãi suất 5,5 -6,2% một năm.
Cũng theo báo cáo tài chính, Sabeco có khoảng 4.076 tỷ đồng đầu tư vào công ty con, công ty liên kết. Tuy nhiên, công ty đã phải trích lập khoảng 490 tỷ đồng dự phòng.
Đặc biệt, hai khoản đầu tư gây thua lỗ cho Sabeco là đầu tư 216 tỷ đồng vào Ngân hàng Thương mại Phương Đông (OCB) - hiện đã thua lỗ và trích lập dự phòng khoảng 158 tỷ đồng. Khoản đầu tư 136 tỷ đồng vào Ngân hàng Thương mại Đông Á (DongABank) cũng khiến công ty đang phải hạch toán lỗ và trích lập tới 111 tỷ đồng.
VnEconomy