MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SSI (mẹ) báo lãi hơn 1.400 tỷ đồng trong năm 2018, dư nợ margin gần 6.000 tỷ đồng

SSI (mẹ) ghi nhận 261,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 4/2018, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế năm 2018, SSI ghi nhận 1.421 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 35%.

Chứng khoán SSI vừa công bố báo cáo hoạt động riêng quý 4/2018 với doanh thu hoạt động 859,4 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu môi giới chứng khoán giảm 36% xuống 200 tỷ đồng; doanh thu tư vấn tài chính giảm 76% xuống 22 tỷ đồng.

Lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng 15% lên 173,3 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2018, dư nợ margin của SSI lên tới 5.888 tỷ đồng, tăng 255 tỷ đồng so với đầu năm.

Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 44% xuống 106 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đến từ cổ tức, tiền lãi phát sinh từ tài sản tài chính FVTPL với 57,2 tỷ đồng. Hiện tại, danh mục FVTPL của SSI có giá trị gốc 2.272 tỷ đồng, trong đó đầu tư vào cổ phiếu niêm yết và chứng chỉ quỹ 1.590 tỷ đồng, nhưng giá trị hợp lý chỉ còn 1.352 tỷ đồng. Những khoản đầu tư giảm giá mạnh của SSI có thể kể tới như GEX, ELC, DBC, FPT.

SSI (mẹ) báo lãi hơn 1.400 tỷ đồng trong năm 2018, dư nợ margin gần 6.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Lãi từ các tài sản tài chính sắn sàng để bán (AFS) tăng nhẹ 6% lên 130 tỷ đồng. Danh mục AFS của SSI có giá trị gốc 897 tỷ đồng nhưng giá trị hợp lý lên gần 1.200 tỷ đồng. Theo chế độ kế toán hiện hành, các tài sản tài chính AFS cũng được ghi nhận theo giá thị trường nhưng hạch toán chênh lệch vào vốn chủ sở hữu trên BCTC trong khoản mục "chênh lệch đánh giá tài sản theo giá trị hợp lý". Trong danh mục AFS của SSI có một số cái tên đáng chú ý như SGN, DHC, HAH và một số cổ phiếu chưa niêm yết như Pan Farm, ConCung.

Lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) tăng 60% lên 214 tỷ đồng. Tính tới cuối năm 2018, SSI có 12.312 tỷ đồng tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn còn lại dưới 1 năm (trong đó có 4.145 tỷ đồng dùng để đảm bảo các khoản vay thấu chi và 7.167 tỷ đồng dùng để đảm bảo cho khoản vay ngắn hạn của công ty).

Chi phí hoạt động trong quý 4/2018 của SSI giảm nhẹ so với năm ngoái còn 463 tỷ đồng. Trong đó, lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL 219 tỷ đồng (chủ yếu là đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL); chi phí môi giới chiếm gần 165 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính tăng vọt từ mức 6 tỷ đồng trong quý 4/2017 lên 135,4 tỷ đồng nhờ lãi thanh lý các khoản đầu tư vào công ty con, liên kết. Chi phí tài chính cũng tăng gấp rưỡi lên 157 tỷ đồng, chủ yếu đến từ tăng chi phí lãi vay.

Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh trong kỳ, SSI (mẹ) ghi nhận 261,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 4/2018, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2018, SSI (mẹ) ghi nhận 1.421 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 35%.

Tính tới cuối năm 2018, giá trị các khoản phải thu của SSI lên tới 302 tỷ đồng, trong đó có khoản phải thu khó đòi với giá trị 297 tỷ đồng tại công ty TNHH TMXD Phúc Bảo Minh và đã trích lập dự phòng 100% cho khoản này.

SSI (mẹ) báo lãi hơn 1.400 tỷ đồng trong năm 2018, dư nợ margin gần 6.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên