SSI Research: Áp lực tăng lãi suất của Fed đã phản ánh phần lớn, chứng khoán tháng 3 sẽ "vượt bão" nhờ hai động lực chính
SSI Research cho rằng tác động từ việc FED nâng lãi suất trong tháng 3 có thể đã được phản ánh phần lớn. Trong ngắn hạn, những biến số về mâu thuẫn Nga-Ukraine mặc dù không tác động lớn đến TTCK Việt Nam nhưng vẫn là rủi ro cần nhà đầu theo dõi và thận trọng.
- 05-03-2022CII tiếp tục muốn bán thêm 9 triệu cổ phiếu quỹ
- 05-03-2022Môi giới chứng khoán tháng đầu 2 triệu, sau 1 năm "tăng vọt" 100 triệu: Loạt góc khuất bị khách mắng, doạ đánh và tại sao lại GIÀU nhanh vậy?
- 05-03-2022Chuyên gia: Lạm phát không quá đáng ngại, chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội hấp dẫn
Trong Báo cáo chiến lược mới công bố, Công ty Chứng khoán SSI đánh giá TTCK Việt Nam nỗ lực phục hồi trong tháng 2, tuy nhiên động lực tăng lại khá yếu khi nhiều lần thoái lui từ mốc tâm lý 1.500 điểm. Một phần do tâm lý nhà đầu tư thận trọng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, một phần do tác động tiêu cực từ sự đi xuống của TTCK Mỹ trước lo ngại FED sẽ tăng lãi suất mạnh tay. Bên cạnh đó, căng thẳng giữa Nga và Ukraine có tín hiệu leo thang từ giữa tháng cũng là một yếu tố gián tiếp hạn chế khả năng hồi phục trên TTCK Việt Nam.
Tuy vậy, TTCK Việt Nam cho thấy sức chống chịu với rủi ro khá tốt khi diễn biến tích cực hơn TTCK Mỹ. Chỉ số đại diện thị trường chung đóng cửa vẫn đạt mức tăng nhẹ so với tháng trước. Cụ thể, chỉ số VN-Index tăng 11,17 điểm (+0,76%) lên 1.490,13 điểm; trong đó nhóm trung bình thấp hồi phục mạnh hơn mức tăng 1,56% của chỉ số VNMidcap và 13,12% của chỉ số VNSmallcap, riêng chỉ số VN30 vẫn mất 15,06 điểm (-0,98%) điểm số.
Sang đến tháng 3, nhóm phân tích cho rằng thị trường chứng khoán vẫn có thể chịu tác động bởi chính sách lãi suất của FED và căng thẳng Nga-Ukraina leo thang.
Với diễn biến bất ngờ từ căng thẳng Nga-Ukraina, TTCK Việt Nam đã không tránh khỏi khoảng thời gian biến động, song SSI cho rằng tác động trực tiếp của tình hình xung đột Nga-Ukraine hiện không phải quá lớn với tỷ trọng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của 2 nước đều chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, rủi ro ngắn hạn đối với Việt Nam khi xung đột kéo dài là áp lực lạm phát có thể tăng mạnh và sớm hơn so với dự kiến.
Mặt khác, liên quan đến kế hoạch tăng lãi suất của FED, áp lực đối với đồng VND đã phần nào xuất hiện trong thời gian qua, khi đồng USD có xu hướng mạnh lên ở thị trường quốc tế cũng như cán cân thương mại nhập siêu (2 tháng đầu năm ước tính 0,9 tỷ USD) và giai đoạn cao điểm nguồn kiều hối đã qua. Tuy nhiên, SSI cho rằng cán cân thương mại sẽ nhanh chóng được cải thiện khi xuất khẩu hồi phục và sẽ giúp đồng VND duy trì được sức mạnh.
Nhìn nhận diễn biến của TTCK trong giai đoạn vừa qua, tác động từ việc FED nâng lãi suất trong tháng 3 có thể đã được phản ánh phần lớn. Hơn nữa, diễn biến các chỉ số trên TTCK Việt Nam và chỉ số S&P 500 trên TTCK Mỹ cho thấy mức độ tương quan khá thấp.
"Chúng tôi cho rằng tác động từ việc FED nâng lãi suất trong tháng 3 có thể đã được phản ánh phần lớn. Trong ngắn hạn, những biến số về mâu thuẫn Nga-Ukraine mặc dù không tác động lớn đến TTCK Việt Nam nhưng vẫn là rủi ro cần nhà đầu theo dõi và thận trọng.
Mặt khác, quyết tâm mở cửa nền kinh tế sớm hơn dự kiến kể từ 15/3 là một yếu tố tạo ra kỳ vọng tích cực đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Với diễn biến tăng mạnh của giá hàng hóa, vẫn có thể kỳ vọng vào các biện pháp kiểm soát giá của Chính phủ sẽ tiếp tục đem lại hiệu quả, hạn chế ảnh hưởng của lạm phát tới quá trình phục hồi kinh tế", nhóm phân tích SSI đánh giá.
Về định giá, hệ số P/E 2022 của VN-Index năm 2022 hiện ở mức 14,2 lần, SSI vẫn duy trì quan điểm mức định giá này đang hấp dẫn hơn so với hầu hết các thị trường trong khu vực. Công ty chứng khoán này cho rằng có hai yếu tố tích cực có thể tác động đến thị trường trong tháng 3 bao gồm (1) kết quả kinh doanh sơ bộ Q1/2022 và (2) kế hoạch định hướng năm 2022 trong mùa ĐHCĐ đang đến gần.
Nhóm phân tích kỳ vọng diễn biến tương tự sẽ tiếp tục trong Q1/2022 khi thị trường đang có những kỳ vọng nhất định vào nhu cầu tiêu dùng sẽ hồi phục sớm hơn dự kiến. Cụ thể, một tín hiệu đáng mừng cho sự phục hồi của ngành bán lẻ trong thời gian tới là sự cải thiện của doanh thu bán lẻ tại TP.HCM, khi tăng 3,4% so với cùng kỳ.
Về góc nhìn kỹ thuật, chỉ số VN-Index hiện đang trong trạng thái đi ngang giữa vùng kháng cự 1.512 điểm và vùng hỗ trợ 1.470 điểm. Vùng 1.470 điểm là mốc hỗ trợ quan trọng, nếu chỉ số VN-Index giữ vùng hỗ trợ này đi cùng với thanh khoản cải thiện dần thì đây là tín hiệu gia tăng tỷ trọng cổ phiếu với kỳ vọng chỉ số sẽ kiểm lại vùng đỉnh cũ 1.537 điểm. Ngược lại, nếu bị phá vỡ thì vùng hỗ trợ tiếp theo trên chỉ số VN-Index được xác định quanh vùng 1.440 – 1.423 điểm.
Bên cạnh đó, SSI tiếp tục duy trì quan điểm về việc kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ sớm quay trở lại Việt Nam với sự phân kỳ của chính sách tiền tệ/tài khóa của Việt Nam và thế giới và sự ổn định của tỷ giá. Một thông tin tích cực khác là trong thời gian tới, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chuẩn bị chào đón thêm một quỹ đầu tư đến từ Thái Lan, có tên gọi là là quỹ SCBRMVIET, thuộc SCBAM đến từ Thái Lan. Quỹ sẽ bắt đầu gọi vốn lần đầu từ ngày 1/3 đến ngày 7/3.