SSI Research: Lợi nhuận Hải An (HAH) và Gemadept (GMD) ước tính tăng trưởng hai đến ba chữ số trong quý 3/2021
Dự tính trong quý 4, giá cước vận tải tăng sẽ tiếp tục đáng kể từ tháng 10 khi nhu cầu vận tải container kỳ vọng tăng mạnh mẽ nhờ phục hồi hoạt động sản xuất trong khi nguồn cung trong nước khan hiếm do nhiều tàu container trong nước đã được cho thuê ra thị trường quốc tế trong năm nay.
Cập nhật trong báo cáo triển vọng thị trường, SSI Research đã đưa ra ước tính kết quả kinh doanh quý 3/2021 của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã chứng khoán: HAH) với lợi nhuận sau thuế ước đạt khoảng 80 tỷ đồng, gấp 3,7 lần thực hiện quý 3/2020.
Cụ thể, SSI Research đánh giá, mặc dù sản lượng vận tải nội địa vẫn chịu ảnh hưởng do dịch bệnh lan mạnh tới khu vực sản xuất và có một tàu tạm nghỉ để lên đà bảo dưỡng, song, nhờ việc gia tăng thị phần và đóng góp lớn từ các tàu cho thuê, HAH vẫn tăng trưởng ấn tượng khoảng 250% so với cùng kỳ.
Dự tính trong quý 4, giá cước vận tải tăng sẽ tiếp tục đáng kể từ tháng 10 khi nhu cầu vận tải container kỳ vọng tăng mạnh mẽ nhờ phục hồi hoạt động sản xuất sau các đợt giãn cách xã hội, trong khi đó nguồn cung trong nước khan hiếm do nhiều tàu container trong nước đã được cho thuê ra thị trường quốc tế trong năm nay. SSI Research cho rằng điều này sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận cho HAH.
HAH đã liên tục mở rộng đội tàu và gia tăng sản lượng qua việc phê duyệt kế hoạch đầu tư 3-4 tàu container mới (tăng 55% công suất) trong giai đoạn 2021 - 2024, tận dụng điều kiện thị trường thuận lợi để củng cố vị trí số 1 về vận tải container tại Việt Nam.
Ngoài ra, mặc dù giá dầu nhiên liệu đã tăng rất mạnh, tuy nhiên chi phí nhiên liệu thường chiếm 30% tổng chi phí, do vậy mức tăng giá cước vận tải có thể hoàn toàn đủ bù đắp sự gia tăng chi phí nhiên liệu. Ngoài ra, kể từ quý 4/2021, số lượng tàu cho thuê sẽ tăng từ 2 lên 3 tàu, trong khi số lượng tàu tự vận hành sẽ giảm từ 6 xuống 5 tàu, điều này giúp HAH giảm được rủi ro liên quan giá dầu nhiên liệu tăng.
SSI Research dự phóng mức lãi ròng của HAH sẽ đạt 330 tỷ đồng, tương đương tăng 139% so với cùng kỳ trong năm 2021 và 566 tỷ đồng, ứng với tăng 71% so với cùng kỳ trong năm 2022. Theo đó, HAH đang giao dịch với hệ số P/E năm 2021 và 2022 lần lượt là 9,9 lần và 5,5 lần - mức định giá khá hấp dẫn.
Hiện thị giá HAH giao dịch trên thị trường ở mức đồng/cổ phiếu (chốt phiên 7/10). Vùng giá mục tiêu 1 năm SSI đưa ra là 78.400 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến cổ phiếu HAH 1 năm gần đây
Một doanh nghiệp khác cùng ngành cảng biển logistics là CTCP Gemadept (mã chứng khoán: GMD), SSI Research cũng kỳ vọng giữ đà tăng trưởng trong quý 3/2021. Lợi nhuận trước thuế trong quý 3 ước tính có thể duy trì mức tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ, tương ứng khoảng hơn 174 tỷ đồng.
Theo SSI, khu vực Cái Mép vẫn duy trì được tăng trưởng và cảng Gemalink đang theo khá sát tiến độ. Trên thực tế, nhóm cảng Hải Phòng ít chịu ảnh hưởng hơn và tăng trưởng khả quan nhờ các tuyến tàu mới, giúp bù đắp cho khu vực phía Nam.
Cụ thể hơn,cảng Gemalink đã tăng sản lượng nhanh chóng và triển vọng sẽ có thể chạy hết công suất và có lãi từ quý 4/2021. Sản lượng ước tính đạt 900 nghìn đến 1 triệu TEU cho năm 2021, giúp cảng Gemalink có lãi ngay trong năm đầu và đóng góp mức tăng thêm 50% vào tổng sản lượng hệ thống cảng của GMD. Dự kiến Gemalink có thể đạt công suất tối đa trong năm 2022 nhờ nhu cầu hàng hóa tăng mạnh mẽ ở khu vực Cái Mép.
Trong bối cảnh cảng vận tải hưởng lợi nhờ thị trường vận tải biển nóng lên, GMD sẽ tăng cường cho thuê tàu để hưởng lợi từ giá thuê tăng cao, với 3 trên tổng số 4 tàu container được cho thuê.
SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 762 tỷ đồng, tương ứng tăng 49% và trong năm 2022 là 1037 tỷ đồng, tương đương mức tăng 36% so với cùng kỳ.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên 7/10, giá cổ phiếu GMD đạt 48.000 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến cổ phiếu GMD 1 năm gần đây
Doanh Nghiệp Tiếp Thị