MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SSI Research: Nợ tái cơ cấu của Vietcombank có thể lên đến 12.000 tỷ đồng

12-11-2021 - 11:01 AM | Tài chính - ngân hàng

SSI Research: Nợ tái cơ cấu của Vietcombank có thể lên đến 12.000 tỷ đồng

Theo SSI Research, các khoản nợ tái cơ cấu có thể tăng lên khoảng 11-12 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2021. Với sự gia tăng của các khoản nợ tái cơ cấu hiện tại và dự kiến, chi phí dự phòng có thể vượt so với con số kế hoạch.

Trong báo báo cáo phân tích mới công bố, SSI Research cho rằng mặc dù có sự suy yếu nhưng chất lượng tài sản không phải là mối quan tâm lớn tại Vietcombank.

Theo đó, tổng các khoản cho vay bị ảnh hưởng chiếm khoảng 4-5% tổng dư nợ. Tuy nhiên, tổng mức trích lập dự phòng vào cuối tháng 9 là 26,4 nghìn tỷ đồng, cao hơn tổng tài sản có vấn đề (Nợ nhóm 2, nợ xấu và nợ tái cơ cấu). Ngân hàng cũng chia sẻ rằng trong đợt bùng phát dịch Covid-19 trước đó, tỷ lệ các khoản nợ tái cơ cấu chuyển thành nợ xấu chỉ ở mức 4-5%

SSI Research cho biết Vietcombank có kế hoạch xử lý nợ xấu trong quý 4/2021 với mục tiêu tỷ lệ nợ xấu dưới 1% vào cuối năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu mục tiêu trong khoảng 200-250%.

Nhóm phân tích dự báo các khoản nợ tái cơ cấu có thể tăng lên khoảng 11-12 nghìn tỷ đồng vào cuối năm. Trước đó, Vietcombank đã ước tính trích lập dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu là 4 nghìn tỷ đồng và đã lên kế hoạch trích lập toàn bộ trong năm 2021 thay vì trải đều trong thời gian 3 năm. Khoản 4 nghìn tỷ đồng này đã nằm trong kế hoạch tổng chi phí dự phòng cho cả năm 2021 ở mức 10 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, với sự gia tăng của các khoản nợ tái cơ cấu hiện tại và dự kiến, chi phí dự phòng có thể vượt so với con số kế hoạch.

Đối với kế hoạch tăng vốn, SSI Research cho biết Vietcombank kỳ vọng hoàn tất chia cổ tức bằng cổ phiếu vào cuối năm nay.

Trước đó, Hội đồng quản trị Vietcombank đã phê duyệt tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2019, theo phương án đã được Đại hội cổ đông thông qua.

Cụ thể, Vietcombank dự kiến phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu (tương đương 27,6%) để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 sau khi chia cổ tức 8% bằng tiền. Sau phát hành, vốn điều lệ thêm 10.236 tỷ đồng lên hơn 47.325 tỷ đồng.

Về kế hoạch phát hành riêng lẻ, SSI Research cho rằng Vietcombank sẽ bắt đầu triển khai tìm đơn vị tư vấn tài chính và pháp lý vào đầu 2022.

''Do quá trình này tốn nhiều thời gian, Vietcombank kỳ vọng thương vụ sẽ hoàn tất sớm nhất vào giữa năm 2022'', báo cáo SSI Research cho biết.

Theo kế hoạch đề ra, sau khi chia cổ tức, Vietcombank sẽ phát hành riêng lẻ gần 308 triệu cổ phiếu, tương đương 6,5% vốn điều lệ cho tối đa 99 nhà đầu tư.

Trong đó, phát hành cho đối tác chiến lược Ngân hàng Mizuho để giữ tỷ lệ sở hữu tối thiểu 15% (dự kiến hơn 46,1 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,92% tổng số cổ phiếu sau phát hành) trên cơ sở quyết định đầu tư của Ngân hàng Mizuho; phát hành cho các nhà đầu tư khác có thể gồm cả Mizuho dự kiến gần 261,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 5,19% tổng số cổ phiếu sau phát hành.

Thời gian thực hiện trong năm 2021 và tiếp tục trong năm 2022 nếu chưa hoàn thành. Giá phát hành sẽ không thấp hơn bình quân giá đóng cửa của 10 phiên gần nhất trước ngày nhà đầu tư thông báo mua. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Sau khi hoàn tất phát hành riêng lẻ, vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng thêm 3.076 tỷ đồng lên hơn 50.401 tỷ đồng.

Mạnh Đức

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên