MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Startup chia sẻ bị coi là “trẻ con” khi trình bày ý tưởng với doanh nghiệp lớn, CEO Viettel nói: “Hãy tự trách mình!”

Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng startup có ý tưởng tốt cần biết bán ý tưởng đó cho doanh nghiệp lớn.

Những ý tưởng của “trẻ con”

Trong buổi tọa đàm Doanh nghiệp ICT Việt vươn ra thế giới, Nguyễn Hữu Tuất, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ mPoS Việt Nam chia sẻ, doanh nhân này cảm thấy thiếu doanh nghiệp lớn dẫn dắt startup ở Việt Nam. Thậm chí, Tuấn còn cho biết, nhiều ý tưởng hay khi doanh nhân này đi trình bày đều không được lắng nghe và hỗ trợ.


Ông Nguyễn Hữu Tuất, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ mPoS Việt Nam và ông Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình.

Ông Nguyễn Hữu Tuất, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ mPoS Việt Nam và ông Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình.

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, Nguyễn Hữu Tuất chỉ ra rằng startup nhất thiết phải chứng minh được hai điều kiện mới mong thu hút nhà đầu tư. Đầu tiên, ý tưởng phải thật sự xuất sắc, có thể giúp doanh nghiệp tăng trưởng 1.000 lần. Bên cạnh ý tưởng tốt, điều thứ hai startup cần là chứng tỏ sự hoạt động ổn định của công ty với các văn phòng đặt tại Việt Nam, Indonesia, Singapore, Malaysia.

Dù thu hút được nhà đầu tư ngay khi chứng minh mức độ khả thi của ý tưởng, nhưng CEO mPoS cho rằng, các startup Việt đang gặp khó khăn trong thu hút vốn đầu tư của Nhà nước. Hiện tại, chính sách không quy định rõ ràng về startup công nghệ hay doanh nghiệp khởi nghiệp. Ngân sách quốc gia cũng chưa có khoản hỗ trợ cụ thể. Trong khi đó, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp ở Singapore, mPoS đã nhận ngay khoản tài trợ chi phí ra nước ngoài từ Chính phủ, khoảng 200 nghìn USD.

Khó khăn thứ hai là “Việt Nam thiếu các anh lớn dẫn dắt”. Kể câu chuyện gõ cửa một doanh nghiệp lớn, Nguyễn Hữu Tuất cho biết, anh bị coi là “trẻ con” khi trình bày ý tưởng của mình. Tuy nhiên sau đó chính anh đã nhận được sự giúp đỡ của 70 chuyên gia từ các nước trên thế giới, chỉ sau một lần chia sẻ ý tưởng với tập đoàn VISA của Mỹ.

Theo startup này, đứng trên vai người khổng lồ và giúp họ nối dài cánh tay là lựa chọn khôn ngoan hơn đối đầu trực tiếp. Dù vậy, ý tưởng vẫn cần có sự gọt giũa và hỗ trợ từ doanh nghiệp lớn trong nước. Điều này hiện chưa thể tìm thấy do cảm tính và thiếu niềm tin vào startup Việt.

Hãy tự trách mình

Nhận xét về chia sẻ của Nguyễn Hữu Tuất, CEO Viettel Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng startup hãy tự trách mình trước sự phớt lờ của doanh nghiệp lớn. Bởi lẽ startup không đủ nguồn lực phát triển ra toàn cầu và cần bán đi ý tưởng của mình để mời vốn đầu tư.

“Mình có một ý tưởng, mình phải bán được ý tưởng đấy và phải tìm được cách bán được. Không bán được thì mình đã thất bại. Nếu như bây giờ em bán được mà anh Bình (ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT) không nghe thì mới nói rằng anh Bình không biết nghe hay có lỗi. Tuy nhiên ở đây là lỗi do mình” – ông Hùng nói.

Đồng tình với nhận định trên, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình lưu ý các bạn trẻ khởi nghiệp thành công là khi trở thành “mồi” cho các tập đoàn lớn. Trên thế giới, Google hay Facebook đều củng cố sức mạnh của mình qua M&A với các công ty khởi nghiệp sáng tạo. Việt Nam cũng đi một trò chơi chung toàn cầu. Ông Bình khẳng định FPT có thể hỗ trợ tinh thần và sẽ xem xét mua lại startup miễn sao ý tưởng thực sự tốt.

Về phía Viettel, CEO Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tập đoàn này có định hướng đẩy mạnh M&A và đầu tư vốn vào startup. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là hình hài của ý tưởng phải rõ ràng. Thực tế, Viettel đã rót vốn vào nhiều công ty trong lĩnh vực IoT và họ cũng trở thành một phần của hệ sinh thái Viettel. Đây là sự cộng sinh cần thiết, hai bên cùng có lợi: Startup tiếp cận được thị trường Viettel đang có, nhận hỗ trợ kỹ thuật, bán hàng và sau bán hàng; Viettel thêm được những giải pháp sáng tạo mà ở quy mô lớn, Tập đoàn này sẽ không thể tự làm được.

CEO Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Viettel không bao giờ có thể trở thành công ty sáng tạo như các startup dù nhiều người cho rằng như vậy. Ông Hùng chia sẻ, Viettel rất cần hợp tác ở thời điểm hiện tại. Startup nên đến với Viettel vì Tập đoàn này có hệ thống hạ tầng giúp những công ty nhỏ có thể trở thành lớn.

Ở giai đoạn phát triển từ 20 lên 200 người, công ty khởi nghiệp có nhiều nguy cơ thất bại. Vì thế hãy tập trung vào ý tưởng độc đáo và bán tốt ý tưởng đó. Chỉ cần cộng sinh với Viettel, startup sẽ có vốn và kỹ thuật sản xuất sản phẩm chất lượng cao. Cùng với đó là 100 triệu khách hàng và 320 triệu dân ở 12 quốc gia. Nhiều thuận lợi khác cũng sẽ mở ra với startup, song ông Hùng nhắn nhủ: “Những người có một ý tưởng lớn, còn cần phải biết bán tốt hàng hóa ý tưởng của mình”.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên