MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Startup ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới: Thuyết phục người dân ngừng sử dụng ô tô riêng

31-05-2021 - 14:48 PM | Tài chính quốc tế

Startup ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới: Thuyết phục người dân ngừng sử dụng ô tô riêng

Tại thủ đô của Phần Lan – quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, 12% người dùng cho biết ứng dụng Whim đã giúp họ ngừng sử dụng ô tô, trong khi nhiều người đang có ý định làm như vậy.

Sử dụng một dịch vụ vận tải hiệu quả cao, bạn sẽ không cần đến ô tô nữa chính là mục tiêu mà startup Phần Lan MasS Global Oy đã hướng tới từ năm 2015. Công ty này đã phát triển một ứng dụng trên điện thoại có tên là Whim, hiện đã được sử dụng ở 1 số thành phố châu Âu và Tokyo. Tại thủ đô của Phần Lan – quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, 12% người dùng cho biết ứng dụng này đã giúp họ ngừng sử dụng ô tô, trong khi nhiều người đang có ý định làm như vậy.

MasS Global nhận được vốn đầu tư từ những công ty nổi tiếng: BP Plc, Mitsubishi Corp. và Toyota Financial Services. Startup này cho biết ứng dụng của họ có thể khắc phục tình trạng tắc nghẽn ở những khu đô thị và giảm ô nhiễm. Trong khi đó, có nghiên cứu chỉ ra rằng sống trong một môi trường có không khí sạch hơn sẽ giúp sự hạnh phúc và sức khỏe được cải thiện đáng kể.

Whim cung cấp cho người dùng lựa chọn lập kế hoạch và thanh toán cho chuyến đi thông qua một ứng dụng duy nhất. Startup này giúp người dùng truy cập vào một loạt các dịch vụ như xe scooter, xe đạp, phương tiện công cộng và thậm chí taxi với mức giá cố định trên quãng đường ngắn. Các dịch vụ được điều chỉnh ở mỗi thành phố. Whim hiện có khoảng 300.000 người sử dụng trên khắp thế giới.

Gần đây, Whim vừa sáp nhập với Wondo – một công ty đối thủ tại Tây Ban Nha do công ty cơ sở hạ tầng Ferrovial thành lập. 2 startup này đều đóng vai trò là bên thiết lập lộ trình, đề xuất cách đi dễ dàng nhất từ địa điểm A đến B và cung cấp lựa chọn mua vé hoặc đặt xe trên ứng dụng. Ngoài các gói trả tiền một lần, Whim cũng có lựa chọn đăng ký hàng tháng như Netflix.

CEO của công ty - Sampo Hietanen, nói rằng việc tạo ra một thế giới, nơi mọi thứ thuận tiện hơn mà không cần đến ô tô riêng là một cách hiệu quả để cắt giảm lượng khí thải carbon trong lĩnh vực giao thông. Tại Mỹ, hoạt động vận tải chiếm gần 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính, nhiều hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác.

Hietanen cho hay: "Thực tế, nếu muốn giải quyết lượng khí thải CO2 của phương tiện giao thông, chúng ta phải nghĩ ra cách để duy trì việc người dân tự do đi lại, giống như việc sở hữu một chiếc ô tô."

Dẫu vậy, những nghiên cứu gần đây tại Anh và Hà Lan cho thấy người dân vẫn ưa chuộng việc di chuyển bằng ô tô riêng. Những dịch vụ như của Whim lại có xu hướng thu hút phần lớn người đi làm bằng những phương tiện công cộng.

Elena Alyavina, Alexandros Nikitas và Eric Tchouamou Njoya đến từ Đại học Huddersfield (Anh) viết trong một bản báo cáo: "Giá trị của MasS không nằm ở việc cạnh tranh với sự tiện lợi của ô tô cá nhân, điều này hơi viển vông, mà là tạo ra lựa chọn di chuyển đa phương thức. Từ đó, họ có thể mang lại cơ hội cho mọi người trở thành một phần của sáng kiến có mục đích giúp cuộc sống trở nên đáng sống hơn, tạo cơ hội hòa nhập với xã hội và sự bền vững trong tương lai."

Đối với Hietanen, rõ ràng lĩnh vực này vẫn chỉ ở giai đoạn sơ khai. Tiềm năng thực sự của dịch vụ về tính di động sẽ trở nên rõ ràng hơn khi được kết hợp với các phương tiện tự lái và có thể vượt ra khỏi thị trường ở các trung tâm đô thị, đi đến những vùng nông thôn. Ông nói: "Chúng tôi giống như Netflix ở thời điểm họ vẫn cho thuê DVD."

Hơn nữa, dịch vụ này sẽ chỉ đóng vai trò hiệu quả như mạng lưới giao thông cơ bản và ở các thành phố có các tuyến xe buýt, tàu. Whim hiện đang được vận hành ở Helsinki, Vienna, Antwerp, Birmingham (Anh) và Tokyo. Ngày 1/6, ứng dụng này sẽ được ra mắt ở Thụy Sĩ và hoạt động trên toàn quốc gia.

Trong khi đó, Wondo dự kiến sẽ mở rộng quy mô ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. MasS Global kỳ vọng sẽ dử dụng mạng lưới hiện có của Ferrovial nhằm đưa dịch vụ đến Mỹ và Nam Mỹ, sau khi kế hoạch tiến đến Miami, Vancouver và Chicago năm ngoái phải tạm hoãn.

Tham khảo Bloomberg

Lục Lam

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên