Startup quyết không ‘nới room’ cho cá mập khiến Shark Hưng cười lớn: ‘Bạn ấy mang đến cho các Sharks một cơ hội, còn có ‘đớp’ hay không là việc của các Sharks!’
Dù được Shark Vương ngỏ ý đầu tư, Startup đến từ Huế kiên quyết không nâng dù chỉ 1% cổ phần công ty khiến Shark Hưng cười lớn kết luận: "Bạn ấy mang đến cho các Sharks một cơ hội, còn có ‘đớp’ hay không là việc của các Sharks, chứ bạn ấy không cần sự tham gia của các Sharks".
Bất đồng tỷ lệ sở hữu là chuyện thường gặp trên chương trình Shark Tank Việt Nam, nhưng Startup Tayta xuất hiện trong tập 14 mới đây là trường hợp đầu tiên đàm phán cũng như không khi khăng khăng giữ nguyên tỷ lệ cổ phần gọi vốn ban đầu.
Nụ cười mỉm đầy tự tin luôn thường trực trên môi là đặc điểm dễ thấy ở founder Tuấn Anh, ngay cả khi Shark Vương nhắc nhở về nguyên tắc của chương trình từ đầu tập hay khi Shark Vương không thể đàm phán về tỷ lệ cổ phần phải nói 4 chữ "Tôi không đầu tư".
Startup sản xuất và phân phối công trình kiến trúc 3D bằng giấy, doanh thu 80 triệu đồng/tháng
Tayta là Startup thiết kế, sản xuất và phân phối các mô hình công trình kiến trúc 3D bằng giấy, có thể gấp lại trong bìa cứng.
Dòng sản phẩm lưu niệm của Tayta không mới nhưng được các "cá mập" đánh giá cao về độ tinh tế. Hiện mỗi sản phẩm được bán với giá 170.000 đồng. Nếu có thêm phụ kiện và đèn thắp sáng, giá sẽ dao động từ 500.000 - 800.000 đồng.
Ý tưởng về các sản phẩm này chỉ mới được kiến trúc sư trẻ Tuấn Anh bắt đầu nghiên cứu từ đầu năm 2017. Tuy nhiên, cho đến nay, ngoài 2 cửa hàng ở Huế, hàng loạt đại lý là các công ty du lịch và khách sạn, Tayta cũng đã có chi nhánh và kho hàng ở TPHCM.
Trong tháng gần nhất, doanh thu của công ty đạt 80 triệu đồng. Tayta hiện đã có đội ngũ sản xuất hoàn chỉnh với 15 nhân công, hiện sản xuất tại Huế.
Tayta cũng đã có đơn hàng ở nước ngoài, cụ thể là từ Ý, với các công trình ở Roma.
Tự tin về quá trình phát triển thần tốc, Tuấn Anh đề nghị được đầu tư 2,5 tỷ đồng để đổi lấy 30% cổ phần.
Đáp lại yêu cầu của Shark Vương về khả năng cạnh tranh, Tuấn Anh khẳng định sản phẩm của mình khác biệt từ chất liệu cho đến khả năng ứng dụng. Ngoài phần giấy được xử lý đặc biệt, giúp mang đến độ đàn hồi tốt, các công trình đều có in kèm thông tin sơ đồ, bản đồ và tuân thủ tỷ lệ như kiến trúc thật. Ngoài ra, công ty còn có thêm dòng sản phẩm cao cấp bằng đồng và loại đèn lồng kiến trúc dùng trang trí nội thất.
Cần vốn nhưng không cần Sharks?
Khi được Phó Chủ tịch Cenland Phạm Thanh Hưng hỏi về khả năng doanh thu lãng mạn nhất mà Tayta đạt được sau 2 năm nữa, Tuấn Anh tự tin tuyên bố sẽ đạt được 2 tỷ đồng mỗi tháng, tức gấp 25 lần hiện tại. Tuy nhiên, con số này vẫn quá bé để thuyết phục " cá mập " này xuống tiền, dù trước đó ông đã tuyên bố rất yêu thích sản phẩm.
Shark Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Sunhouse - lại quan tâm đến khả năng sinh lời khi mở rộng quy mô. Hiện tại, mỗi sản phẩm của Tay Ta kiếm được lãi ròng 30% trong khi giá vốn và chiết khấu chiếm tổng cộng 60%. Tuy nhiên, theo phân tích của Shark Phú , khi công ty mở rộng quy mô thì khả năng duy trì lãi ròng 30% là không thể do chi phí bán hàng, logistic, quản lý hệ thống tăng cao. Đó cũng là nguyên nhân ông quyết định rút lui.
Shark Linh thì cho rằng tập trung vào thị trường du lịch không ổn. Sản phẩm muốn nhiều người mua thì phải hạ giá nhưng sẽ lỗ, còn tăng giá thì lại không ai mua. Trường hợp chuyển hướng sang bán sản phẩm thiết kế theo yêu cầu thì phí thiết kế 40 triệu đồng/sản phẩm lại quá cao.
Cá mập còn lại duy nhất là Shark Vương.
"Em nghĩ sao nếu công ty em được đầu tư với tỷ lệ cổ phần bị chi phối bởi người khác?", Shark Vương hỏi.
"Em sẽ không chấp nhận điều đó", Tuấn Anh khẳng định.
"Phần trăm cao nhất em có thể chấp nhận cho Shark đầu tư vào em là bao nhiêu?", Shark Vương tiếp tục gợi ý.
"30%", Founder trẻ trả lời. 30% cũng là tỷ lệ đánh đổi ban đầu khi Tuấn Anh lên chương trình gọi vốn.
"Giả dụ 2,5 tỷ với 49% em nghĩ sao?", Shark Vương vẫn cố vớt vát.
"Dạ không", Tuấn Anh lần nữa khẳng định.
Màn đàm phán này khiến Shark Hưng cười lớn, quay sang các Sharks còn lại bình luận: "Đây là bạn ấy mang đến cho các Sharks một cơ hội, còn có "đớp" hay không là việc của các Sharks, chứ bạn ấy không cần sự tham gia của các Sharks".
Tổng quan thương vụ gọi vốn của Tayta:
- Mô tả: Tayta sản xuất và phân phối các mô hình công trình kiến trúc 3D bằng giấy, có thể gấp lại trong bìa cứng
- Founder: Kiến trúc sư Tuấn Anh
- Lĩnh vực: Sản xuất và phân phối hàng lưu niệm
- Tình hình kinh doanh: Doanh thu tháng gần nhất đạt 80 triệu đồng. Hiện đã có đội ngũ sản xuất hoàn chỉnh với 15 nhân công
- Gọi đầu tư: 2,5 tỷ đồng đổi lấy 30% cổ phần
Kết quả: Không thành công do không đàm phán được tỷ lệ cổ phần.
Tayta gọi vốn trên Shark Tank Việt Nam tập 14.
Trí thức trẻ