MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Stress sẽ có lợi và trở thành động lực để cải thiện cuộc sống nếu bạn biết thay đổi suy nghĩ của bản thân

22-07-2018 - 20:16 PM | Sống

Chúng ta vẫn hay nghĩ stress hay căng thẳng là một yếu tố ảnh hưởng xấu tới tinh thần, sức khỏe và công việc. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã chứng minh: Stress thực sự có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của chúng ta, nhưng điều quan trọng là bạn có nghĩ vậy hay không.

Chúng ta không thể phủ nhận một thực tế là những người ít bị căng thẳng hay stress trong cuộc sống sẽ có nhiều khả năng thành công hơn. Điều quan trọng ở đây có phải là bạn nên học cách giảm mức độ căng thẳng hàng ngày của mình? Câu trả lời có lẽ là không.

Nghiên cứu gần đây đã cho thấy nhận thức chung của mọi người về sự căng thẳng có thể là một điều sai lệch. Các nhà tâm lý học đã theo dõi sức khỏe của 30.000 người trưởng thành ở Mỹ trong khoảng thời gian 8 năm. Những người tham gia được hỏi hai câu hỏi quan trọng:

1. "Mức độ căng thẳng mà bạn từng trải qua trong năm trước là bao nhiêu?"

2. "Bạn có tin rằng sự căng thẳng có hại cho sức khỏe của bạn không?"

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người trải qua mức độ căng thẳng cao có nguy cơ tử vong cao hơn 43% trong giai đoạn 8 năm nghiên cứu. Tuy nhiên, điều này không hẳn là minh chứng cho thấy stress là một yếu tố không tốt đối với sức khỏe. Trên thực tế, stress chỉ có hại đối với những người tin rằng nó có hại.

Những người đã trải qua mức độ căng thẳng cao nhưng không tin là nó gây hại cho sức khỏe của họ ít có khả năng tử vong hơn tất cả các nhóm khác trong nghiên cứu. Thậm chí, họ ít có nguy cơ tử vong hơn cả những người trải qua mức độ căng thẳng thấp nhưng lại tin rằng sự căng thẳng ảnh hưởng xấu tới con người.

Từ đây, chúng ta có thể hiểu đơn giản là những người tin tưởng stress vô hại sẽ sống lâu hơn những người cho rằng stress có hại. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng không phải sự căng thẳng mà chính là những niềm tin của chúng ta về căng thẳng đã gây tổn hại đến sức khỏe của chúng ta.

Những bước đột phá trong nghiên cứu về stress

Kelly McGonigal giải thích hiện tượng này trong "The Upside of Stress": "Tâm trạng căng thẳng rất mạnh mẽ vì chúng không chỉ ảnh hưởng đến cách suy nghĩ mà còn ảnh hưởng đến cách hành động của chúng ta. Khi bạn coi căng thẳng là một yếu tố gây hại thì nó trở thành một thứ gì đó bạn cần tránh. Cảm thấy căng thẳng là dấu hiệu báo cho bạn biết bạn cần làm gì đó để thoát khỏi hoặc giảm mức độ căng thẳng. Và thực sự thì những người tin rằng căng thẳng có hại thường nói rằng họ đối phó với căng thẳng bằng cách cố gắng tránh nó."

Stress có lợi hay có hại: Suy nghĩ của bạn quyết định tất cả - Ảnh 1.

Những người tin căng thẳng là một yếu tố tiêu cực thường tránh căng thẳng bằng cách hút thuốc, ăn vặt hay xem quá nhiều TV và rồi họ phải trả giá bằng chính sức khỏe của mình. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra niềm tin của bạn về căng thẳng hay stress có thể thay đổi và việc thay đổi này sẽ đem lại những lợi ích to lớn.

Jeremy Jameson và các đồng nghiệp đã tiến hành một thử nghiệm. Những người tham gia sẽ phải trải qua một thử thách về sự căng thẳng xã hội với yêu cầu trình bày một bài phát biểu ngẫu hứng dài 5 phút về những điểm yếu của bản thân họ với ban giám khảo. Để khiến tình huống này trở nên căng thẳng hơn, các giám khảo sẽ đưa ra những phản hồi tiêu cực về người tham gia cùng bài phát biểu của họ. 

Nghiên cứu này không chỉ xoay quanh việc dùng cách thức "tàn bạo" để giúp mọi người vượt qua áp lực xã hội mà còn kiểm tra xem liệu sự can thiệp về suy nghĩ có thể thay đổi cách mọi người phản ứng lại với căng thẳng hay không.

Trước khi trình bày bài phát biểu ngẫu hứng, người tham gia được xem một trong hai video:

Video đầu tiên mở đầu với thông điệp: "Hầu hết mọi người nghĩ rằng căng thẳng là yếu tố tiêu cực... nhưng nghiên cứu cho thấy rằng căng thẳng thậm chí còn yếu hơn bạn tưởng."

Video thứ hai bắt đầu với câu: "Hầu hết mọi người nghĩ rằng căng thẳng là yếu tố tiêu cực… nhưng trên thực tế, nghiên cứu cho thấy căng thẳng đang được tăng cường."

Những người tham gia đã xem video đưa ra ví dụ về cách mà sự căng thẳng được tăng cường ít căng thẳng hơn trong cuộc phỏng vấn, cảm thấy tự tin hơn khi nói và phỏng vấn tốt hơn (Đánh giá đến từ bản thân họ và ban giám khảo).

Ấn tượng hơn là mạch máu của những người tham gia đã xem qua video về sự căng thẳng vẫn bình thường trong khi theo lẽ thường thì sự căng thẳng sẽ làm cho mạch máu của một người co thắt lại.

Stress có lợi hay có hại: Suy nghĩ của bạn quyết định tất cả - Ảnh 2.

Sức mạnh của suy nghĩ về sự căng thẳng

Một video dài 3 phút đã có thể thay đổi cách mọi người phản ứng lại với một tình huống căng thẳng, không chỉ về mặt tâm lý mà còn về mặt sinh lý. Khi chúng ta nghĩ căng thẳng là điều chúng ta phải tránh, nó sẽ trở thành một vòng luẩn quẩn tiêu cực. Chúng ta trải qua sự căng thẳng, nghĩ đó là một điều tồi tệ và rồi chúng ta ngày càng căng thẳng hơn, mức độ căng thẳng không ngừng tăng lên.

Tuy nhiên, khi chúng ta nhìn nhận sự căng thẳng như một phần tự nhiên của cuộc sống hoặc thậm chí là một điều tốt đẹp, chúng ta sẽ có khả năng kiểm soát nó thay vì bị nó kiểm soát. Suy nghĩ này cho phép chúng ta biểu hiện tốt hơn trong những tình huống gây căng thẳng. Không những thế, nó còn giúp chúng ta đưa ra những quyết định sáng suốt hơn vì chúng ta sẽ không cố gắng tránh sự căng thẳng bằng những hành vi không lành mạnh.

Như vậy có thể thấy suy nghĩ có một sức mạnh to lớn, lớn hơn chúng ta vẫn nghĩ. Vì thế, đừng nên suy nghĩ theo hướng tiêu cực mà hãy dùng suy nghĩ tích cực để biến những điều tồi tệ như stress trở thành điều có lợi cho bản thân chúng ta.

Nguyễn Linh

Addicted Success

Trở lên trên