MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự cố hệ thống tại công ty chứng khoán: Ai là nhân vật chính?

Sự cố hệ thống tại công ty chứng khoán: Ai là nhân vật chính?

Các nhà đầu tư chứng khoán đang có một tuần giao dịch đầy bất ngờ kể từ khi hệ thống mới mà FPT triển khai nhằm giải quyết tình trạng quá tải sàn HOSE được đưa vào vận hành. Hàng loạt nghi vấn dành cho hệ thống mới khi nhiều giao dịch không suôn sẻ như dự kiến. Hệ thống mới hay “nỗi đau” của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường mới thực sự là nhân vật chính?.

Trải nghiệm không dễ chịu vì "nhà ga" đột ngột đông khách?

Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), 6 tháng vừa qua, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới hơn 620 nghìn tài khoản, tăng 58% so với cả năm 2020, dù năm 2020 thị trường đã lập kỷ lục về số tài khoản cá nhân mới.

Sau 3 tháng triển khai, việc FPT đưa giải pháp xỷ lý sự cố quá tải sàn HOSE được kỳ vọng sẽ khơi thông đường lớn, khiến lực lượng đầu tư háo hức, mong chờ.

Rồi các nhà đầu tư F0 hào hứng "lên tàu", nhưng trải nghiệm không lấy làm dễ chịu: một bộ phận không thể lên tàu, một bộ phận lên được tàu thì chuyến đi không dễ chịu. Có phải sự thiếu đồng bộ giữa hệ thống các "nhà ga" - công ty chứng khoán và "đường lớn" - hệ thống của sàn HOSE khiến hàng loạt công ty chứng khoán báo lỗi giao dịch, như VPS, SSI, VNDirect (VND), TCBS, Mirae Asset…

Nguyễn Mai, một nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ, không phải ai cũng có thời gian tập trung xem bảng điện tử trong ngày và việc đưa ra quyết định mua – bán mang tính chớp nhoáng, nên rất cần một hệ thống hoạt động trơn tru, từ bảng điện tử hiện thị chính xác giá – khối lượng cổ phiếu giao dịch, cho tới việc đặt lệnh nhanh và nhận được phản hồi lập tức khi đặt lệnh.

Đáng chú ý, các công ty báo lỗi giao dịch lại trong Top đầu thị phần, sở hữu lượng khách hàng đông đảo và đầu tư mạnh tay cho công nghệ.

Một chuyên gia chứng khoán cho biết, một điểm hoàn toàn mới đối với hệ thống hiện tại của HOSE là bỏ cơ chế phân bổ lệnh, các công ty chứng khoán đẩy lệnh vào theo năng lực. Trước đó, hệ thống của HOSE có công suất tối đa 900.000 lệnh/phiên và hoạt động theo cơ chế phân bổ đều cho các công ty chứng khoán. Như vậy, các công ty chứng khoán càng lớn, lượng khách hàng đông đảo, thì khả năng số lượng lệnh được gửi tới tăng đột biến tại một thời điểm nhất định càng cao. Đây có thể là lý do khiến hệ thống của các công ty chứng khoán lớn đang gặp khó khăn hơn với việc thích nghi hệ thống mới.

Trong khi đó, các công ty chứng khoán có thị phần nhỏ hơn, quy mô khách hàng vừa phải chưa ghi nhận sự cố giao dịch. Một lãnh đạo Công ty Chứng khoán AIS cho biết, kể từ khi hệ thống mới sàn HOSE đi vào vận hành, hoạt động cung cấp dịch vụ chứng khoán của Công ty không gặp sự cố phát sinh, các giao dịch được thực hiện trơn tru.

Thực tế, trong quá trình kiểm thử trước khi vận hành hệ thống, theo phản hồi từ HOSE, FPT và các bên liên quan, các công ty chứng khoán đều đã thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, cũng như nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ. Bản thân công ty chứng khoán cũng là đối tượng chịu thiệt hại trước những sự cố hệ thống, cả về hoạt động kinh doanh lẫn hình ảnh thương hiệu.

Với những tiến bộ của hệ thống mới sàn HOSE, nhìn một cách tổng thể, các thành viên thị trường phải cùng nâng cấp và cải thiện cùng nhau. Có như vậy, thị trường chứng khoán mới sở hữu "hệ thống giao thông" hiện đại, đồng bộ từ các nhà ga, trạm dừng cho tới đường cao tốc. Và khi đó, nhà đầu tư mới có được trải nghiệm thoải mái nhất khi tham gia thị trường.

Phiên giảm sốc đầy hoài nghi

Một trong những diễn biến khiến nhà đầu tư "ngỡ ngàng, ngơ ngác, bật ngửa" gần đây là ở phiên giao dịch ngày 6/7, chỉ số VN-Index đột ngột lao dốc hơn 56 điểm trong 15 phút của phiên ATC. Cú giảm sốc khiến tâm lý nhà đầu tư chao đảo, đồng thời không khỏi nghi ngại liệu hệ thống mới vận hành có liên quan?

Chưa dừng lại, nhà đầu tư có thêm một phen hoang mang khi cùng ngày, văn bản mạo danh HOSE được lan truyền trên các trang mạng xã hội, cùng với đoạn bình luận gây sốc không kém: "lỗi chiều nay (phiên 6/7) các công ty chứng khoán gặp phải là do không nhận được lệnh trả về, tương tự như khi hệ thống cũ bị đơ. …. Với rủi ro hệ thống như vậy thì tất cả thị trường đều bị ảnh hưởng".

Dù ngay trong tối 6/7, HOSE đã có văn bản bác bỏ tin đồn, nhưng trải nghiệm giao dịch không dễ chịu, cộng với diễn biến bất ngờ "sập sàn" phiên ATC khiến các nhà đầu tư khó có thể bình tĩnh. Dẫu thực tế, với những nhà đầu tư lâu năm gắn bó với thị trường, diễn biến phiên ATC như vậy có phần "thân quen".

Ông Phan Dũng Khánh, giám đốc tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) chia sẻ, việc thị trường có biến động mạnh trong phiên ATC đã xảy ra rất nhiều lần trong quá khứ. Trong 21 năm qua, những phiên thị trường tăng hoặc giảm mạnh bất ngờ thường rơi vào phiên ATC.

Trước đó, vào ngày đáo hạn các hợp đồng phái sinh, phiên ATC thường ghi nhận diễn biến tăng giảm đột ngột. Sự đột ngột này thường đến từ việc một hoặc một vài mã tăng/giảm mạnh trong phiên ATC, nhất là tại nhóm VN30 – trụ cột của sàn HOSE, kéo theo biến động của chỉ số VN-Index.

Từ trước tới nay, phiên ATC biến động dữ đội thường đi kèm với một số nghi vấn như giao dịch khối lượng lớn của các quỹ đầu tư/tay to trên thị trường, diễn biến "lạ" thường xuất hiện trong các phiên đáo hạn hợp động phái sinh… Vậy nhưng, hiện tại, những vấn đề "gốc rễ" bỗng chìm xuống bởi một lý do có vẻ hợp thời: hệ thống mới!?

Khi được hỏi liệu biến động phiên ATC có liên quan tới hệ thống mới, từ góc nhìn cá nhân, một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán Việt Nam chia sẻ, ông không cho rằng biến động vừa qua có liên quan tới hệ thống, dù đó là hệ thống của công ty chứng khoán, hay của HOSE.

"Tôi cũng chịu ảnh hưởng một chút trong 3 ngày đầu hệ thống mới vận hành, nhưng sau đó đã ổn. Tôi cho rằng đó có thể là dạng "phản ứng phụ" sau tiêm vắc xin, hoặc do các công ty chứng khoán "ăn món mới lạ" lần đầu tiên nên có chút nôn nao", nhà đầu tư nói và cho biết thêm, điều ông quan tâm nhất hiện tại là chiến lược đầu tư trong giai đoạn nhiều bất ổn, biến động khó lường, rủi ro cao như hiện tại.

Trong khi đó, trên Facebook cá nhân của mình, Ts Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol (Anh Quốc) có chia sẻ quan điểm về việc cổ phiếu Việt Nam bị dập mạnh, mà nguyên nhân không xuất phát từ thông tin giãn cách TP.HCM, hay hệ thống mới được vận hành có vấn đề. Diễn biến thị trường vẫn luôn xuất phát từ những yếu tố cơ bản: các nhà đầu tư lớn nắm rõ tình hình thị trường, margin phần lớn do nhà đầu tư nhỏ sử dụng, nhà đầu tư lớn gia tăng nắm giữ tiền mặt, một số quỹ đầu tư có kế hoạch mua – bán…

Trong khi đó, các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường vẫn đang "chịu tổn thưởng" bởi việc thiếu thông tin và dễ bị đánh lạc hướng.

VN-Index đã liên tục leo dốc trong nửa đầu năm và đang bước vào giai đoạn điều chỉnh nhiều rủi ro. Đây chính là thời điểm nhà đầu tư cá nhân cần giữ cho mình cái đầu lạnh để đưa ra quyết định chính xác, cũng như tìm thấy cơ hội cho chính mình.

Vân Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên