MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự cố Vũng Áng và cú "quay xe" cổ phiếu, PV Power lại dư mua trần sau văn bản giải trình gì với HoSE

04-01-2022 - 14:22 PM | Doanh nghiệp

Sự cố Vũng Áng và cú "quay xe" cổ phiếu, PV Power lại dư mua trần sau văn bản giải trình gì với HoSE

"Sự cố xảy ra có ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh 2021, tuy nhiên Công ty đã có những giải pháp phù hợp nên dự kiến kết quả lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước tính năm 2021 là 2.184 tỷ đồng. Hiện tại PV Power đang làm việc với nhà sản xuất gốc và đơn vị sửa chữa để thống nhất phương án, tiến độ và chi phí khắc phục cho Tổ máy số 1", báo cáo giải trình của POW nêu rõ.

Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power, POW) vừa có văn bản giải trình gửi Sở Giao dịch Chứng khoán T.HCM (HoSE), ghi nhận sự cố của tổ máy số 1 nhà máy điện than Vũng Áng 1 xảy ra vào ngày 19/9/2021. Trong thông cáo nhà đầu tư tháng 10 và thông cáo quý 3/2021, POW đã có thông tin về sự cố này, song việc xác định nguyên nhân, mức độ và giải pháp khắc phục cần phải có thời gian và sự tham gia của các bên liên quan.

Do ảnh hưởng tình hình dịch Covid-19, nên đến tháng 12/2021, Công ty mới có được báo cáo khảo sát, đánh giá của các đơn vị liên quan. Bước đầu xác định nguyên nhân dẫn đến sự cố là do mất điện tự dùng cung cấp cho các bơm dầu bôi trơn và bơm dầu khẩn tuabin máy phát.

Hiện tại, Công ty cho biết đang làm việc với nhà sản xuất gốc và các đơn vị sửa chữa để thống nhất phương án, tiến độ và chi phí khắc phục.

Được biết, sự cố Vũng Áng khiến Công ty ước tính quý 4 năm nay sẽ lỗ trước thuế 124 tỷ đồng do các chi phí bảo dưỡng sửa chữa và sự cố kỹ thuật của dự án. Đây cũng là lần đầu tiên POW có quý thua lỗ từ khi lên sàn chứng khoán. Thông tin tiêu cực này nhanh chóng phản ứng, cổ phiếu POW liền "quay xe" nằm sàn với thanh khoản đột biến lên tới xấp xỉ 70 triệu đơn vị, con số lớn nhất từ khi lên sàn chứng khoán tới nay. Chốt phiên 24/12/2021, POW dừng tại mức 17.250 đồng/cp.

Ngay sau đó, phía POW có giải trình và ước tính lợi nhuận xấp xỉ 2.000 tỷ đồng, cổ phiếu tiếp tục kịch trần. Phiên hôm nay 4/1, POW trần tại mức 18.700 đồng/cp, thanh khoản đột biến.

"Sự cố xảy ra có ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh 2021, tuy nhiên Công ty đã có những giải pháp phù hợp nên dự kiến kết quả lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước tính năm 2021 là 2.184 tỷ đồng. Hiện tại PV Power đang làm việc với nhà sản xuất gốc và đơn vị sửa chữa để thống nhất phương án, tiến độ và chi phí khắc phục cho Tổ máy số 1", báo cáo giải trình của POW nêu rõ.

Sự cố Vũng Áng và cú quay xe cổ phiếu, PV Power lại dư mua trần sau văn bản giải trình gì với HoSE - Ảnh 1.

Ban lãnh đạo POW cũng cho biết thêm, EVN chưa giao kế hoạch cụ thể về sản lượng điện theo hợp đồng (Qc) cho các nhà máy. Ngoài ra trong năm 2022, nhà máy Cà Mau sẽ đại tu và cũng áp dụng giá hợp đồng mua bán điện (PPA) mới.

Vì sự cố kỹ thuật tại Vũng Áng 1, Công ty đang đặt ra mục tiêu lợi nhuận năm 2022 giảm mạnh. Cụ thể, POW đặt mục tiêu doanh thu 24.242 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 743 tỷ đồng, giảm tương ứng 4% và 61% so với ước thực hiện năm 2021.

Là một trong hai đơn vị cung ứng điện lớn nhất nước, PV Power (POW) những phiên gần đây hút mạnh dòng tiền. Thị giá cũng tăng mạnh với những phiên trần liên tiếp. Tính từ mức đáy thiết lập hồi tháng 8/2021, POW đã tăng gấp đôi lên gần 20.000 đồng/cp, thanh khoản đạt hàng chục triệu cổ phiếu/phiên.

Cần nhấn mạnh, sự lạc quan của POW, tương tự nhóm cổ phiếu ngành điện, đến từ kỳ vọng một mức lợi nhuận cao từ quý cuối năm 2021 và sang cả năm 2022. Khi mà, tăng trưởng tiêu thụ điện trong giai đoạn 2021-2025 là 8,4%/9,1%/9,8% dựa trên các kịch bản tăng trưởng GDP tương ứng là 6,2%/6,8%/7,5% và kỳ vọng nền kinh tế sẽ dần mở cửa và hồi phục trong 2022 và cung cầu điện do đó sẽ cân bằng.

Trong khi đó, tình hình thủy văn nhiều khả năng kém thuận lợi, từ đó làm tăng nhu cầu tiêu thụ nhiệt điện. Giới phân tích ước tính mức tăng trưởng lợi nhuận của nhóm điện than sẽ tốt hơn và lợi nhuận nhóm điện khí ước tính đi ngang trong 2022.

Riêng POW, điều kiện thủy văn trong năm 2022 dự đoán sẽ mang lại thuận lợi cho kết quả kinh doanh của Công ty khi nhiệt điện than và khí đang chiếm trên 90% tổng công suất hiện tại. Ngoài ra, việc ký kết hợp đồng PPA với EVN trong tháng 12/2021 đã chính thức đưa hai nhà máy nhiệt điện Cà Mau (1.500 MW) tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, giúp thu hồi được khoản giữ lại trị giá hơn 800 tỷ đã trích dự phòng trước đó.

Tri Túc

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên