Những lầm tưởng về 'thập kỷ mất mát' và lý do tại sao Trung Quốc sẽ không biến thành 'Nhật Bản thứ hai'
Theo Paul Krugman, Trung Quốc có thể còn gặp nhiều khó khăn hơn Nhật Bản.
- 20-07-2023Khủng hoảng dân số ở Nhật Bản: Một ngôi làng sau 25 năm mới có 1 em bé sơ sinh chào đời, được ví như phép màu
- 19-07-2023Nước ĐNÁ thành "chiến địa" trong cuộc đua khốc liệt: Doanh nghiệp Trung Quốc tham vọng "thâu tóm địa bàn" của Nhật Bản
- 19-07-2023Hé lộ những tấm hộ chiếu quyền lực nhất thế giới năm 2023: Nhật Bản rời khỏi top 1
Bài viết thể hiện quan điểm của giáo sư từng đạt giải Nobel kinh tế Paul Krugman. Ông hiện là chủ mục Op-ed của tờ New York Times, bên cạnh vai trò Giáo sư xuất sắc tại ĐH New York.
Đầu những năm 1990, rất nhiều người Mỹ - từ giới học giả, các lãnh đạo doanh nghiệp cho đến phần đông công chúng – dường như bị ám ảnh bởi sự trỗi dậy của Nhật Bản.
Hai cuốn sách bán chạy nhất trong năm 1992 đều viết về đất nước mặt trời mọc. Cuốn “Rising Sun” (tạm dịch: Mặt trời đang lên) của Michael Crichton viết về tầm ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của các tập đoàn Nhật Bản. Cuốn còn lại là “Head to Head: The Coming Economic Battle Among Japan, Europe and America” (tạm dịch: Cuộc đối đầu kinh tế sắp diễn ra giữa Nhật Bản, châu Âu và Mỹ). Tại các hiệu sách ở sân bay tràn ngập những trang bìa có hình ảnh các kiếm sĩ samurai.
Đó chính xác là thời điểm kinh tế Nhật Bản ở trên đỉnh vinh quang. Đầu những năm 1990 đánh dấu 1 bước ngoặt: Nhật Bản từ chỗ liên tục tăng trưởng đã bước sang thời kỳ suy giảm liên tiếp. Biểu đồ dưới đây thể hiện tỷ trọng GDP Nhật Bản so với GDP Mỹ (theo phương pháp ngang giá sức mua).
Hiện tại, trọng tâm chú ý đã chuyển từ Nhật Bản sang Trung Quốc. Thậm chí sau khi điều chỉnh theo sức mua thì GDP Trung Quốc đã vượt Mỹ. Tuy nhiên, gần đây nền kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều vấn đề. Không ít người đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có rơi vào cảnh tương tự như Nhật Bản hay không.
Câu trả lời của tôi là Trung Quốc có thể còn gặp nhiều khó khăn hơn Nhật Bản. Để lý giải nhận định này, trước hết hãy tìm hiểu điều gì đã xảy ra với đất nước mặt trời mọc.
Cuối những năm 1980, ở Nhật Bản xuất hiện bong bóng cổ phiếu và bất động sản khổng lồ. Tất nhiên cuối cùng thì bong bóng đó đã vỡ. Cho đến tận ngày nay, chỉ số Nikkei 225 vẫn thấp hơn đáng kể so với đỉnh lập năm 1989. Bong bóng vỡ để lại các ngân hàng lao đao và khối nợ doanh nghiệp rất lớn, dẫn đến nhiều thập kỷ kinh tế trì trệ.
Đó là câu chuyện mà rất nhiều người đã nói đến, nhưng đã bỏ qua 1 yếu tố quan trọng: dân số. Vì tỷ lệ sinh thấp nhưng lại không sẵn sàng mở cửa đón người nhập cư, số dân trong độ tuổi lao động của Nhật Bản đã giảm mạnh kể từ giữa những năm 1990. Cách duy nhất để Nhật Bản tránh được nền kinh tế co hẹp là phải đạt tốc độ tăng trưởng năng suất cao hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn. Và họ đã không làm được điều đó.
Tuy nhiên về khía cạnh dân số, nước Nhật đã đạt được một số thành tựu. Biểu đồ dưới đây so sánh tăng trưởng GDP thực bình quân trên mỗi người trưởng thành trong độ tuổi lao động tại Mỹ và Nhật Bản kể từ năm 1994.
Sau khi đã điều chỉnh theo dân số, Nhật Bản đạt được mức tăng trưởng ấn tượng: thu nhập thực bình quân đầu người tăng trưởng 45%. Mỹ thậm chí đã làm tốt hơn.
Quản lý nền kinh tế trong bối cảnh lực lượng lao động sụt giảm là việc rất khó, bởi vì mức tăng trưởng dân số thấp thường dẫn đến đầu tư yếu. Và dân số co hẹp thì khó có thể duy trì tình trạng toàn dụng lao động.
Tuy nhiên, trên thực tế, Nhật Bản đã tránh được tình trạng thất nghiệp trên diện rộng. Trong biểu đồ dưới đây là tỷ lệ nam giới trong độ tuổi lao động có việc làm tại Mỹ và Nhật Bản. Có thể thấy Nhật vẫn giữ được tỷ lệ cao và cao hơn so với Mỹ.
Về giới trẻ thì sao? Nhật chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ (từ 15 đến 24 tuổi) tăng lên trong những năm 1990, nhưng từ đó đến nay tình hình đã đảo ngược. Dưới đây là biểu đồ tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở Nhật Bản và Trung Quốc theo ước tính của ILO.
Những thông tin kể trên cho thấy thực chất kinh tế Nhật Bản đã diễn biến khá tốt trong quãng thời gian mà mọi người gọi là “thập kỷ mất mát”. Nhưng không thể phủ nhận để duy trì được tỷ lệ thất nghiệp thấp, nước này đã phải đánh đổi bằng thâm hụt ngân sách và nợ.
Dẫu vậy, dù suốt mấy chục năm nay không ít bên đã dự đoán Nhật Bản rơi vào khủng hoảng nợ, kịch bản này vẫn chưa xảy ra. Do đó, không nên coi nước Nhật là “vết xe đổ” cần tránh mà ngược lại đó chính là hình mẫu mà các quốc gia khác có thể học tập khi phải đối mặt với dân số duy giảm mà vẫn duy trì được sự thịnh vượng và ổn định xã hội.
Đến đây, đã đến lúc chúng ta quay trở lại với câu hỏi được nêu ra ở đầu bài viết này: Liệu Trung Quốc có trở thành Nhật Bản tiếp theo?
Có nhiều điểm tương đồng giữa Trung Quốc ở hiện tại và Nhật Bản năm 1990. Trung Quốc có 1 nền kinh tế mất cân bằng nghiêm trọng, với lực cầu tiêu dùng quá yếu ớt và lấy lĩnh vực bất động sản (vốn cũng có nhiều vấn đề) làm trụ đỡ duy nhất. Lực lượng lao động của nước này cũng đang suy giảm.
Điểm khác biệt là kinh tế Trung Quốc vẫn còn dư địa để đẩy tăng năng suất. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người lo ngại nước này sẽ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” mà nhiều nền kinh tế mới nổi đang mắc phải.
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy giảm, có 1 câu hỏi thú vị nổi lên: liệu nước này có thể giải quyết một cách êm đẹp như Nhật Bản đã làm? Chỉ tương lai mới đem đến câu trả lời chính xác. Nhưng có 1 điểm đáng lưu ý: hiện Trung Quốc đang có tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ cao hơn rất nhiều so với Nhật Bản trước đây.
Tham khảo New York Times
Nhịp sống thị trường