Sự tích cực độc hại: Khi những lời quan tâm, động viên đang kéo chúng ta vào sâu hơn trong tiêu cực
Sự tích cực độc hại (toxic positivity) là một nỗi ám ảnh với những lời động viên được người khác đặt lên chúng ta.
- 26-07-2021Từ những đôi mắt "rớm đỏ" ở Sài Gòn: Mọi người rủ nhau làm từ thiện, sẽ không có ai bị bỏ lại đằng sau
- 26-07-2021Thức uống bổ ngang nhuỵ hoa nghệ tây, trị cảm lạnh, chống ung thư: Ở Việt Nam có nhiều lại vô cùng rẻ
- 26-07-20218X xứ Nghệ thu nhập 120 triệu đồng/tháng quyết bỏ chức giám đốc về trồng cây, nuôi cá: "Đi làm có tiền nhưng rất gò bó, tôi mất 6 năm để tự do tài chính và chủ động cuộc sống"
Một ngày gần cuối tháng 7, tôi chia tay người yêu, công ty đóng cửa không biết ngày mở lại. Tất cả những nỗi đau ấy, được bạn thân "hóa giải" trong hai câu: "Không sao cả, đâu còn có đó. Lạc quan lên!".
Thực tế là, dù hai hay hai mươi câu của bạn thân, tôi vẫn không thể nào lạc quan và vui vẻ trước bối cảnh rối ren này được. Ngược lại, những lời nói ấy giống như mệnh lệnh, bắt buộc tôi phải tỏ ra mình ổn và đã vui vẻ để mọi người xung quanh không lo lắng hơn nữa.
Đây có phải là trạng thái bình thường?
Trong những năm gần đây, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, chúng ta được nghe, được hiểu về tầm quan trọng của sự lạc quan trong mỗi con người. Thế nhưng sự tích cực không phải lúc nào cũng tồn tại và càng không phải là liều thuốc cho mọi sự khó khăn trong cuộc sống.
Toxic positivity hay còn được gọi là sự tích cực độc hại là từ ngữ dùng để ám chỉ một người phải giả vờ như đang vui vẻ, hạnh phúc và phớt lờ đi những cảm xúc tiêu cực, kìm nén nỗi buồn trong họ. Trong một số trường hợp, sự tích cực độc hại có thể là hành động nội tại cho chính chúng ta tạo ra để thể hiện mọi chuyện vẫn đang ổn. Nhưng, đôi khi đó cũng là áp lực hình thành bởi những lời "động viên" lạc quan, vui vẻ do những người xung quanh vô tình nói ra.
Sự tích cực độc hại giống như một chiếc gông, kẹp chặt chúng ta trong những suy nghĩ mình đang ổn, mình phải nhìn về hướng tích cực, cho rằng đó chính là giải pháp để vượt qua tất cả. Song, không có sự gượng ép nào có kết quả về lâu về dài, ở trong trạng thái toxic positivity càng lâu, chúng ta càng bị bào mòn về thể xác lẫn tinh thần. Đây cũng có thể xem như một dạng bạo hành.
Một số ví dụ điển hình của toxic positivity có thể kể đến:
- Nói với ai đó sau những việc tệ hại ập xuống đầu họ rằng mọi thứ xảy ra đều có lý do, mọi thứ sẽ ổn thôi, sau cơn mưa trời lại sáng,...
- Khuyên nhủ ai đó vui vẻ, lạc quan để vượt qua mọi tình huống dù tình huống ấy có bi thảm, làm họ tổn thương đến như thế nào.
- Cho rằng những người luôn tích cực, vui vẻ trước những nỗi đau là người mạnh mẽ, giỏi giang.
- Gạt bỏ sự tổn thương của ai đó bằng cách nói nó có thể tồi tệ hơn rất nhiều, thay vì đau buồn hãy thấy may mắn vì chí ít vẫn còn điều tốt đẹp này, điều tốt đẹp kia.
- Tự nhủ với bản thân rằng mình ổn, dù bản thân không hề ổn chút nào.
Khuyên người khác tích cực mà cũng là bạo hành ư? Thế sao người ta vẫn làm ầm ầm kia kìa?
Những lời động viên đa số đều xuất phát từ mục đích tốt đẹp khi mọi người không biết phải nói gì và không biết thể hiện sự đồng cảm của mình trước những nỗi đau của người khác ra sao. Song, đôi khi chúng ta phải chịu nhìn nhận, những lời nói tưởng chừng như tốt đẹp ấy có thể sẽ gây ảnh hưởng tới những người được nghe.
Vậy khi nào chúng ta đang lan tỏa sự tích cực độc hại đến những người xung quanh?
- Chối bỏ những cảm xúc tiêu cực của người khác bằng những lời nói tích cực sáo rỗng.
- Hạ thấp sự nghiêm trọng của vấn đề mà người khác đang phải đối mặt.
- Nói với người khác những triết lý, những bài học, câu chuyện của bản thân thay vì lắng nghe nỗi bi thương của họ.
Ở mức độ tí ti, những câu nói ấy là những lời động viên được nói ra để bạn không phải đối mặt với vấn đề về cảm xúc của người khác nhưng hầu như chả giải quyết giúp họ được gì mấy. Ở mức độ lớn lao hơn, những lời này như một tảng đá nặng, khiến họ trở nên khép kín, không còn dám chia sẻ những cảm xúc tiêu cực hay tìm kiếm thêm sự giúp đỡ nào từ những người xung quanh vì e ngại sẽ lại nhận được những lời nói "sáo rỗng" và lây lan sự tiêu cực đến người khác.
Những dấu hiệu rằng sự lạc quan mà bạn muốn truyền tải đang gây hại cho một người có thể nhận biết khi người đó:
- Bắt đầu che giấu đi những cảm xúc thật sự, luôn nở nụ cười "giả trân" trước mọi tình huống.
- Phớt lờ đi những cảm xúc tiêu cực của bản thân, cảm thấy tội lỗi vì những cảm xúc ấy và lo lắng nó sẽ ảnh hưởng đến người khác.
- Cố gắng chịu đựng mọi vấn đề trong cuộc sống thay vì tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác.
- Tiêu cực nhiều hơn vì luôn phải nhìn nhận những thứ tốt đẹp trong đời dù không muốn.
Chúng ta là con người, chúng ta được tạo nên bởi những trải nghiệm và các thái cực cảm xúc khác nhau. Đau buồn cũng là một trong số đó. Đương nhiên, khóc lóc, đau đớn hay gào thét vì tổn thương không có gì là sai cả. Thế nên, thay vì chọn cách lạc quan trước mọi tình huống, chúng ta hoàn toàn có thể chọn sống thật với cảm xúc để có thể nhìn nhận mọi thứ bao quát hơn, đồng thời dễ dàng tìm ra lối thoát cho những vấn đề của mình.
Tương tự như thế, khi một ai đó chúng ta quen biết gặp vấn đề, thay vì dành những lời động viên sáo rỗng, chúng ta hoàn toàn có thể nói ra những lời thể hiện mình vẫn đang lắng nghe, quan tâm đến họ. Có thể, đôi khi cả chúng ta và người ấy đều không thể tìm ra ngay phương hướng giải quyết cho mọi vấn đề, song, sự quan tâm thật lòng, bao giờ cũng tốt hơn những lời động viên vô thưởng vô phạt mà, đúng không?
Pháp luật và bạn đọc