MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự trỗi dậy của các 'siêu ứng dụng' ở Đông Nam Á: Khi Grab đe dọa các ngân hàng truyền thống, được định giá cao hơn 15 ngân hàng thuộc top lớn nhất khu vực

19-12-2019 - 10:05 AM | Tài chính quốc tế

Nhu cầu sử dụng đối với các dịch vụ tài chính kỹ thuật số ở châu Á là rất lớn. Do đó, các ngân hàng truyền thống đang phải đối mặt với những thách thức thực sự. Tuy nhiên, ngay cả những start-up fintech lớn nhất cũng không thể tránh khỏi tình trạng “chảy máu tiền mặt”.

Rice Basket Queen là tên một quầy hàng mà Ruri Ruhyaty sở hữu ở vùng ngoại ô nhộn nhịp của Jarkata (Indonesia). 1 năm trước, đây là một cửa hàng không có gì nổi bật so với những nơi khác. Ruri đặt những món chế biến từ rau và cá lên lá chuối ở phía trước quầy hàng và chờ khách hàng đi qua rồi mua. Sau đó, chị đã đăng ký sử dụng Grab. Giờ đây, các sản phẩm của chị được "ship" đi khắp nơi trên những chiếc xe máy, thậm chí đi tới trung tâm thủ đô Jarkata và khách hàng chỉ cần thanh toán qua ứng dụng.

Và khi doanh thu tăng vọt, thì đối tác của Grab - Ovo, đã cung cấp cho chị một khoản vay 3.562 USD, đủ để Ruri mở thêm một quầy hàng mới. Ruri chia sẻ: "Tôi sẽ sử dụng số tiền đó để mở rộng kinh doanh vào năm tới."

Các start-up fintech mang đến "làn gió mới" cho Đông Nam Á

Câu chuyện của Rice Basket Queen là một yếu tố nhỏ trong những thay đổi mà fintech mang đến trên khắp châu Á. Dịch vụ như thế này lần đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc, khi hàng chục triệu người dùng sử dụng các nền tảng thanh toán kỹ thuật số, đi vay online và những hình thức khác của fintech. Giờ đây, công nghệ này đã phát triển cả ở Đông Nam Á.

Sự trỗi dậy của các siêu ứng dụng ở Đông Nam Á: Được định giá cao hơn 15 ngân hàng thuộc top lớn nhất khu vực, những nhà cho vay có tiếng cũng phải dè chừng - Ảnh 1.

Chị Ruri và quầy hàng nhỏ Rice Basket Queen.

Đối với 1 quầy hàng nhỏ như Rice Basket Queen thì sự thay đổi dường như không phải là quá lớn, nhưng điều tương tự đang lặp lại ở hàng triệu doanh nghiệp trên hàng nghìn thành phố. Dù tác động của những start-up như thế này đang dần hạ nhiệt ở các quốc gia phương Tây, nhưng châu Á thì khác. Các công ty fintech như Ant Financial, Paytm và Go-jek là những công ty lớn nhất khu vực trong lĩnh vực này, họ đang tạo ra mối đe doạ cho các ngân hàng truyền thống và những định chế tài chính khác. Ngoài ra, các start-up fintech còn là động lực thúc đẩy cho hình thức kinh doanh tương tự phát triển ở các nơi khác trên thế giới.

Jan Metzger, đứng đầu bộ phận ngân hàng, thị trường vốn và tư vấn khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Citi, chỉ ra rằng nhu cầu của khu vực này là rất lớn. Ông nói: "Đây là một cuộc cách mạng cho toàn thế giới. Châu Á đang đi trước cả thế giới tới 12 năm. Vấn đề quan trọng không phải họ có công nghệ tốt hơn, mà vì nhu cầu đối với các dịch vụ số và điện thoại cao hơn rất nhiều."

Quy mô phát triển mạnh mẽ của nền tảng fintech được thể hiện qua số lượng các start-up trên khắp châu Á. Theo số liệu được Asian Venture Capital Journal tổng hợp, gần 800 công ty đã nhận vốn tài trợ từ các quỹ đầu tư mạo hiểm và công ty quản lý đầu tư kể từ tháng 12/2016. Trung Quốc hiện đang dẫn đầu với 266 start-up trong lĩnh vực fintech, Ấn Độ đứng thứ 2 với 190 công ty và Đông Nam Á ở vị trí thứ 3 với 182 start-up.

Đe doạ các ngân hàng truyền thống

Nhiều start-up chỉ đạt được thành công ban đầu nhưng sớm "lụi tàn". Tuy nhiên, một số đã thể hiện rằng họ chính là những đối thủ đáng gờm đối với các ngân hàng truyền thống, cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử, cho vay online, thẻ tín dụng, bảo hiểm và các dịch vụ khác. 

Thật vậy, một số công ty thậm chí còn cho thấy họ có tiềm lực tài chính mạnh hơn là các ngân hàng "có tiếng". Ví dụ, Grab đang nhận được sự hậu thuẫn từ SoftBank, Temasek - công ty được Bộ Tài chính Singapore sở hữu, CIC - quỹ đầu tư quốc gia Trung Quốc và những công ty blue-chip khác. Chỉ sau 7 năm hoạt động, Grab đã được định giá cao hơn so với 15 ngân hàng trong top 25 của Đông Nam Á.

Thách thức đối với các ngân hàng truyền thống ngày càng nghiêm trọng hơn khi các "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc cũng đang "nuôi" tham vọng ở khu vực này. Họ đã xây dựng hoạt động kinh doanh ở thị trường quê nhà, một số giờ đây đang tìm cách thúc đẩy những công ty tương tự ở châu Á. Hồi tháng 11, Ant Financial cho biết sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào khu vực này.

Một điều có thể lý giải tại sao Grab và Gojek lại được định giá cao đến vậy (hơn 10 tỷ USD) đó là những công ty này còn hoạt động bên ngoài lĩnh vực tài chính. Cũng như GrabPay, thì Grab còn vận hành cả GrabCar, Grab Taxi và GrabBike, GrabFood. Cách phát triển kiểu "siêu ứng dụng" này đã giúp Grab thu hút một lượng khách hàng rất lớn và củng cố mạnh mẽ cơ sở khách hàng. Kể từ khi ra mắt tại Malaysia vào năm 2012, Grab đã phát triển tại 339 thành phố trên 8 quốc gia Đông Nam Á, ứng dụng có tới 163 triệu lượt tải xuống.

Sự trỗi dậy của các siêu ứng dụng ở Đông Nam Á: Được định giá cao hơn 15 ngân hàng thuộc top lớn nhất khu vực, những nhà cho vay có tiếng cũng phải dè chừng - Ảnh 2.

GoPay, mảng dịch vụ tài chính của Gojek, được sử dụng tại 370 thành phố trên khắp Indonesia. Nhằm cạnh tranh với các ngân hàng truyền thống, Gojek đã ra mắt một dịch vụ có tên Paylater, được gọi là "thẻ thanh toán tiêu dùng kiểu American Express" và cung cấp một lộ trình hướng tới dịch vụ quản lý tài sản cho khách hàng.

Grab hiện cũng đang triển khai thêm nhiều dịch vụ tài chính. Họ còn cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các doanh nghiệp nhỏ thông qua việc hợp tác với ZhongAn - một công ty bảo hiểm trực tuyến lớn của Trung Quốc. Năm tới, họ có kế hoạch ra mắt dịch vụ quản lý tài sản.

Tại Ấn Độ, Paytm thậm chí sở hữu số người dùng còn lớn hơn dân số nước Mỹ, với hơn 350 triệu người đăng ký tính đến tháng 6. Số lượng người hoạt động hàng tháng thấp hơn nhiều so với con số trên nhưng cũng đạt mức 100 triệu. Công ty này sử dụng nền tảng thanh toán để là "bệ đỡ" cho những dịch vụ khác, gồm bán vàng, dịch vụ bảo hiểm và trao đổi ngoại tệ.

Năm nay, PwC đã thực hiện một cuộc khảo sát với sự tham gia của 4.500 khách hàng sử dụng dịch vụ của các ngân hàng tại Hồng Kông, Singapore và Malaysia. Kết quả là, rất nhiều người không hài lòng với trải nghiệm với các ngân hàng ở đây, Hồng Kông là 82%, 71% ở Singapore và Malaysia là 65%. Họ chủ yếu chán nản vì dịch vụ trực tuyến còn kém và phải chờ đợi rất lâu khi liên lạc qua điện thoại.

Hiện tại, một số ngân hàng truyền thống đang nỗ lực mạnh mẽ nhằm khắc phục tình trạng này. Citibank hiện là ngân hàng có bước tiến xa nhất. Tại Trung Quốc, nhà cho vay của Mỹ làm việc với WeChatPay và Alipay, cho phép khách hàng liên kết thẻ tín dụng với các nền tảng này. Ở Ấn Độ, Citibank hợp tác với Paytm để ra mắt loại thẻ tín dụng hoàn tiền không giới hạn đầu tiên tại đây và cũng cùng phát hành thẻ tín dụng với các start-up, gồm cả Grab, vào năm nay.

Trở ngại lớn nhất là lợi nhuận

Dẫu vậy, các nhà cho vay truyền thống còn đang phải đối mặt với một vấn đề khác. Trong quá trình lựa chọn các đối tác fintech, họ phải đánh giá đâu là công ty có thể tồn tại lâu dài khi vượt qua giai đoạn "đánh giá và sàng lọc". Thậm chí một số start-up đứng đầu trong lĩnh vực fintech cũng rơi vào tình trạng "bốc hơi" tiền mặt.

Một ví dụ điển hình là Paytm. Hồi tháng 9, công ty mẹ của họ cho biết khoản lỗ ròng trong năm kết thúc vào tháng 3 đã tăng lên 559 triệu USD, sau khi điều chỉnh theo biến động của tỷ giá hối đoái, từ mức 210 triệu USD vào năm ngoái. Trong khi đó, doanh thu chỉ tăng nhẹ từ 430 triệu USD lên 456 triệu USD.

Đối với Gojek và Grab ở Đông Nam Á, thì lợi nhuận thực sự là mục tiêu dài hạn. Tuy nhiên, ở một giai đoạn nào đó, ngay cả các nhà đầu tư thân cận sẽ đòi hỏi rằng những start-up này phải chỉ ra hướng đi để có được lợi nhuận. Những công ty nào không thể đáp ứng thì sẽ sớm lụi tàn. 

Tham khảo Financial Times

Giang Ng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên