MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sư tử thực sự không cần mất công gầm thét, người có năng lực càng không cần dùng lời nói để chứng minh

15-04-2020 - 18:45 PM | Sống

Giống như cách mà Frank Ocean đã nói, hãy cứ làm việc chăm chỉ trong IM LẶNG và để cho sự thành công của bạn LÊN TIẾNG, chẳng có gì cần chứng minh với thế nhân.

Trong cuộc sống, chúng ta luôn quan tâm đến ý kiến ​​của người khác, từ đó hình thành thói quen tự giải thích và chứng minh bản thân để thỏa mãn mọi người. Những suy nghĩ “Nếu làm vậy, họ sẽ đánh giá mình thế nào?”, “Người khác sẽ cười chê mất thôi”... có thể tác động nghiêm trọng tới tư duy của mỗi người. Chúng ta vô thức đã xếp đánh giá của người ngoài lên vị trí chủ đạo trong lòng, còn cao hơn cả ý kiến của chính bản thân.

Từ góc độ tâm lý, mọi người không ngừng chứng tỏ bản thân dựa trên nhu cầu duy trì lòng tự trọng hoặc ý thức tự tôn cá nhân. Từ góc độ lý luận trình tự, sau khi đã thỏa mãn các nhu cầu về sinh lý, an toàn và tình cảm rồi, nhu cầu tìm kiếm tự tôn cá nhân sẽ nảy sinh.

Mọi người cảm thấy phải giành được sự tôn trọng của người khác và thỏa mãn lòng tự tôn của chính mình, vì thế, họ sẽ không ngừng tìm cách tự chứng minh bản thân. Nếu hành vi và nhận thức xuất hiện sự không nhất quán, chúng ta sẽ sinh ra một cảm giác căng thẳng, khó chịu và bức xúc.

Để giải quyết loại căng thẳng này, mọi người sẽ thay đổi hành vi hoặc thay đổi nhận thức của mình. Và tự chứng minh bản thân cũng là một loại thay đổi hành vi để củng cố nhận thức tốt đẹp về chính mình.

Cùng sống trong một cộng đồng, chúng ta sẽ nảy sinh ý thức xã hội, cũng luôn sử dụng những thông tin xã hội có được để tiến hành các so sánh xã hội với những sự vật, sự việc và con người xung quanh, bao gồm cả bản thân mình.

Với người có năng lực tự chủ tốt, so sánh có thể trở thành động lực để tiến bộ, giúp họ gia tăng năng lực bản thân, bù đắp vào những khiếm khuyết mình còn đang mắc phải. Ngược lại, với người có năng lực tự chủ yếu kém hơn, so sánh xã hội giống như một con dao hai lưỡi, tự đâm vào chính người dùng, khiến họ lạc lối và phụ thuộc quá nhiều vào sự đánh giá của những người xung quanh.

Sư tử thực sự không cần mất công gầm thét, người có năng lực càng không cần dùng lời nói để chứng minh - Ảnh 1.

Thực tế, 9 người thì 10 ý, quan điểm và tầm nhìn mỗi người đều có sự bất đồng, do đó, đánh giá và ý kiến của người ngoài không phải lúc nào cũng giống nhau và chính xác hoàn toàn. Nếu quá bận tâm về nó, bạn sẽ dễ dàng lạc đường và đánh mất phương hướng của bản thân, thậm chí còn liên tục sai lầm vì lắng nghe và tiếp nhận sai cách.

Với những người nhìn đời theo lăng kính “phán xét” của riêng mình, dù bạn hoàn hảo đến mấy, họ vẫn sẽ tìm ra nơi để phán xét. Với những người ôm mục đích cá nhân vụ lợi hoặc động cơ xấu xa, bụng dạ khó lường, họ lại càng cố tình đưa ra những đánh giá sai lệch để chờ bạn “trúng bẫy”.

Có một câu chuyện tiếu lâm kể về hai thầy trò xuất gia. Một ngày, đang đi trên đường, vô tình lúc qua một con sông, họ gặp một cô gái trần truồng sắp chết đuối. Thấy vậy, người sư phụ lập tức nhảy xuống sông để cứu lấy cô gái lên bờ mà không chút chần chừ. Sau đó, ông lại dẫn đồ đệ đi tiếp.

Trên đường, vị đệ tử cứ liên tục trăn trở và suy nghĩ về sư phụ. Anh ta cho rằng, bản thân là người xuất gia, phải giữ gìn các giới luật, không nên làm ra hành động tiếp xúc với phụ nữ trần truồng khiếm nhã như vậy. Cuối cùng, không thể lý giải nổi, đệ tử bèn hỏi sư phụ.

Sư phụ chỉ mỉm cười nhẹ nhàng hỏi lại: “Cứu người xong, ta đã để cô gái ấy ở lại bên phía bờ sông, sao con còn dẫn theo cô ta đến tận bây giờ?”.

Chắc chắn người sư phụ hiểu được việc cứu một mạng người quan trọng hơn cái nhìn của người đời. Vì thế, ông chẳng hề bận tâm tới việc người khác có phán xét và suy nghĩ xấu về mình hay không, càng không cần thiết phải cố tự chứng minh điều đó.

Sư tử thực sự không cần mất công gầm thét, người có năng lực càng không cần dùng lời nói để chứng minh - Ảnh 2.

Quả thật, với người nhân nghĩa, họ biết rằng “Cứu một mạng người còn hơn xây bảy tháp phù đồ”. Còn với kẻ tâm không tịnh, lòng không yên, họ nhìn đâu cũng thấy sắc dục và cám dỗ. Việc người khác có đánh giá chúng ta hay không, và họ sẽ đánh giá như thế nào đều là do người đó là ai, họ thuộc tuýp người như thế nào, chứ không nằm ở bạn.

Tác giả người Mỹ Sheri L. Dew, đồng thời cũng là nhà xuất bản, phó chủ tịch điều hành của Deseret Management Corporation, và giám đốc điều hành của Công ty sách Deseret, đã từng nói rằng: "Tất cả chúng ta không tồn tại trên thế giới này để tìm kiếm giá trị của bản thân, mà nó luôn tồn tại bên trong chính mình." (Bản gốc: “None of us come to this Earth to gain our worth, we brought it with us”.)

Để một nhà khoa học có thể phát minh ra thành tựu, cống hiến cho sự phát triển chung của toàn nhân loại, anh ta sẽ phải nghiên cứu và thử nghiệm liên tục hàng trăm, hàng nghìn lần. Nếu như Thomas Edison lo sợ bị phán xét là kẻ thất bại sau 999 lần thử nghiệm bất thành và từ bỏ thì liệu chúng ta có bóng đèn để sử dụng ở hiện tại hay không? Câu trả lời có thể là không, cũng có thể là có, nhưng nhất định quá trình phát triển khoa học sẽ đi chậm hơn rất nhiều.

Sư tử thực sự không cần mất công gầm thét, người có năng lực càng không cần dùng lời nói để chứng minh - Ảnh 3.

Hãy nhớ rằng, bạn có giá trị bởi vì bạn là chính mình, mà không phụ thuộc vào đánh giá của bất cứ ai. Người giỏi cũng giống như sư tử, là chúa sơn lâm rồi thì chẳng cần chứng tỏ, tự bản thân đã nắm giữ uy quyền.

Giống với câu chuyện về chú sư tử già và con chó ngao sau đây:

Một anh thanh niên lực lưỡng dắt theo một con chó ngao Tây Tạng thuần chủng đi dạo, nhìn thấy bên đường có một ông già hói đầu ngồi cạnh một con chó to rụng gần hết cả lông. Con Ngao lập tức sủa vang, nhưng con chó của ông già chỉ liếc mắt một cái rồi chả thèm quan tâm.

Anh thanh niên bực mình, liền đòi thách đấu cho hai con chó với nhau. Ông già đùn đẩy một hồi không được, cuối cùng đành chấp nhận. Kết quả là hai con chó đấu với nhau chưa đầy 2 phút, chó ngao Tây Tạng thua thảm hại, nằm im re dưới đất mà không không dám gầm gừ nữa.

Anh thanh niên bấy giờ mới ngạc nhiên: “Ông ơi, đó là giống gì mà khỏe thế?”

Ông lão thì điềm nhiên trả lời: “Ông cũng không biết nó được gọi là giống chó gì, chỉ biết rằng lúc nó chưa rụng lông người ta gọi nó là Sư tử!”

Từ câu chuyện trên, chúng ta có thể thấy rằng, khi học cách thay đổi quan điểm và đối diện với giá trị riêng của chính mình, đánh giá hay ý kiến của người khác chỉ đơn giản trở thành những kinh nghiệm học tập để thúc đẩy chúng ta tiến lên, thay vì các cản trở tâm lý phá hủy bản thân. Thay vì không ngừng so sánh hay chứng minh bản thân với thế giới, chúng ta chỉ cần làm chính mình, vậy là đủ rồi.

Phương Thuý

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên